Nhiều người băn khoăn không biết nên đặt bình hoa ở bên trái hay bên phải bàn thờ.
Việc đặt lọ hoa trên bàn thờ ở bên trái hay bên phải có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn. Thờ cúng ông bà tổ tiên là một tín ngưỡng vô cùng quan trọng đối với người Việt.
Mỗi gia đình đều dành sự tôn kính và cẩn trọng trong việc sắp xếp bàn thờ, chuẩn bị lễ vật và thực hiện các nghi lễ. Chính vì vậy, nhiều câu hỏi được đặt ra về cách bố trí không gian thờ cúng, chẳng hạn như vị trí đặt lọ hoa trên bàn thờ, hoặc bàn thờ cần phải có những vật dụng gì cho phù hợp.
Lọ hoa trên bàn thờ nên đặt bên trái hay bên phải?
Theo quan niệm truyền thống, vị trí của bình hoa trên bàn thờ sẽ phụ thuộc vào số lượng bình hoa mà gia chủ sử dụng.
Khi chỉ có một bình hoa
Nếu chỉ có một bình hoa, nên tuân thủ nguyên tắc “đông bình, tây quả”, tức là bình hoa sẽ được đặt ở phía đông, còn mâm ngũ quả sẽ đặt ở phía tây. Đây là nguyên tắc bài trí bàn thờ từ lâu đời, dựa trên quy luật tự nhiên: mặt trời mọc từ phía đông và lặn ở phía tây, cây cối phải đơm hoa rồi mới kết trái. Do đó, lọ hoa sẽ được đặt ở phía đông, còn mâm ngũ quả đặt ở phía tây.
Cách xác định hướng trên bàn thờ như sau: từ trong bàn thờ nhìn ra, bên trái của ông bà (bên tả) được coi là phía đông, còn bên phải (bên hữu) sẽ là phía tây.
Thông thường, bàn thờ gia tiên được đặt ở giữa căn nhà, theo hướng nam. Bình hoa sẽ được đặt ở bên trái bàn thờ (phía đông). Khi có gió đông, đông nam thổi vào, hương thơm của hoa sẽ lan tỏa khắp không gian thờ cúng. Mâm ngũ quả sẽ được đặt ở bên phải (phía tây), thuận tiện cho việc bày biện.
Khi có hai bình hoa
Nếu bàn thờ gia tiên rộng rãi, gia chủ có thể cân nhắc đặt hai bình hoa đối xứng hai bên. Khi đó, mâm ngũ quả sẽ được đặt ở giữa bàn thờ, phía trước bát hương. Cách sắp đặt này giúp tạo ra sự cân đối và sang trọng cho bàn thờ. Tuy nhiên, tùy vào diện tích và không gian của bàn thờ, gia chủ có thể lựa chọn bình hoa lớn hay nhỏ, và số lượng hoa ít hay nhiều.
Ý nghĩa của các loại hoa cúng trên bàn thờ
Hoa hồng đỏ
Hoa hồng đỏ không chỉ biểu tượng cho tình yêu và hạnh phúc mà còn mang ý nghĩa cát tường, may mắn. Với mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu, hoa hồng đỏ là lựa chọn phổ biến để dâng cúng trên bàn thờ, thể hiện lòng thành kính và mong muốn những điều tốt lành.
Hoa mai
Loại hoa này thường nở vào mùa xuân và được ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán ở miền Nam. Nhánh mai vàng trên bàn thờ không chỉ là cách bày tỏ sự tri ân với ông bà, cha mẹ mà còn mang không khí tươi mới của mùa xuân. Hoa mai vàng còn là biểu tượng của phú quý, thịnh vượng và may mắn.
Hoa cúc vàng
Hoa cúc vàng là một trong những loài hoa thờ cúng phổ biến nhất. Ngoài vẻ đẹp nổi bật và khả năng tươi lâu, hoa cúc còn tượng trưng cho lòng hiếu thảo, sự tôn kính với tổ tiên và mang ý nghĩa trường tồn, vĩnh cửu.
Hoa sen
Với vẻ đẹp thanh tao và mùi hương trong lành, hoa sen trở thành biểu tượng của Phật giáo và được sử dụng rộng rãi trong các lễ thờ cúng. Hoa sen mang ý nghĩa về sự thuần khiết, trong sáng, đồng thời tượng trưng cho sức mạnh nội tâm, ý chí kiên cường và niềm tin vững chắc.