Niềm tin tâm linh đôi khi rất khó giải thích bằng lý lẽ mà khi phải sống đủ lâu đủ trải nghiệm người ta mới dần dần thấm được.
Cuộc sống của mỗi người là một hành trình trải nghiệm. Năm tháng sống khiến người ta hiểu về nhân sinh hơn, năm tháng sống cho người ta trầm tĩnh hơn, rút bỏ nhiều phù phiếm, gọt giũa bản thân để còn lại cốt lõi. Bạn có để ý không đa phần số đông khi càng lớn tuổi thì tin vào tâm linh hơn, cha mẹ chúng ta càng già càng nói chuyện nhân quả hơn, càng chăm chút hơn lau dọn ban thờ gia tiên, thắp hương thỉnh cầu, ăn nói bớt lộng ngôn hơn…
Càng lớn người ta càng tin vào tâm linh hơn. Một số người thì có thể bị thành mê tín. Nhưng số đông thì niềm tin tâm linh sẽ cao hơn so với ngày còn trẻ.
Bởi khi trải đời, người ta nhận ra có những thứ chỉ biết ứa nước mắt bất lực
Khi còn trẻ chúng ta có sức khỏe, có đủ niềm tin vào cái tôi của mình, còn chưa bị đời “tát” cho nhiều nên niềm tin phơi phới, chẳng sợ gì và cũng chẳng sợ trời sợ đất. Nhưng rồi cuộc đời sẽ dạy dần cho chúng ta hiểu ra không phải cứ tài giỏi, có tiền là giải quyết được hết. Lúc đó chúng ta nhận ra có những thứ giải quyết được bằng tiền, tưởng đắt hóa ra rẻ, cái không giải quyết được bằng tiền mới kinh khủng. Đường đời sẽ cho ta thấy có những lúc có tiền trong tay nhưng bất lực chỉ biết nằm khóc, chỉ biết chắp tay cầu xin ông trời, xin vào vận may, xin mệnh trời thay đổi. Lúc đó ta nhận ra ta nhỏ bé vô chừng và nhận ra cái tôi của mình cần hạ xuống rất nhiều. Đó là khi cha mẹ già bệnh tật không còn cách cứu vãn dù bao nhiều tiền, đó là khi vợ chồng, con cái của chúng ta gặp hoạn nạn có tiền cũng không giải quyết được… Lúc đó chúng ta chỉ còn biết cầu xin ở một thế lực nào đó mơ hồ mà trước đây ta nhạo báng. Và lúc đó niềm tin tâm linh trỗi dậy. Vượt qua được biến cố lúc đó bằng vận may người ta tin hơn, biết ơn hơn trân trọng hơn đấng tối cao đã giúp đỡ. Nhưng nghiệt ngã đến cùng kiệt thì người ta lại dễ phỉ nhổ hơn, cay đắng hơn, thất vọng hơn.
Khi đủ lớn người ta nhận ra có những thứ khó giải thích được
Cuộc sống khi càng nhiều tuổi người ta càng trải nghiệm nhiều, thấy nhiều sự việc hơn. Lúc đó họ đủ nhận ra rằng có nhiều thứ trên đời thật lạ, giống như thiên mệnh. Thế nên lúc đó người ta không còn vỗ ngực như ngày trẻ cho rằng cứ đủ trí thông minh, đủ lý trí thì mọi việc đều trong tầm tay. Lúc đó người ta nhận ra rằng có những thứ đã rất cố gắng nhưng vẫn phải theo tự nhiên, theo mệnh trời, không thể cưỡng cầu một cách sòng phẳng lý trí nữa. Điều đó cũng khiến con người ta bắt đầu nhận ra ở đời chỉ cần cố gắng nhưng không có nghĩa là mọi thứ đều nằm hết trong dự tính. Người giỏi như Gia Cát Lượng còn phải tuân theo mệnh trời.
Khi càng lớn người ta càng có nhiều hoạt động gắn với tâm linh hơn
Khi còn trẻ, người ta nhảy múa nghịch ngợm trước ban thờ nhưng khi càng lớn tuổi càng phải có trách nhiệm hơn với việc chăm chút những điều tâm linh. Khi trẻ, chẳng ai thích đi chùa nhưng khi lớn năng lượng điềm tĩnh hơn thì cũng bị thu hút bởi năng lượng tương ứng, đó là chùa, nơi tôn giáo. Ngày trẻ về nhà không thắp hương vì có cha mẹ làm việc đó, nhưng càng lớn càng phải tự tay thắp hương, tự tay chăm chút mâm lễ, tự tay lau dọn ban thờ, rồi đi dâng cúng họ hàng theo lễ nghi, phong tục… Lúc đó người ta tiếp xúc nhiều hơn với những câu chuyện tâm linh, việc tâm linh. Do đó càng lớn người ta càng hướng tới điều này hơn.
Hơn nữa khi càng lớn tuổi, người ta càng gần hơn với việc trở về với đất mẹ, ông bà tổ tiên nên người ta nghĩ tới nhiều hơn chuyện ở kiếp sau, chuyện thờ cúng tang lễ mà chuyện đó chỉ có thể tin bằng tâm linh.
Chính vì thế con người chúng ta, cha mẹ chúng ta càng lớn sẽ càng có niềm tin tâm linh hơn. Nên hãy thấu hiểu cho cha mẹ mình về điều đó, hãy thấu hiểu cho những người bị đời quăng quật nhiều, dựa vào tâm linh để vực dậy mình. Niềm tin tâm linh là một điều tốt đẹp để con người sống trầm hơn, ổn định hơn, sống chậm hơn, biết giới hạn hơn. Tuy nhiên khi tâm linh trở thành mê tín dị đoan thì điều đó lại rất nguy hiểm.