Thể lực vẫn là vấn đề muôn thuở của bóng đá Việt, và để giải quyết vấn đề này không phải chỉ là trách nhiệm của một người huấn luyện viên trưởng.
[dropcap]T[/dropcap]rước hết xin nhấn mạnh rằng, nâng cao thể lực không phải là biến cầu thủ nước ta khỏe mạnh ngang ngửa với cầu thủ châu Âu, châu Phi, điều đó rõ ràng là không thể. Nâng cao thể lực là khiến cho cầu thủ đủ sức thể hiện lối chơi của mình trong ít nhất là 90 phút của trận đấu. Khá nhiều cầu thủ Việt hiện nay chỉ có thể chạy khoảng hơn 70 phút là bắt đầu xuống sức, cá biệt nếu gặp các đối thủ áp đảo về thể hình thể lực, như trận gặp Iraq ở vòng loại World Cup vừa qua chẳng hạn, thì các cầu thủ còn có xu hướng “đi bộ” ngay từ khoảng đầu hiệp 2.
Hãy nhớ lại quá khứ một chút, trong trận đấu tại World Cup 2014, giữa Bờ Biển Ngà và Nhật Bản, rõ ràng các cầu thủ Đông Á không có cửa so về sức vóc với các tuyển thủ đến từ châu Phi. Nhưng Nhật Bản vẫn đủ thể lực để thể hiện được lối chơi của mình, và điều đó khiến Bờ Biển Ngà cực kỳ chật vật, bị dẫn bàn trước và dù sau cùng họ thắng ngược, thì cũng không thể phủ nhận màn ngược dòng đó có phần may mắn.
Cầu thủ Việt cũng phải được hướng tới mục tiêu như vậy, không phải biến anh thành lực sĩ đi đua sức với người ta, mà anh phải có đủ sức để triển khai lối chơi của chính mình, từ đó sự vận hành chiến thuật mới được trơn tru, chứ tất nhiên, “đi bộ” thì không thể triển khai được cái gì cả.
Dong dài như vậy để khẳng định rằng, nâng cao thể lực là rất quan trọng, chứ đừng vì những lý do như người châu Á không thể có sức mạnh bằng người châu Phi, người Đông Nam Á chắc chắn yếu hơn người Tây Á mà lơ là vấn đề quan trọng này.
Thể lực có vai trò quan trọng như vậy, và cách nâng tầm nó lên cũng rất quan trọng. Ông Miura bị ném đá vì cho tập thể lực nặng, và người ta cho rằng việc đó làm các cầu thủ “con cưng” của người hâm mộ chấn thương. Thật ra có phải vậy không? Khi Hữu Thắng lên nắm quyền, ông vẫn đối mặt với nạn chấn thương, dù ông không cho tập nặng như Miura đó thôi. Thành Lương, cầu thủ vốn nhỏ con và không mạnh về tranh chấp, đã từng chia sẻ rằng nhờ Miura thể lực của anh mới nâng lên rõ rệt. Công Phượng đi Nhật phải tập đến “nhấc chân không nổi”, theo một số nguồn tin, nhưng anh vẫn tràn trề quyết tâm ra sân chứ có oán thán kêu ca gì đâu?
Theo thiển ý của người viết, để nâng tầm thể lực, không gì khác ngoài việc phải tập nặng. Lấy ví dụ Hải Phòng, đội bóng đang dẫn đầu V-League, được biết đây là CLB có giáo trình thể lực vào loại nặng nhất V-League, đổi lại họ được gì, đó là một dàn cầu thủ mạnh mẽ cả tây lẫn ta. Lão tướng Phùng Văn Nhiên đã 35 tuổi vẫn ra sân đá chính, chạy không biết mệt và trong trận gặp Than Quảng Ninh đã hai lần “đánh vai” làm trai trẻ Nghiêm Xuân Tú phải dạt ra đường biên. Chính vì thể lực sung mãn, Hải Phòng đang dần trở thành “thế lực” chứ không còn là “hiện tượng” ở V-League nữa, cách họ thể hiện trong hai trận đấu với ĐKVĐ Becamex Bình Dương và ĐK Á quân Hà Nội T&T đã cho thấy điều đó.
Nếu như đội nào ở V-League cũng chú trọng việc nâng cao thể lực cho cầu thủ như Hải Phòng, sẽ không còn tình trạng khi hội quân lên đội tuyển, HLV trưởng lại phải đi rèn luyện thể lực cho tuyển thủ. Còn nếu các CLB vẫn sợ quân mình “đau”, cho tập nhẹ nhàng thì nền bóng đá nước nhà vẫn cứ ca bài ca thể lực là điểm yếu cố hữu mà thôi.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
[box type=”shadow” align=”aligncenter” ]
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
[/box]
[related_posts_by_tax format=”list” taxonomies=”post_tag” posts_per_page=”10″]