Muốn biết người đó có tốt, có đáng để tin tưởng hay không, bạn hãy xem họ có phải là người biết đền ơn đáp nghĩa hay không.
Thái độ của con người khi đối mặt với lợi ích
Có câu nói rằng: “Bộ mặt thật của một người chỉ bộc lộ khi họ tranh chấp vì lợi ích.” Thật vậy, vì lợi ích, nhiều người sẵn sàng đối đầu nhau, thậm chí hủy hoại lương tâm.
Vì ham muốn lợi ích, họ có thể không còn màng đến danh dự hay đạo đức. Thậm chí, những mặt tối nhất trong bản chất con người cũng có thể được phơi bày khi họ theo đuổi lợi nhuận.
Có hai ông chủ, mỗi người có một cách tiếp cận khác nhau. Một người chỉ tập trung vào số lượng sản phẩm, bất chấp chất lượng, với hy vọng chiếm lĩnh thị trường bằng những sản phẩm kém. Người còn lại thì cẩn trọng, đặt chất lượng lên hàng đầu, coi đó là yếu tố quyết định thành công.
Kết quả là, sản phẩm của ông chủ đầu tiên sớm bị tai tiếng, gây hại cho người tiêu dùng và bị chỉ trích, dẫn đến việc nhà máy phá sản. Trong khi đó, ông chủ thứ hai vẫn vững vàng phát triển cùng doanh nghiệp của mình.
Ở một góc độ khác, cách nhìn nhận về lợi ích còn thể hiện tầm nhìn của một người. Nếu ai đó đánh mất lương tâm chỉ vì lợi ích ngắn hạn, họ chỉ là kẻ thiếu suy nghĩ, không có tầm nhìn xa. Ngược lại, kiên trì theo đuổi lợi ích lâu dài là dấu hiệu của sự sáng suốt và nhân văn.
Người đó có biết ơn những ai đã giúp đỡ mình?
Có hai từ mà ai cũng biết nhưng không phải ai cũng thực sự thực hiện được, đó là “cảm ơn.” Khi họ gặp khó khăn, bạn sẵn sàng giúp đỡ, nhưng khi bạn cần sự giúp đỡ, không phải lúc nào họ cũng đáp lại.
Trong xã hội hiện đại, với nhịp sống hối hả, lòng người cũng dần trở nên lạnh nhạt. Không phải ai cũng biết trân trọng và đền đáp những ai đã giúp đỡ mình. Đôi khi, bạn giúp đỡ người khác với tất cả lòng tốt, nhưng họ lại tỏ ra vô ơn, thậm chí còn quên đi sự giúp đỡ của bạn. Đây là điều không hiếm gặp trong cuộc sống ngày nay.
Nếu muốn biết ai đó có đáng tin cậy hay không, hãy xem họ có biết đền ơn đáp nghĩa hay không. Khi chọn một người đồng hành, hãy chọn người thực sự biết ơn bạn. Chỉ khi đó, sự hy sinh và cống hiến của bạn mới thực sự có ý nghĩa.
Ông cha ta đã truyền lại những kinh nghiệm nhìn người sâu sắc như sau:
Muốn biết tốt xấu, hãy xem cách họ đối xử khi gặp khó khăn. Nếu một người nhận được sự giúp đỡ vô điều kiện từ bạn bè, hàng xóm khi gặp khó khăn, thì đó chắc chắn là người sống tình nghĩa, đáng để kết giao.
Muốn biết tiền đồ, hãy xem họ có tham lam lợi nhỏ. Những người có triển vọng lớn thường không bị cuốn vào những lợi ích nhỏ nhặt trước mắt. Họ có tầm nhìn xa và tập trung vào mục tiêu lớn hơn, đồng thời, tính cách của họ cũng rộng rãi và kiên định.
Muốn biết một người có đáng tin hay không, hãy nhìn vào lời hứa. Người đáng tin cậy sẽ luôn thực hiện những lời hứa của mình. Họ không hứa suông chỉ để làm hài lòng người khác.
Muốn biết chân tâm, hãy nhìn vào ánh mắt. Ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, không biết nói dối. Người ngay thẳng sẽ có ánh mắt kiên định, trong khi kẻ gian manh thường có ánh mắt láo liên, không che giấu được tính toán của mình.
Muốn biết gia cảnh, hãy để ý bạn bè xung quanh họ. Bạn bè là tấm gương phản chiếu nhân cách và lối sống của một người. Người có lối sống lành mạnh sẽ kết giao với những người tương đồng, trong khi kẻ sống phóng túng thường kết bạn với những người có lối sống phức tạp.
Muốn biết tính cách, hãy để ý khi họ thức dậy. Người thức dậy với tâm trạng vui vẻ thường có tính tình dễ mến, trong khi người bắt đầu ngày mới với bộ mặt cau có thường khó tính và hay lo lắng.
Muốn biết người có quan tâm thật sự hay không, hãy chờ lúc bạn khó khăn.Khó khăn trong cuộc sống là lúc bạn dễ dàng nhận ra ai thực sự quan tâm đến bạn. Người sẵn sàng đồng hành cùng bạn qua gian khó là người chân thành, đáng tin cậy.
Muốn biết gia phong, hãy nhìn cách họ cư xử với người già và trẻ em. Cách đối xử với người già và trẻ em phản ánh sự dạy dỗ và nhân cách của một người. Nếu họ kiên nhẫn và hòa nhã, đó là người có lý trí, biết suy nghĩ và được giáo dục tốt.