“Tây du ký 3: Nữ nhi quốc” được bình chọn là bộ phim được mong chờ nhất tại Trung Quốc vào dịp Tết 2018 nhờ 4 lý do cực kỳ hấp dẫn sau đây.
4 thầy trò Đường Tăng “tài sắc vẹn toàn”
4 thầy trò Đường Tăng trên đường đi thỉnh Tây Kinh ở Đại Lôi Âm tự, trải qua 81 kiếp nạn quá quen thuộc với khán giả Việt Nam. Đặc biệt là phiên bản năm 1986 với những diễn viên trở thành huyền thoại sau khi hoá thân thành Đường Tam Tạng, Trư Bát Giới và đặc biệt là Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng.
Thế nhưng ở phiên bản Tây du ký của đạo diễn Trịnh Bảo Thụy, 4 thầy trò Đường Tăng sẽ khiến khán giả không chỉ thích thú mà còn say đắm vì nhan sắc quá “nghiêng nước khuynh thành”. Có thể nói đây cũng chính là phiên bản Tây du ký lung linh nhất vì từ Đường Tam Tạng đến Sa Tăng ai cũng là “soái ca”.
Thiên vương Quách Phú Thành vốn quen với hình tượng thanh lịch, chững chạc, từng trải và khí chất chính nghĩa luôn toát ra trong cốt cách. Vì thế mà khi anh nhận lời xuất hiện trong Tây du ký của đạo diễn Trịnh Bảo Thụy năm 2016 lại còn là vai Tôn Ngộ Không khiến ai nấy đều bất ngờ.
Cái bóng của Lục Tiểu Linh Đồng quá lớn, cũng vì thế mà hầu hết những người vào vai Tôn Ngộ Không sau đó đều bị so sánh và chê bai, kể cả Trương Vệ Kiện. Ấy nhưng Quách Phú Thành lại không cảm thấy đó là trở ngại quá lớn. Ngược lại còn là mục tiêu mà anh phải chinh phục.
Không cố gắng đi ngược lại thần thái của Lục Tiểu Linh Đồng, bởi cái quan trọng nhất của Tôn Ngộ Không vẫn là cốt cách của loài khỉ. Thế nên cách đi đứng, ăn nói hay thái độ vẫn phải có một sự ngông cuồng và không muốn bị gò bó.
Tuy nhiên, thứ mà Quách Phú Thành “nêm nếm” cho nhân vật này chính là ánh mắt chất chứa nhiều suy tư nhờ vốn liếng điện ảnh của bản thân, khiến chiều sâu của Tôn Ngộ Không trở thành một điểm thú vị.
Đặc biệt, tạo hình cứng cáp, khoẻ khoắn và rất hấp dẫn với sáu múi của Tôn Ngộ Không cũng là điểm cộng. Trong thời buổi ai cũng thích trai sáu múi thì loài khỉ cũng có quyền… có múi.
Phùng Thiệu Phong từng khiến nhiều khán giả bất ngờ vì vào vai Đường Tam Tạng quá sức đáng yêu và duyên dáng năm 2016 với phần Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh. Cái phong thái tinh tỉnh, tưng tửng nhưng lúc nào cũng thể hiện mình nghiêm túc khiến cho Đường Tăng phiên bản Phùng Thiệu Phong trở nên gần gũi và “đời” hơn.
Tất nhiên không thể không nhắc đến vẻ “soái ca” khó cưỡng của Phùng Thiệu Phong, anh khiến cho Tam Tạng trở thành một trong những nhà sư đẹp trai nhất mọi thời đại với nét mặt vừa thanh tú vừa phong sương. Cũng vì nhan sắc đó mà Đường Tăng liên tục rơi vào lưới tình của yêu quái. Sau Bạch Cốt Tinh của Củng Lợi thì đến Nữ Vương của Triệu Lệ Dĩnh.
Ngoài ra thì Trư Bát Giới của Tiểu Thẩm Dương và Sa Tăng của La Trọng Khiêm cũng khiến khán giả… ngã ngửa vì quá đẹp trai. Ai cũng biết Thiên Bồng Nguyên Soái và Quyển Liêm Đại Tướng Quân là hai thông soái tài giỏi, tuấn tú trên thiên đình. Thế nhưng vì trót phạm thiên quy nên bị đày xuống trần gian, một kẻ nửa người nửa heo, một kẻ thành quỷ sa tăng ở sông Lưu Sa.
Trong hầu hết các phiên bản Tây du ký, Trư Bát Giới và Sa Tăng luôn mang hình thù quái dị khiến cho người đời ghê sợ. Ở phiên bản của Trịnh Bảo Thụy thì khác. Vẫn là heo, vẫn là quỷ sa tăng nhưng hai phiên bản do Tiểu Thẩm Dương và La Trọng Khiêm đảm nhận vẫn toát lên vẻ “soái ca” ngời ngời. Không chỉ vậy, cả hai còn có những nét chấm phá rất thú vị trong tính cách mà chỉ khi xem trực tiếp bạn mới thấy hết cái hay.
Mối tình lãng mạn nhưng ngang trái của Phùng Thiệu Phong – Triệu Lệ Dĩnh
So với hai phần trước, Tây du ký 3: Nữ nhi quốc vẫn là một bộ phim phiêu lưu mang màu sắc thần thoại, pha hành động và hài hước. Thế nhưng ở phần 3 – Nữ nhi quốc, lần đầu tiên siêu phẩm này được nhuộm màu sắc tình cảm.
Ai cũng biết Đường Tăng là một thánh tăng, nói “không” với chữ tình. Tất thảy những cám dỗ trên đường đi thỉnh kinh đều không thể lay động sự cứng rắn của người.
Ấy nhưng trong khá nhiều phiên bản Tây du ký, Đường Tăng hay trở thành nhân vật trung tâm của chữ “tình”. Bởi đơn giản một lẽ, những người xuất gia và cảm giác đê mê của ái tình là hai thứ đối lập dễ thấy nhất trong muôn vàn điều hỗn mang của Tây du ký.
Vì lẽ đó mà Tây du ký 3: Nữ nhi quốc sẽ đưa các bạn đến với lưới tình man trá nhưng cũng đầy sự lãng mạn giữa Đường Tăng và Nữ Vương ở Nữ nhi quốc do Triệu Lệ Dĩnh thủ vai.
Câu thơ “Thế gian an đắc song toàn pháp, bất phụ Như Lai bất phụ khanh” của Thương Thương Gia Ố chính là nguồn cảm hứng để cuộc tình kia bắt đầu. Là một nữ vương ngây thơ chưa bao giờ biết yêu, thế nên chữ tình đối với người như thể thứ trái cấm mà một khi ăn vào sẽ gây nên đại hoạ.
Cũng chính vì tình cảm và sự si mê Nữ vương dành cho Đường Tăng mà Tây Lương Nữ Quốc gặp phải đại hoạ từ thần sông. Đồng thời, Đường Tăng cũng sa vào lưới tình với vị nữ vương thanh tao thoát tục nhưng cũng cực kì đáng yêu.
Liệu rằng cuộc tình này biết là không thành, nhưng có mang lại cảm giác hối tiếc và đau đáu đến tận cùng? Làm sao để có thể không phụ Như Lai, không phụ nàng? Được ra mắt vào đúng dịp Tết cùng ngày lễ Valentine, mối tình ngang trái giữa Đường Tăng và Nữ vương sẽ là một điểm thu hút rất đặc biệt của bộ phim.
Tây du ký – Di sản văn hoá của nhân loại chưa bao giờ thôi hấp dẫn
Tây du ký cuả Ngô Thừa Ân là một kiệt tác, một di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại bởi sự đồ sộ cũng như sự uyên thâm trong học thuật. Dù được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình không biết bao nhiêu lần, ở khắp các nước trên thế giới nhưng mỗi phiên bản đều có những điểm hấp dẫn rất riêng biệt.
Nếu phiên bản năm 1986 thiên về kĩ thuật diễn xuất của hí kịch, khiến cho các nhân vật như từ trong sách bước ra, trở thành những tượng đài trong lòng khán giả thì phiên bản 2018 sẽ chú trọng vào sự đa chiều trong câu chuyện cũng như những hình ảnh mãn nhãn nhờ hiệu ứng đồ hoạ mà ngày xưa còn hạn chế.
4 thầy trò Đường Tăng với tính cách đa dạng, tượng trưng cho 4 tích cách đặc thù của con người cùng sự vận hành của xã hội chính là thứ tinh thần và giá trị không bao giờ cũ của tác phẩm. Ở thời đại nào đi nữa, cuộc sống vẫn sẽ chuyển động theo những cách đó, mỗi người muốn trưởng thành đều phải trải qua những sự chống trả, kể cả là vấp ngã để đứng lên. Chính vì thế mà Tây du ký sẽ không bao giờ cũ trong mắt người xem.
Bạn có thể nằm lòng cốt truyện, biết thừa kết thúc nhưng sự hấp dẫn trong một tác phẩm kinh điển mỗi năm đều được làm mới trở thành một thói quen. Đó cũng trở thành “mặt trận” để các đạo diễn phải tìm cách vượt qua lẫn nhau nếu muốn Tây du ký của mình đặc biệt hơn.
Vì vậy, phiên bản của Trịnh Bảo Thụy chắc chắn sẽ không chỉ khiến khán giả mãn nhãn mà còn hấp dẫn vì sự biến tấu trong cốt truyện gốc. Các gia đình, phụ huynh cũng sẽ xem đây là một sản phẩm giải trí lành mạnh, bổ ích giữa muôn vàn tác phẩm. Con nít cũng rất thích Tôn Ngộ Không, đó chính là khán giả chủ lực của bộ phim này.
Kinh phí đầu tư 500 triệu nhân dân tệ, đảm bảo hình ảnh cực kì mãn nhãn
Năm 2014, Tây du ký 3: Đại náo thiên cung thu được 1.2 tỉ đô la Hong Kong. Vào năm 2016, phần hai với sự đổi mới liều lĩnh và sáng tạo từ câu chuyện ban đầu cùng bước tiến trong kĩ xảo, hiệu ứng hình ảnh cũng thu được gần 1,5 tỉ đô la Hong Kong trên toàn thế giới.
Chính vì thế, phần thứ 3 được đầu tư lên đến 500 triệu nhân dân tệ (tương đương 1.800 tỷ đồng) cùng dàn nhân viên, đội ngũ sản xuất đông đảo. Địa điểm quay phim trải khắp Đài Loan và bốn tỉnh ở Đại Lục nhằm mục đích có được những thước phim đẹp nhất.
Tính sơ bộ, diện tích sản xuất lên đến hơn 900,000 mét vuông cùng 11 studio nội địa. Trang phục và xưởng đồ dùng sân khấu thì khoảng 100,000 mét vuông, cùng hơn một nghìn đội ngũ nhân viên.
Ekip tốn rất nhiều thời gian để xây dựng các ngoại cảnh được thiết kế tinh tế nhất với kinh phí rất cao. Đạo diễn Trịnh Bảo Thụy chọn câu chuyện của Nữ nhi quốc làm phần thứ ba cho bộ phim với tiêu chí phải đảm bảo những cảnh hành động đặc sắc như hai phần đầu, bầu không khí giả tưởng hấp dẫn và hiệu ứng thị giác tuyệt đẹp, lồng trong một câu chuyện tình cảm động.
Anh mong muốn mang đến cho khán giả một cảm nhận tự nhiên và thoải mái với Nữ Nhi quốc, nơi mà tất cả các loại cảm xúc được thể hiện một cách tự nhiên.
Nước là một trong những phần quan trọng nhất của việc tạo hiệu ứng hình ảnh trong phần này. Từ thác nước động đất như lưỡi gươm dữ dội đến tạo hình bằng nước của Thần sông đòi hỏi sự đa dạng của chiều sâu trong kĩ xảo cùng với sự tự nhiên của các yếu tố thật.
Vì vậy, đội kĩ xảo điện ảnh phải rất cẩn thận và giải quyết những khó khăn cả ngày lẫn đêm để tìm ra giải pháp hòng tạo sự đột phá! Đạo diễn cũng bác bỏ cách tiếp cận tiết kiệm chi phí của việc quay phim 2D rồi chuyên sang 3D khi làm hậu kì. Thay vào đó, anh muốn đầu tư tạo ra những bộ phim 3D thật nhất, được trang thiết bị quay phim 3D tiên tiến nhất mà chưa có đoàn làm phim Trung Quốc nào sử dụng trước đó. Mức độ thể hiện cái thật của các chi tiết, chiều sâu và hình ảnh ba chiều phong phú là một cảm giác mà không bao giờ có thể mô phỏng hay tái tạo được bằng bất kỳ kỹ thuật chuyển từ 2D sang 3D.
Phim được phát hành ở Việt Nam vào ngày mùng 1 Tết, nhằm ngày 16/2.
Theo Hoàng Gia/Xe và Thể Thao