Ngay từ những ngày sơ khai, võ thuật đã có vai trò thiêng liêng đối với một dân tộc.
Nguồn gốc của võ thuật ban đầu là để cá nhân tự sinh tồn. Khi hình thức tổ chức xã hội phát triển từ các nhóm người tiền sử, cho tới thị tộc, bộ lạc, và rồi là quốc gia, thì phạm vi cần bảo vệ cũng lớn dần lên. Người xưa đã phải dùng võ thuật trước để cường thân, sau là hộ quốc, bảo thổ. Ngay từ những ngày sơ khai, võ thuật đã có vai trò thiêng liêng như thế đối với một dân tộc.
Đất nước ta có những đặc thù địa chính trị đặc trưng, nằm ở một khu vực trọng yếu. Vị trí thuận lợi cho giao thương khiến mảnh đất chữ S này luôn là địa bàn cạnh tranh, xác lập và mở rộng ảnh hưởng giữa các cường quốc. Bên cạnh sự quả cảm, lợi thế “cửa ngõ” đòi hỏi nhân dân ta phải vô cùng khôn ngoan và đoàn kết trong việc gìn giữ bảo vệ Tổ quốc trước các thế lực xâm lược hùng mạnh.
Chính tinh thần vệ quốc đầy trí tuệ ấy được phản ánh xuyên suốt ở trong nền Võ thuật cổ truyền của dân tộc. Triết lý cương nhu phối triển luôn được đề cao và thể hiện từ trong hệ thống kỹ chiến thuật cho tới từng đòn thế cơ bản. Ngay từ rất sớm, ông cha ta đã hiểu ra luật phản biến của kinh Dịch “cực dương sinh âm”.
Tinh thần ấy đã được gửi gắm vào trong những câu truyện truyền thuyết của dân gian, tiêu biểu là câu chuyện về một trong Tứ Bất Tử của dân tộc – truyện Thánh Gióng. Khi Phù Đồng Thiên Vương đối mặt với giặc Ân xâm lược, thanh gươm bị gẫy, ngài quơ tay hái lấy những bụi tre làm vũ khí, và nhờ đó đã quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi nước Nam. Như vậy gươm sắt tinh luyện Hùng Vương cho rèn vì cứng quá đã gẫy, còn bụi tre già mềm dẻo bền bỉ thì không. Chi tiết rất nhỏ nhưng đã khắc hoạ tài tình được sự khôn ngoan, uyển chuyển linh động và tính đoàn kết (bụi tre chứ không phải một cây tre) trong việc bảo vệ lãnh thổ của cha ông ta.
Chiến loạn chấm dứt, hoà bình trở lại, không lẽ võ thuật chỉ còn là những tàn dư hoài niệm về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt? Không, võ ta giống như tre ta. Tre phổ biến trên khắp các vùng miền cả nước. Từ Nam ra Bắc, núi đồi luôn bạt ngàn tre nứa giang vầu. Ở vùng đồng bằng thì luỹ tre bao bọc xóm làng, phủ xanh bờ đê, che sóng ngăn lũ. Tre là người bạn thân thương từ thuở khai hoang, dựng nước và giữ nước. Khi giặc tới tre làm vũ khí, khi giặc lui tre giúp nhân dân xây dựng nhà cửa xóm làng, tạo ra nông cụ sản xuất.
“Võ thuật là môn học rất đề cao truyền thống uống nước nhớ nguồn – Tôn sư trọng đạo”
Cũng như vậy ở thời bình, võ thuật không chỉ giúp chúng ta rèn luyện thân thể, mà còn nuôi dưỡng lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước, hình thành nên những tư tưởng nhân văn và phẩm chất cao quý. Võ dạy chúng ta thương yêu tôn kính đồng môn thầy bạn, bảo vệ kẻ yếu, ấy là Nhân. Võ dạy chúng ta có trách nhiệm với bản thân, công bằng và tôn trọng với đối thủ, ấy là Nghĩa. Võ dạy chúng ta có tôn ti trật tự, tuân thủ theo luật pháp, thầy tổ, ấy là Lễ. Võ dạy chúng ta dùng tư duy và đầu óc để chiến đấu chứ không chỉ dùng sức mạnh của kẻ vũ phu, ấy là Trí. Võ dạy chúng ta kiên tâm bền chí, thuỷ chung trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, ấy là Tín.
“Văn không võ, văn thành nhu nhược
Võ không văn, võ thuộc bạo tàn”
Có thể nói, tinh thần nhân văn – thượng võ ấy là tinh thần chủ đạo, xuyêt suốt nền võ thuật Việt Nam, một nền võ thuật tôn vinh văn hoá, giao thoa với văn hoá, trở thành một phần không thể tách rời của văn hoá Việt.
————————————————–
Tiến sĩ, Nhà báo Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới (WoMAU), nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới