Sau 5 ngày diễn ra (5/4-9/4), “Festival Văn hóa truyền thống Việt lần thứ nhất 2019” đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách từ khắp nơi đổ về tham gia lễ hội.
Vào ngày bế mạc (ngày 9/4), BTC đã tặng quà cho du khách là nón lá Việt Nam, quà lưu niệm dân gian và trao học bổng cho trẻ em khuyết tật trường THCS Xã Đàn, Hà Nội.
Được tổ chức nhân ngày giỗ Vua Lý Thái Tổ (ngày 3/3 âm lịch hằng năm), “Festival Văn hóa Truyền thống Việt 2019” diễn ra tại Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long là điểm đến trong những ngày tháng 4 đối với người dân thủ đô và du khách quốc tế trong 5 ngày qua.
Nhiều nét văn hóa đặc sắc tại lễ hội
Xây dựng Festival với mục đích bảo tồn, lưu giữ và phát triển văn hóa truyền thống, tái hiện lại nét văn hóa xưa, nhằm gợi nhớ tinh thần dân tộc, hội tụ, kết nối tinh hoa dân tộc Việt và xây dựng tình hữu nghị văn hóa Quốc tế, Ban tổ chức đã đầu tư cho Lễ hội một chương trình phong phú với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Đêm khai mạc diễn ra trực tiếp trên sóng HTV1 với sự hội tụ NSND, NSUT và các nghệ sĩ 3 miền biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được Nhà nước và Unesco vinh danh.
Đồng thời, sau lễ khai mạc ngày 5/4, lễ hội đã mở cửa để đón khách thăm quan, trải nghiệm không gian văn hóa thu nhỏ cùng các trò chơi dân gian, tái hiện nét đẹp văn hóa xưa của người Việt.
Sáng 7/4, tức mùng 3 tháng 3 năm Kỷ Hợi, tại Điện Kính Thiên BTC đã tổ chức đã phối hợp cùng Ban lãnh đạo Trung tâm Hoàng Thành tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 991 năm ngày húy kỵ (ngày giỗ) vua Lý Thái Tổ. Đây là hoạt động nhớ về cuội nguồn, tri ân các bậc Tiên đế, nhằm giáo dục và nhắc nhở thế hệ đi sau “uống nước nhớ nguồn” giữ gìn và lưu truyền những giá trị tốt đẹp của Thăng Long Hà Nội, bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị lịch sử, văn hoá quý giá của Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hoá thế giới giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Tới dự lễ và dâng hương có các vị lãnh đạo, Phật tử, tăng ni và đông đảo người dân.
Xuyên suốt Festival, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, trình diễn thời trang, thư pháp, trưng bày nghệ thuật múa rối nước, trò chơi dân gian… được diễn ra với các nội dung phong phú, thiết thực nhằm mang lại những giá trị văn hóa du lịch và giao thương giữa các tỉnh, thành phố và quốc tế. Tại lễ hội, công chúng còn được nghe và tìm hiểu về văn hoá đạo Mẫu… qua tọa đàm về đạo Mẫu ở Việt Nam.
Ít có một chương trình nào qui tụ dàn NSND, NSƯT và các nghệ sĩ Bắc Trung Nam cùng về biểu diễn, một sân khấu lớn hoành tráng, dàn múa đẹp và sự cầu kỳ tỉ mỉ trong dàn dựng. Một lễ Huý Nhật Đức Vua được tổ chức kết hợp với Ban quản lí trung tâm Hoàng thành cẩn trọng bài bản do NSND Lê Tiến Thọ chủ tế, các chương trình biểu diễn liên tục trong Festival mang đậm tính dân tộc cổ truyền, hàng trăm bức tranh sơn mài và sơn dầu được trưng bày cùng khu trò chơi dân gian thu hút nhiều người tham dự. Buổi toạ đàm về đạo Mẫu phong phú về nội dung, chi tiết về áo mũ, tranh trưng bày…
Con đường đèn lồng, góc thư pháp ấn tượng thể hiện rõ những nỗ lực của một đơn vị mới tổ chức lần đầu. Xét một cách tổng thể là một tuần lễ văn hoá nghệ thuật đẳng cấp về quy mô, chất lượng về chuyên môn và đặc biệt mang đậm bản sắc Văn hoá truyền thống theo đúng tên gọi của Festival.
Tại ngày bế mạc lễ hội, BTC đã tặng nhiều suất học bổng cho học sinh THCS Xã Đàn và tổ chức cho 100 học sinh đi thăm Hoàng Thành Thăng Long. Ngoài ra, tất cả các du khách đều được tặng nón lá làm quà lưu niệm.
Theo đánh giá chung, những nội dung biểu diễn nghệ thuật của Festival văn hoá Việt 2019 thực sự là một bức tranh đẹp và phong phú với đêm khai mạc hội tụ rất nhiều những Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận và các di sản được Nhà nước công nhận.
Với mong muốn gìn giữ, phát huy văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng chủ trương mà Đảng và nhà nước đề ra. “Festival Văn hóa truyền thống Việt và giao lưu quốc tế 2019” có thể nói là một điểm nhấn trong các hoạt động văn hóa của Thủ đô.
Lý Mục – Ảnh: Phạm Quang Delisstudio