(Xevathethao.vn) – Trong đời sống văn hoá của một số nước Á đông, trong đó có Việt Nam, thì hổ là biểu tượng của quyền uy, vinh quang, sức mạnh, lòng nhiệt huyết, quả cảm và cả sự ranh ma nữa.
Hổ là loài động vật được mệnh danh là chúa tể sơn lâm, nhưng rất hiếm khi hổ có kẻ thù tự nhiên. Không biết do uy lực hay do không có đối thủ. Hổ không hay gây sự, chỉ chiến đấu mang tính tự vệ hoặc để bảo vệ thế độc tôn trong lãnh địa mà nó đang cát cứ “rừng nào cọp nấy”.
Trong đời sống văn hoá của một số nước Á đông, trong đó có Việt Nam, thì hổ là biểu tượng của quyền uy, vinh quang, sức mạnh, lòng nhiệt huyết, quả cảm và cả sự ranh ma nữa.
Trong những thế kỷ trước, khi những mảng rừng nguyên sinh còn dày đặc, cư dân thưa thớt, thì nhiều câu chuyện về hổ cũng là đề tài thường xuyên được râm ran trong dân gian.
Hổ sở hữu khả năng chiến đấu rất cao và một kỹ thuật chiến đấu tuyệt vời, cùng với sức mạnh và sự lanh lẹ khó có đối thủ. Đặc biệt các cú vồ, chụp, vả, tát như trời giáng khi tiếp cận con mồi, có khi to gấp đôi nó. Với hình tượng vừa có sức mạnh vừa có kỹ thuật độc đáo của vị chúa tể rừng xanh này, đã lọt vào tầm mắt quan sát của con người trong lĩnh vực võ thuật.
Con người đã nghiên cứu và mô phỏng các tư thế phục rình, bắt mồi và chiến đấu khi nó phải đối đầu với đối thủ nào đó, để tạo ra những miếng đánh cho con người, mà dân gian và giới võ lâm gọi là võ hổ.
Theo đó, nhiều truyền thuyết cũng được ra đời và thêu dệt nên những huyền thoại trong dân gian mang tính hư cấu hơn là sự thật.
Trong vô số huyền thoại, thì cũng đã có câu chuyện đi vào chính sử Việt Nam, đó là câu chuyện Lê Văn Khôi đả hổ, ở vào thời nhà Nguyễn, Năm Gia Long thứ 18 (1819). Tuy nhiên một yếu tố trong câu chuyện này cần lưu ý, là: “… có lần Lê Văn Khôi tay không đấu hổ cho sứ thần nước Xiêm xem”. Đấu cho sứ thần xem, chứ không phải đấu với hổ trong một tình huống tự nhiên. Trong các loài thú được thuần hóa, thì riêng hổ người ta không thể thuần hóa con hổ đã trưởng thành trong tự nhiên, mà chỉ thuần hoá hổ được nuôi từ bé.
Trong tiểu thuyết Thủy Hử nói về 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc thì có nhân vật Võ Tòng với câu chuyện đả hổ trên đồi Cảnh Dương. Theo tài liệu còn lưu lại tới ngày nay ở Hàn Châu-Trung Quốc. Võ Tòng là một nhân vật hoàn toàn có thực. Nhưng không có bất cứ tài liệu nào nói rằng Võ Tòng đã tay không đánh chết hổ trên đồi Cảnh Dương như người ta vẫn lưu truyền. Nhiều người cho rằng, do khi còn sống, Thái Cùng có biệt hiệu là Thái Hổ nên khi Võ Tòng giết chết Thái Cùng để trừ hại cho dân, người ta mới ca ngợi Võ Tòng đã “đánh chết hổ”. Nói cách khác, câu chuyện Võ Tòng tay không đánh chết hổ thực chất chỉ là câu chuyện được tác giả của Thủy Hử hư cấu từ việc Võ Tòng giết chết Thái Cùng mà thôi.
Ngoài những câu chuyện mang tính truyền thuyết, cũng như vài câu chuyện truyền khẩu trong dân gian mang tính huyền thoại của “làng võ Việt”, thì chưa có tư liệu nào minh chứng được rằng, đã một cuộc chiến đấu tay đôi giữa người và hổ trong tự nhiên, mà phần thắng thuộc về con người.
Đơn giản là trọng lượng, độ nhanh mạnh, sức bền và cả tính sắc máu, thì con người đều thua xa đối thủ được mệnh danh là mãnh thú của rừng xanh, là vị chúa tể của các loài dã thú. Có thể nói, hổ là một sát thủ hoàn hảo kết hợp giữa sức mạnh và tốc độ.
Tuy không mấy thích hợp với sự chuyển mình từ võ thuật quân sự nặng tính sát thương trong chiến đấu, sang nghệ thuật võ trong thể thao của thời đại hiện nay, nhưng võ hổ vẫn là một môn võ cần được bảo tồn và nghiên cứu nhiều hơn, nhất là về phương pháp luyện tập, để áp dụng vào thực tiễn trong nhiều trường hợp, nhằm phục vụ công việc ổn định trật tự xã hội và bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Hình tượng con hổ hay Chúa sơn lâm đã xuất hiện từ lâu đời và gắn bó với lịch sử của loài người. Hình ảnh con hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm, sự uyển chuyển cũng như tính hung hãn của dã thú săn mồi hàng đầu và cũng là một biểu tượng của đẳng cấp chiến binh
Châu Minh Hay