Kế hoạch chuyển nhượng đúng đắn (mùa hè và mùa đông) chiếm 50% cơ hội thành công của một đội bóng ở mỗi mùa giải. Mua những ngôi sao cần thiết và phù hợp với câu lạc bộ, đồng thời “loại bỏ” những cầu thủ không còn khả năng cống hiến được xem là bước đi khôn ngoan nếu muốn xưng vương trong thế giới bóng đá ngày nay.
Ngược lại, sai lầm trong công tác mua bán cầu thủ có thể khiến thành tích của đội nhà trở nên bết bát, đồng thời trong tình huống xấu nhất cả huấn luyện viên và giám đốc thể thao có thể bị mất chức. Sau đây là 4 chiến dịch chuyển nhượng được xem là kém hiệu quả nhất trong kỉ nguyên Premier League.
1. Leicester City (2016-17)
Sau chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2015/2016, Leicester City được kì vọng có thể sử dụng số tiền thu được từ bản quyền truyền hình và sự bạo chi từ giới chủ Thái Lan để nâng cấp đội hình hòng chinh chiến trên hai mặt trận là Premier League và Champions League. Trên thực tế, The Foxes đã chi tiền mua sắm cầu thủ nhằm tăng cường sức mạnh, nhưng thật đáng tiếc độ hiệu quả trong các thương vụ của đội chủ sân King Power là rất thấp.
82,44 triệu bảng là tổng số tiền được Bầy cáo chi ra nhằm mang về những cái tên như Nampalys Mendy (10 triệu bảng – từ OGC Nice), Ahmed Musa (17 triệu bảng từ CSKA) hay Islam Slimani (20 triệu bảng từ Sporting CP). Mặc dù thế, không ai trong số những gương mặt này có thể tỏa sáng và giúp đội bóng nước Anh duy trì phong độ ấn tượng như mùa giải trước.
Tân binh chưa thể hòa nhập với lối chơi và các đồng đội mới, sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ khác cùng với sức ép sau chức vô địch trước đó khiến Bầy cáo sa sút thảm hại. HLV Claudio Ranieri bị sa thải, trong khi Leicester City kết thúc mùa giải 2016/2017 ở vị trí thứ 13 chung cuộc. Có thể khẳng định, kế hoạch mua bán cầu thủ của đội bóng này đã thất bại!.
2. Liverpool (2014-15)
Sau sự ra đi của tiền đạo Luis Suarez sang Barcelona (65 triệu bảng), đội chủ sân Anfield quyết định bao chi trên thị trường chuyển nhượng nhằm khỏa lấp khoảng trống để lại từ cầu thủ người Uruguay. Lần lượt những cái tên Ricky Lambert, Mario Balotelli, Lazar Markovic, Adam Lallana hay Dejan Lovren cập bến đội bóng xứ sương mù.
117 triệu bảng là tổng số tiền đã được Liverpool bỏ ra nhằm tăng cường sức mạnh cả 3 tuyến cho đội nhà. Thực tế đã chứng minh, số tiền trên đã bị lãng phí bởi phong độ nghèo nàn của các tân binh. Markovic và Lallana chưa sẵn sàng thi đấu dưới nhiều áp lực trong màu áo một ông lớn; Balotelli và Lambert thì thi đấu phập phù, trong khi trung vệ Lovren không đủ tốt để đảm trách vai trò một “lá chắn thép” trước khung thành Lữ đoàn đỏ. Liverpool kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6 và bị loại ngay từ vòng đấu bảng Champions League.
3. Arsenal (2011-12)
Khởi đầu mùa giải 2011-2012, Pháo thủ thành London nói lời chia tay với hai ngôi sao quan trọng: Cesc Fabregas (Barcelona, 30 triệu bảng) và Samir Nasri (Man City, 25 triệu bảng). Để bù đắp, HLV Arsene Wenger mang về đội chủ sân Emirates hai bản hợp đồng: Carl Jenkinson (1 triệu bảng từ Charlton Athletic) và ngôi sao chạy cánh Alex Oxlade-Chamberlain (12 triệu bảng từ Southampton).
Với lực lượng mỏng cùng sự khủng hoảng về mặt phong độ, Arsenal để Newcastle cầm hòa và nhận thất bại 0-2 trước Liverpool ở 2 lượt đấu đầu tiên. Trận thua bạc nhược 2-8 trong màn thư hùng với Man United là minh chứng cho một kế hoạch chuyển nhượng mùa hè thất bại của đội bóng nước Anh.
Đứng trước tình thế trên, Wenger buộc phải gấp rút tăng cường lực lượng nhằm cứu vãn cho đội nhà. Lần lượt những Gervinho, Park Chu-Yung, Mikel Arteta, Per Mertesacker và Andre Santos được đưa về đội chủ sân Emirates. Mặc dù thế, đội bóng thủ đô London đã phải khá vất vả để có thể kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 3 chung cuộc. Kế hoạch chuyển nhượng của Arsenal đơn giản là đã thất bại.
4. Chelsea (2017-18)
Sau chức vô địch Premier League 2016/2017, HLV Antonio Conte tràn đầy tự tin cùng đội chủ sân Stamford Bridge chinh phục những nấc thang mới trong sự nghiệp cầm quân. Thế nhưng kế hoạch mua bán cầu thủ không tốt đã phá hỏng tất cả của chiến lược gia người Ý.
Alvaro Morata cùng Olivier Giroud không thể bù đắp khoảng trống để lại của tiền đạo Diego Costa; trong khi đó những Antonio Rudiger, Emerson Palmieri, Tiemoue Bakayoko chưa thể hòa nhập với đội bóng mới. Tất cả đã tạo nên mùa giải tồi tệ cho Chelsea. Họ kết thúc Ngoại hạng Anh ở vị trí thứ 5, bị loại từ vòng 1/8 Champions League bởi Barcelona; chức vô địch FA Cup là không đủ để giúp Conte giữ được chiếc ghế huấn luyện viên đội bóng. Cựu chiến lược gia Juventus đã phải trả giá đắt cho chính sách chuyển nhượng sai lầm của mình.