Trong 3 trường hợp dưới đây, người tham gia giao thông có thể đi thẳng ngay cả khi gặp đèn đỏ.
3 trường hợp đèn đỏ được đi thẳng
(1) Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
Khi gặp tín hiệu đèn đỏ, người tham gia giao thông sẽ phải dừng xe trước vạch. Tuy nhiên, trường hợp có hiệu lệnh cho phép đi thẳng của các chiến sĩ Cảnh sát giao thông phân luồng thì người tham gia giao thông vẫn được đi tiếp.
Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT nêu rõ ngay cả khi hiệu lệnh của người điều khiển giao thông trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường thì người tham gia giao thông vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh đó.
(2) Xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ
Theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, những xe sau đây được xem là xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông gồm:
– Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
– Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
– Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
– Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
(3) Biển báo phụ cho phép đi thẳng khi đèn đỏ
Tại những con đường cắt nhau không thành hình tạo ngã ba giao lộ, nếu hướng đối diện các phương tiện không lưu thông thì biển phụ “Đèn đỏ được đi thẳng” sẽ được lắp đặt để đảm bảo giao thông được thông suốt, tránh tình trạng ùn tắc.
Trường hợp gặp biển báo này, khi tín hiểu đèn chuyển màu đỏ, người tham gia giao thông vẫn được phép đi thẳng.
2 trường hợp đèn đỏ được phép rẽ trái
(1) Có biển báo phụ cho phép rẽ trái
Biển phụ cho phép rẽ trái cũng có dạng hình chữ nhật, nền xanh, chữ màu trắng. Biển này sẽ ghi “Đèn đỏ các phương tiện được rẽ trái”, có thể có kèm dòng chữ “Chú ý nhường đường cho người đi bộ”.
Nếu có biển báo này thì khi đèn đỏ, các phương tiện được quyền rẽ trái.
(2) Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
Như đã nêu ở trên, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông luôn được ưu tiên chấp hành hàng đầu. Vì vậy, khi Cảnh sát giao thông ra dấu bằng tay bằng tay, còi, cờ, gậy… cho phép rẽ trái thì người tham gia giao thông có thể rẽ trái.