Khởi tranh từ ngày 18/5 tại Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chương trình thi đấu môn Vovinam đã kết thúc tốt đẹp vào chiều tối ngày 22/5/2022.
Tham gia môn Vovinam tại SEA Games 31 có 7 đoàn với 141 quan chức và vận động viên, tranh chấp 15 bộ huy chương. Chủ nhà Việt Nam (6 HCV, 6 HCB, 2 HCĐ) xếp hạng nhất toàn đoàn. Các thứ hạng kế tiếp thuộc về Myanmar (3, 3, 6), Campuchia (3, 2, 9), Lào (2, 1, 3), Indonesia (1, 0, 5), Thái Lan (0, 2, 3) và Philippines (0, 1, 3). Đặc biệt, nhằm thể hiện lòng tri ân Sáng tổ môn phái Vovinam Nguyễn Lộc, Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) và Liên đoàn Vovinam Hà Nội đã mời đại diện gia tộc Nguyễn Đình của Sáng tổ Nguyễn Lộc ở làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (trước đây thuộc tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội) đến dự khán thi đấu và tiệc chia tay các đoàn. Và nhân dịp đến Hà Nội dự SEA Games 31, một số võ sư, huấn luyện viên đã đến nhà thờ họ Nguyễn Đình ở Hữu Bằng để thắp hương tưởng niệm Sáng tổ.
Nhận định về công tác tổ chức và chuyên môn Vovinam tại SEA Games 31-2023, theo ông Mohammed Djouadj (Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Algeria, Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới – WVVF), các trận đấu của Vovinam rất sôi động và hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ không chỉ cho vận động viên nước chủ nhà mà còn cổ vũ cho đội khách. Một lượng lớn các phóng viên đã đến đưa tin về giải đấu. Điều này chứng tỏ Vovinam – một môn võ mang dấu ấn văn hóa và tinh thần thượng võ của người Việt Nam, có một chỗ đứng trong lòng khán giả Việt Nam. Nhìn chung, trình độ chuyên môn kỹ thuật của vận động viên các nước Đông Nam Á tham dự SEA Games 31 cũng đã được cải thiện rõ rệt, không còn sự chênh lệch lớn. Ông Djouadj hy vọng Vovinam được sự đầu tư nhiều hơn từ Chính phủ và các doanh nghiệp để Vovinam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Trước đó, vào sáng 17/5, cuộc họp giữa Thường trực WVVF: Võ sư Trần Văn Mỹ (Hội đồng Võ sư Chưởng quản), TS Mai Hữu Tín (Chủ tịch WVVF), ông Florin Macovei (Romania, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký WVVF), ông Mohammed Djouadj (Algeria, Phó chủ tịch WVVF), ông Mohammad Nouhi (Iran, Phó chủ tịch WVVF), TS Vishnu Sahai (Ấn Độ, Phó chủ tịch WVVF), ông Nguyễn Bình Định, bà Thanh Nhã Berrier (Phó Tổng thư ký WVVF), ông Nguyễn Công Hóa (Phó chủ tịch VVF), ông Nguyễn Hồng Quì (Phó chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật VVF) và đại diện Vovinam các nước Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Belarus và Ý đã diễn ra tại Flamingo Resort (Hà Nội). Sau khi đại diện các nước báo cáo tình hình phát triển và thảo luận, hội nghị đã thống nhất: Giải vô địch Vovinam Thế giới lần thứ 6 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 8/2023. Dịp này, WVVF cũng sẽ tổ chức đại hội và điều chỉnh các tài liệu theo chuẩn Olympic.
Và vào sáng ngày 22/5, Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á đã bầu ông Mong Kim Heng, Thứ trưởng Bộ Lao động và dạy nghề Campuchia/Chủ tịch danh dự Liên đoàn Vovinam Campuchia làm tân Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á. Theo dự kiến, Campuchia sẽ tổ chức Giải Vovinam Tiền SEA Games 32 vào tháng 1/2023 để rà soát lực lượng và SEA Games 32 vào tháng 5/2023.
Bên cạnh những thành công đầy khích lệ và một số mặt còn hạn chế tại SEA Games 31, với mong muốn Vovinam trở thành một môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của SEA Games, TS Mai Hữu Tín chia sẻ: “Sau đại hội này, WVVF, Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á và VVF sẽ tiếp tục nỗ lực quảng bá sâu môn võ này trong khu vực. Cụ thể là, cần tập trung quảng bá và nâng chất phong trào một số nước chưa mạnh như Singapore, Malaysia, Brunei, Timor Leste trước khi diễn ra SEA Games lần thứ 34 vào năm 2027 ở Malaysia. Mặt khác, việc chuẩn hóa hệ thống kỹ thuật ở tất cả các nước có phong trào Vovinam và nâng tầm đội ngũ trọng tài quốc tế theo chuẩn Olympic cũng là hai nội dung quan trọng cần được quan tâm, nghiêm túc thực hiện”.
Bài: TH.T
Ảnh: Lê Giang&Bách Tấn