Nếu bạn thường xuyên dùng mạng xã hội có thể bạn cũng đang bị dính phải một trong những triệu chứng dưới đây mà không nhận ra.
Mạng xã hội nhiều hệ lụy
Mạng xã hội có một đặc điểm là được thiết kế để thu hút sự chú ý của người dùng và chúng có tính gây nghiện.
Chính vì thế mạng xã hội có thể khiến những người quá ham mê sẽ mất tạp trung trong công việc, học tập và các mối quan hệ ngoài đời thực. Nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh) cho thấy những người sử dụng mạng xã hội nhiều hơn 3 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao gấp đôi so với những người sử dụng ít hơn.
Mạng xã hội chính là một cạm bẫy gây “nghiện ngập”, nghiện thế giới ảo xa rời thực tế và có thể khiến người ta bị ảnh hương sức khỏe tâm thần. Thường xuyên tiếp xúc với hình ảnh hoàn hảo những điều lý tưởng hóa trên mạng xã hội có thể khiến người dùng cảm thấy tự ti, chán nản về bản thân, từ đó dẫn đến trầm cảm và lo âu.
Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia Mỹ, thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội thường xuyên có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao hơn 27% so với những người ít sử dụng. Sau khi nghiện ngập mạng xã hội người ta có thể bị áp lực thể hiện một hình ảnh “hoàn hảo” trên mạng từ đó mà gia tăng tình trạng lo âu. Hơn nữa khi dùng mạng xã hội là phải dùng thiết bị điện tử nên bị ảnh hưởng bới ánh sáng xanh. Ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất melatonin, hormone điều hòa giấc ngủ.
Đáng lo ngại hơn, mạng xã hội là môi trường ẩn danh, tạo điều kiện cho việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying) xảy ra nhiều hơn. Đã có không ít vụ việc vì mâu thuẫn trên mạng xã hội mà dẫn đến những cuộc ẩu đả bên ngoài đời thật, trong đó nhiều nạn nhân vẫn còn là học sinh cấp 2, cấp 3. Đôi khi có những người khủng hoảng tinh thần vì bị bắt nạt trên mạng xã hội.
Mạng xã hội ảnh hưởng tới tâm sinh lý
Nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ) cho hay những sinh viên hay dùng mạng xã hội có khả năng đồng cảm thấp hơn và gặp khó khăn trong việc đọc biểu cảm khuôn mặt của người khác. Hơn nữa trên mạng xã hội thông tin chưa được xác thực đã có thể lan truyền rất nhanh, gây ra nạn tin giả mạo, tiêu cực và lan truyền điều tiêu cực. Điều đó có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý xã hội khiến người ta hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng đến nhận thức của người dùng.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Anh) cho thấy gần 60% người dùng mạng xã hội từng gặp phải tin tức giả mạo trên các nền tảng này.
Việc kiểm soát nội dung trên nền tảng xã hội chưa chặt chẽ có thể lan truyền nhiều thông tin độc hại nguy hiểm, ảnh hưởng tới thế hệ trẻ và có thể cổ xúy hành vi lệch lạc.
Giải pháp an toàn trên mạng xã hội
Nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng các biện pháp khác nhau để kiểm soát nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok nhằm bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ em, khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Mỹ cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ, châu Âu yêu cầu TikTok tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ nội dung và thời gian sử dụng TikTok.
Singapore đã thông qua Dự luật An toàn trực tuyến (có sửa đổi), trao quyền cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ngăn người dùng truy cập vào các nội dung độc hại trên TikTok, Facebook, YouTube…
Việt Nam cũng đã có những nghị định liên quan tới quản lý an ninh mạng, như Nghị định 27/2018. Mới đây chính phủ đã ra Nghị định 147 chính thức hiệu lực từ 25/12/2024 thay thế nghị định 27. Theo đó nghị định 147 yêu cầu các tài khoản mạng xã hội phải xác thực thông qua số điện thoại hoặc định danh cá nhân mới được đăng nội dung chia sẻ, bình luận, livestream, yêu cầu trách nhiệm cơ quan chủ quản nền tảng mạng xã hội trong việc kiểm soát nội dung, bao gồm việc gỡ bỏ nội dung vi phạm và hợp tác với cơ quan chức năng.