Sáng (16/7), tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Liên đoàn đá cầu Việt Nam lần thứ nhất nhiệm kỳ 2022-2027. Đá cầu cũng là bộ môn Việt Nam đang giữ vị trí số 1 thế giới.
Hơn 5 tháng sau khi Bộ Nội vụ ban hành quyết định số 73/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Liên đoàn đá cầu Việt Nam, sáng nay (16/7) tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu thành lập Liên đoàn đá cầu Việt Nam (VSF) nhiệm kỳ I (2022-2027).
Đại hội đã bầu ra Chủ tịch Liên đoàn là ông Nguyễn Văn Tuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) và Tổng thư ký là ông Mạc Xuân Tùng (phụ trách Bộ môn Đá cầu, Tổng cục TDTT).
Ngoài ra, Đại hội còn bầu 4 Phó Chủ tịch, 7 ủy viên Ban thường vụ và nhân sự các ban chuyên môn của Liên đoàn đá cầu Việt Nam, qua đó thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra để phát triển tốt hơn môn thể thao này.
Đá cầu Việt Nam luôn có thứ hạng cao tại các giải đấu thế giới. Cụ thể, ĐT Đá cầu Việt Nam đã 10 lần tham dự giải vô địch thế giới và đều xếp nhất toàn đoàn.
Lần gần nhất ở giải Đá cầu VĐTG 2019 diễn ra tại Pháp, ĐT Việt Nam đã giành 5 HCV và 2 HCB. Còn tại đấu trường khu vực, đá cầu cũng đã 2 lần được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 22 và 25.
Môn đá cầu được ví như “môn thể thao bình dân” vì dễ phổ biến và thu hút người chơi đủ mọi lứa tuổi. Tuy vậy, thực tế hiện mới có 15 tỉnh, thành phố có đội tuyển tham gia thi đấu tại các giải vô địch quốc gia.
Sau khi thành lập, Liên đoàn Đá cầu Việt Nam sẽ ưu tiên vận động mở rộng số lượng các đơn vị phát triển bộ môn (20 tỉnh, thành trở lên), quy hoạch hệ thống đào tạo HLV, VĐV, trọng tài, cũng như xây dựng bài bản, quy mô và chất lượng các giải đấu theo hệ thống vô địch quốc gia.
Ngoài ra, như phát biểu chỉ đạo tại Đại hội của Phó Tổng cục trưởng TC TDTT, ông Trần Đức Phấn, định hướng trách nhiệm của Liên đoàn là “cần phải quảng bá rõ rệt và hiệu quả hơn nữa hình ảnh bộ môn đá cầu ra toàn thế giới”.
Theo Thể Thao Văn Hóa