Khi bị CSGT thổi phạt, nhiều “ma men” ra sức trần tình, năn nỉ xin được bỏ qua vì biết sẽ bị phạt nặng.
Nhiều người biết rõ Nghị định 46 của Chính phủ áp dụng từ ngày 1/8, xử phạt nặng các trường hợp nồng độ cồn vượt mức cho phép khi lái xe, nhưng vẫn ra sức trần tình, giải thích là mới đi đám cưới, đám giỗ… về. Có trường hợp năn nỉ CSGT bỏ qua không được, thì bày tỏ thái độ không phục vì “tôi vẫn làm chủ mình, tôi đâu có gây tai nạn mà bị xử phạt”.
Trong 2 đêm 20 và 21/8, Đội CSGT Bến Thành thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67 Công an TP.HCM) kết hợp cùng lực lượng CSCĐ công an TP.HCM đã ra quân tập trung xử phạt những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Chốt chặn ngay dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ tại khu vực ngã tư Nguyễn Văn Cừ – Trần Hưng Đạo, tổ tuần tra đã kiểm tra, lập biên bản hàng chục trường hợp. Một cán bộ Đội CSGT Bến Thành cho biết, phía bên kia cầu Nguyễn Văn Cừ là hướng từ quận 7, quận 8 nơi tập trung nhiều nhà hàng, phố ăn nhậu. Vì thế, từ 22 giờ – 23 giờ đêm là cao điểm dân nhậu tan cuộc, nhiều người lưu thông qua cầu Nguyễn Văn Cừ, hướng về quận 1.
Tổ CSGT đã ra hiệu lệnh để dừng xe chủ yếu với nhiều thanh niên, nam giới có biểu hiện sử dụng rượu bia trước khi lái xe. Nhiều trường hợp sau khi dùng máy đo, cónồng độ cồn trong mức cho phép đã được CSGT giải thích và cho phép tiếp tục lưu thông. Một số trường hợp có nồng độ cồn cao vượt mức, đã bị lập biên bản tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe.
Anh Hồ Sỹ Tiến điều khiển xe wave 77X8-4203 bị CSGT thổi phạt và kết quả đonồng độ cồn lên đến 0,774mg/lít khí thở. Anh Tiến cho biết, anh là công nhân làm việc ở quận 8, cuối tuần nên có “lai rai” với bạn bè. Anh Tiến giải thích, trước đây làm tài xế xe tải biết rõ quy định lái xe khi đã uống rượu bia sẽ bị xử phạt nặng, nhưng vì bạn đang bị tai nạn ở bệnh viện nên anh vẫn chạy xe đi đưa đồ cho bạn. Do không đem theo giấy tờ xe, giấy tờ tùy thân, nên anh Tiến đã bị CSGT đưa xe về trụ sở để xử lý. Sau khi bị tạm giữ xe, anh Tiến lo lắng bỏ cả vật dụng cá nhân giữa đường để gọi điện thoại nhờ người quen tới giúp.
Một số trường hợp khác biết rõ quy định, nhưng lại tỏ ra “không phục” khi bị phạt nặng. Như trường hợp ông Phan Văn A, có nồng độ cồn lên đến 0,804mg/lít khí thở. Tuy nhiên, ông A nói ông chạy xe rất chậm, làm chủ được tốc độ: “Tôi không gây tai nạn, nếu tôi gây tai nạn thì mới xử lý, chứ biết bao nhiều người khác cũng uống rượu bia rồi lái xe mà sao chỉ phạt mình tôi”.
Có một số “ma men” khác cố tình kéo dài thời gian, năn nỉ hay mua nước uống những mong nồng độ cồn sẽ… giảm xuống. Tuy nhiên, cuối cùng các trường hợp này đều không “qua mặt” được máy đo nồng độ cồn, tất cả đều bị tạm giữ phương tiện 7 ngày, tạm giữ bằng lái xe để xử lý.
Trước đó, vào sáng 16/8, tại lễ ra quân thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Lễ Quốc khánh 2/9, Trung tá Huỳnh Trung Phong phó trưởng phòng PC67 thông tin lực lượng CSGT sẽ vừa tuần tra kiểm soát công khai, vừa hóa trang để xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Ngoài tập trung xử lý về thời điểm ban đêm ở những khu vực có đông nhà hàng, quán nhậu, PC67 còn bố trí thêm các tổ xử lý vềnồng độ cồn từ 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều.
Theo Nghị định 46 của Chính phủ áp dụng từ ngày 1/8, người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở thì bị phạt từ 16 – 18 triệu đồng, tước GPLX từ 4 – 6 tháng. Người điều khiển xe mô tô nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt 3 – 4 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 3 – 5 tháng.
Theo Sao Mai – ATGT.VN