Việc thêm gạo vào lọ muối sẽ giúp giải quyết vấn đề mà hầu như nhà nào cũng gặp.
Lợi ích của việc bỏ gạo vào lọ muối
Muối rất dễ bị vón cục, ướt, chảy nước, đặc biệt là với loại muối i-ốt. Muối bị biến đổi như vậy làm quá trình sử dụng trở nên khó khăn. Mặc dù muối bị chảy nước vẫn có thể sử dụng được nhưng khi đó trông lọ muối cũng kém vệ sinh hơn.
Để muối luôn khô ráo, không bị vón cục hay chảy nước, bạn có thể sử dụng gạo. Bỏ gạo vào một túi vải nhỏ (hoặc một tờ khăn giấy) rồi gói lại. Cho túi gạo này vào trong lọ muối. Gạo sẽ hút ẩm, giữ cho muối luôn khô ráo.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lót một tờ khăn giấy ở dưới đáy lọ muối rồi đổ muối lên trên. Giấy sẽ hút độ ẩm trong lọ, giữ cho muối khô ráo.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bỏ gói chống ẩm vào lọ muối để muối khô, không bị chảy nước.
Mẹo bảo quản các loại gia vị khác trong nhà bếp
– Mẹo bảo quản đường
Đường rất dễ bị chảy nước, vón cục, bị kiến chui vào nếu không bảo quản cẩn thân. Bạn có thể cắt 1 lát chanh mỏng rồi bỏ vào trên nắp hoặc xung quanh lọ đường để ngăn kiến. Bỏ một lát bánh mì vào lọ đường sẽ giúp hút ẩm trong lọ, giữ cho đường khô ráo, không bị chảy nước.
– Mẹo bảo quản hạt tiêu
Hạt tiêu xay sẽ khó bảo quản lâu. Vì vậy, bạn nên để hạt tiêu nguyên hạt, khi cần dùng thì xay nhỏ để loại gia vị này giữ được mùi hương như ban đầu.
Phần hạt tiêu chưa sử dụng đến cần để trong lọ thủy tinh, đậy nắp kín và để ở nơi khô ráo, thoáng mát.
– Mẹo bảo quản hành, tỏi khô
Hành, tỏi khô nếu không bảo quản đúng cách sẽ rất dễ bị thối, mọc mầm. Ở các vùng quê, người ta hay gác các loại hành, tỏi lên phía trên bếp nấu để chúng luôn khô ráo, phần bồ hóng bám bên ngoài giúp năng vi khuẩn xâm nhập vào bên trong.
Tuy nhiên, đa số các gia đình hiện nay không thể áp dụng cách này. Thay vào đó, cách bảo quản hành, tỏi đơn giản nhất là treo những loại gia vị này ở nơi khô ráo, thoáng mát, thỉnh thoảng đem ra phơi nắng.
– Mẹo bảo quản gừng
Cách bảo quản gừng cũng không khó. Bạn có thể để gừng ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời để gừng không bị thối hỏng, mọc mầm. Ngoài ra, để tiện sử dụng, hãy nghiền nát tỏi rồi cho hỗn hợp này vào lọ sạch, đậy nắp kín và để trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Nếu muốn bảo quản gừng lâu hơn, hãy chia hỗn hợp gừng nghiền vào khay đá. Để khay này trong ngăn đá cho đông cứng hoàn toàn. Gỡ từng viên gừng đông đá ra, bỏ vào hộp, đậy nắp kín và để vào ngăn đá. Mỗi lần dùng có thể lấy một lượng vừa đủ.