Kinh doanh quốc tế là ngành học được nhiều bạn trẻ quan tâm. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành học này có việc làm gần như tuyệt đối với mức lương đáng ngưỡng mộ.
Ngành Kinh doanh quốc tế học gì?
Ngành học này bao gồm toàn bộ các hoạt động trao đổi, giao dịch thương mại như chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, tài nguyên, con người, ý tưởng và công nghệ giữa các quốc gia. Ngành kinh doanh quốc tế mang tính chất toàn cầu và hội nhập rất cao đúng như tên gọi của nó.
Những môn học liên quan đến ngành này có thể kể đến như: Quản lý chuỗi cung ứng, Pháp luật trong kinh doanh quốc tế, Truyền thông trong kinh doanh quốc tế, Nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, Logistics và vận tải quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Giao dịch thương mại quốc tế, Quản lý rủi ro trong kinh doanh quốc tế,…
Sự khác nhau giữa kinh doanh quốc tế và kinh tế quốc tế
Nhiều người có thể vẫn còn nhầm lẫn giữa ngành Kinh doanh quốc tế và Kinh tế quốc tế. Nhưng hai ngành này có sự khác nhau rõ rệt.
Ngành kinh doanh quốc tế thuộc khối ngành quản trị, đi sâu vào hoạch định, triển khai các hoạt động kinh doanh và đầu tư quốc tế của doanh nghiệp. Ngành học này chuyên về quản lý các chuỗi cung ứng, làm việc trong ngành Logistics, xuất nhập khẩu như các nghiệp vụ vận tải (đường sắt, đường biển, đường hàng không), bảo hiểm hàng hóa,… Ngoài ra còn quản lý tại các doanh nghiệp hoặc những lĩnh vực trong doanh nghiệp như marketing, quản trị nguồn nhân lực, quản trị bán hàng, thực hiện các nghiệp vụ tài chính trong công ty, doanh nghiệp,…
Kinh tế quốc tế thì thường có tính chất vĩ mô hơn, tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là thương mại và tài chính quốc tế. Ngành học này chuyên về lý luận quan hệ kinh tế quốc tế, phân tích và hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại, đặc điểm phát triển kinh tế thế giới và những vấn đề về hội nhập kinh tế.
Mức lương và cơ hội nghề nghiệp
Nhu cầu nhân sự ngành kinh doanh quốc tế hiện nay khá lớn, sinh viên ra trường vì vậy có nhiều lựa chọn nghề nghiệp như: Chuyên viên xuất nhập khẩu, Chuyên viên quản trị kinh doanh quốc tế, Tổ chức sự kiện và Quan hệ công chúng, Quản lý truyền thông, Quản lý nguồn nhân lực đa văn hóa, Quản lý tài chính – nhân sự, Phân tích kinh doanh, Chuyên viên nghiên cứu, hoạch định chính sách kinh doanh,…
Sinh viên có thể làm việc tại các trường Cao đẳng, Đại học về ngành Kinh doanh quốc tế trong vai trò giảng dạy; Công ty xuất nhập khẩu logistics; Các tập đoàn đa quốc gia; Các công ty cổ phần thương mại; Ngân hàng ngoại thương; Các công ty kinh doanh, thương mại trong nước và quốc tế,…
Mức lương dành cho sinh viên mới ra trường trong khoảng 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Người có từ 1 – 2 năm kinh nghiệm mức lương có thể tăng lên đến trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Người có kinh nghiệm cao hơn thì có thể nhận được mức lương từ 20 – 40 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, các ứng viên tiềm năng của ngành Kinh doanh quốc tế còn có thể hưởng thêm các khoản hoa hồng theo doanh số hoặc tiền thưởng doanh thu ngoài khoản tiền lương cơ bản nếu như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Càng thăng tiến cao trong công việc thì mức thu nhập sẽ càng được cải thiện.