Đây là dòng họ lớn tại Việt Nam, ban đầu tên của các thành viên đều có nghĩa là các loài cá.
Ở Việt Nam, họ Trần là dòng họ đông thứ hai, chỉ sau họ Nguyễn. Theo Thống kê các họ người Việt Nam năm 2022, họ Trần chiếm đến 10,9% dân số nước ta. Nhưng có thể nhiều người không biết, đây là một họ có rất nhiều điều đặc biệt.
Những thế hệ đầu tiên của họ Trần được đặt tên dựa trên các loài cá quen thuộc. Ví dụ: Trần Lý (cá chép), Trần Thừa (cá dưa), Trần Liễu (cá leo), Trần Cảnh (cá lành canh)…
Lý do vì sao họ Trần lại được đặt tên theo các loài cá được giải thích là do họ Trần thường sinh sống ở khu vực cửa sông ven biển, chuyên làm nghề chài lưới. Cuốn “Việt Nam – Kho tàng dã sử” của tác giả Vũ Ngọc Khánh, vào khoảng thế kỷ XII, họ Trần đã bắt đầu kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá rồi ngày càng thịnh vượng, làm quan dưới các triều đại và sau này có cho mình một vương triều rực rỡ.
Bà Trần Thị Dung (không rõ năm sinh) vốn có tên là Ngừ (cá ngừ), khi làm hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông mới đổi thành Dung. Bà là hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý và là mẹ của Lý Chiêu Hoàng – vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử.
Khi lấy giang sơn về cho nhà Trần, hoàng thái hậu nhà Lý Trần Thị Dung bị phế ngôi. Vua Trần Thái Tông vì nghĩ bà từng là hoàng hậu của Lý Huệ Tông không nỡ gọi là công chúa nên phong làm Linh Từ quốc mẫu, một cách gọi khác của hoàng hậu.
Linh Từ quốc mẫu sau đó tái hôn với thái sư Trần Thủ Độ, người trong họ. Đại Việt sử ký viết: “Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần”. Sau này, bà được nhân dân lập đền thờ và gọi là “bà chúa Ngừ”.
Trần Thủ Độ được xem là người “một tay lập nên nhà Trần”. Giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ dưới thời vua Lý Huệ Tông, Trần Thủ Độ từng bước giành ngôi báu cho dòng tộc. Chính ông ép vua Huệ Tông lên làm Thái thượng hoàng để nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng. Ông cùng với Trần Thừa đem Trần Cảnh (con trai Trần Thừa) tác hợp với Chiêu Hoàng, sau đó ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông, khởi nghiệp nhà Trần vào khoảng cuối năm 1225.
Trần Dụ Tông (1336 – 1369) là hoàng đế thứ bảy của triều đại nhà Trần. Vua Trần Hiến Tông bị bệnh, mất khi 23 tuổi. Do chưa có con trai nên thượng hoàng Trần Minh Tông đã lập em trai của Trần Hiến Tông là Trần Hạo (tức Trần Dụ Tông) lên ngôi.
Trần Dụ Tông làm vua từ năm 1341, khi mới 5 tuổi, lấy niên hiệu là Thiệu Phong. Thời gian đầu khi vua nối ngôi, mọi việc triều chính vẫn do thượng hoàng Trần Minh Tông lo liệu. Những năm cuối đời của thượng hoàng Trần Minh Tông, vua Trần Dụ Tông mới chấp chính.
Ông được mệnh danh vị vua ăn chơi nhất sử Việt, đam mê bài bạc, bỏ bê triều chính khiến cả vương triều suy yếu, rơi vào tay người ngoài.
Trải qua hàng nghìn năm, họ Trần đã và đang đóng góp rất nhiều cho Việt Nam. Họ không chỉ có nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân nổi tiếng mà còn có cả một triều đại hùng mạnh trong lịch sử phong kiến nước ta.