2020-05-04 08:24:12
[]
[]
https://media.xevathethao.vn/images/rs:fill:1024:683:0/g:ce:0:0/c:0:0/aHR0cHM6Ly94ZXZhdGhldGhhby52bi9hcHAvdXBsb2Fkcy8yMDIwLzA1L3ZpLXRoZS1tb2ktdHV5ZW4tdmlldC1uYW0tdmEta2hvLWtoYW4tdHJ1b2MtYmllbi1sb24tMDg1NDExLmpwZw.webp
Array

Vị thế mới tuyển Việt Nam và khó khăn trước biển lớn

Có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao bóng đá Việt Nam liên tục phải cân nhắc giữa AFF Cup, SEA Games với các giải đấu châu lục? Vì sao mỗi lần muốn gọi Đặng Văn Lâm, Lương Xuân Trường về nước, ta lại vấp phải nhiều khó khăn đến vậy?

 - Bóng Đá

Bóng đá Việt Nam và Đông Nam Á vận hành có nhiều khác biệt so với hệ thống chung của FIFA. Ảnh: Minh Chiến. 

FIFA Calendar và tác động tới Việt Nam

FIFA Calendar là lịch thi đấu của đội tuyển quốc gia trong các giải đấu của FIFA và một số giải quan trọng khác như EURO, Asian Cup, CAN… Lịch thi đấu này được thống nhất và sắp xếp theo thỏa thuận giữa Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), liên đoàn các châu lục, Hiệp hội các CLB Châu Âu (ECA) và Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp (FIFPro).

Hệ thống này được xây dựng để dung hòa quyền lợi giữa hai lực lượng: CLB sở hữu và trả lương cầu thủ, các đội tuyển quốc gia mà cầu thủ có nghĩa vụ và vinh dự được phục vụ. Các trận đấu trong thời gian này được dán nhãn cấp độ A, cao nhất trong hệ thống phân hạng của FIFA.

Trong thời gian FIFA Calendar, các CLB buộc phải trả người về cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, thời gian trả người rất ngắn, thường là 4 ngày cho mỗi trận đấu và thêm 1 ngày nếu cầu thủ phải di chuyển qua các châu lục khác nhau.

Hệ thống này được xem là trục chính của bóng đá thế giới. Vài năm một lần, các bên liên quan sẽ cùng ngồi lại, phác thảo một chương trình chung cho FIFA Calendar. Lịch hoạt động hiện nay của FIFA đã kéo dài tới năm 2024 (chưa tính tới ảnh hưởng của dịch Covid-19). Cả thế giới bóng đá sẽ căn cứ vào lịch FIFA Calendar để xây dựng chương trình cho mình.

Với các đội tuyển quốc gia, những trận đấu thuộc FIFA Calendar có cấp độ chuyên nghiệp, chất lượng và độ khó cao nhất. Cụ thể với tuyển Việt Nam, vòng loại World Cup 2022 là các trận đấu cấp A.

Bây giờ, ta nói về đội tuyển Việt Nam.

Chúng ta đều biết mùa giải V.League được tổ chức trọn vẹn trong một năm dương lịch. Ngược lại, mùa giải châu Âu, hệ thống vận hành phù hợp lịch FIFA nhất, tổ chức theo kiểu vắt từ nửa cuối năm trước sang nửa đầu năm sau.

Hai giải đấu cấp đội tuyển và U23 quan trọng nhất với bóng đá Việt Nam là SEA Games và AFF Cup đều không thuộc FIFA Calendar.

Trong quá khứ, sự lệch pha đó không mang lại mâu thuẫn vì bóng đá Việt Nam hội nhập chưa sâu với thế giới. Nhưng kể từ năm 2016, có 2 sự kiện diễn ra làm thay đổi điều này. Thứ nhất là làn sóng xuất ngoại với các cầu thủ HAGL làm tiên phong bắt đầu từ năm 2016. Thứ hai là thành công của U23 Việt Nam năm 2018.

 - Bóng Đá

Nếu Muangthong kiên quyết, đội tuyển Việt Nam sẽ không có Đặng Văn Lâm tại AFF Cup. Ảnh: Minh Chiến. 

Khó khăn của tuyển Việt Nam

Cả hai sự kiện trên đã dẫn bóng đá Việt Nam nói chung và tuyển quốc gia nói riêng hội nhập sâu hơn vào dòng chảy của bóng đá thế giới. Từ đây, sự lệch pha đã xuất hiện.

Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử, các đội tuyển Việt Nam liên tục đứng trước lựa chọn giữa AFF Cup, SEA Games và các giải đấu châu lục. Cả trong năm 2018 và 2019, HLV Park đều phải đau đầu cân bằng giữa nhiệm vụ khu vực và châu lục. Ông thậm chí từng có ý định bỏ dẫn dắt SEA Games 30 để tập trung cho vòng loại World Cup 2022 và U23 châu Á 2020.

Thứ hai, tuyển Việt Nam luôn gặp khó khăn trong việc triệu tập nhân sự suốt 5 năm qua. Những trường hợp của Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Đoàn Văn Hậu và mới nhất là Đặng Văn Lâm tại AFF Cup vào cuối năm là ví dụ. Những cầu thủ giỏi nhất phải thể hiện mình ở sân chơi chất lượng. Nhưng mỗi lần họ xuất ngoại, tuyển Việt Nam đều vất vả đưa họ trở về trong các sự kiện không thuộc FIFA Calendar.

Để thay đổi mâu thuẫn ấy, nhiều người kêu gọi VFF hãy quên những “sân chơi vùng trũng” ấy. Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy.

Trong quá khứ, các giải đấu như SEA Games hay AFF Cup từng là điểm tựa cho bóng đá Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Thập niên cuối thế kỷ trước, các đội tuyển Đông Nam Á gần như không có cửa cạnh tranh ở các giải châu lục như Asian Cup hay World Cup.

Thể thức loại trực tiếp ở các giải này cũng hạn chế tối đa cơ hội thi đấu của tuyển Việt Nam hay Lào, Myanmar, Singapore… Càng không thi đấu thì càng thụt lùi. Những người lãnh đạo bóng đá Đông Nam Á nhận ra họ cần có những giải đấu riêng để tăng cơ hội thi đấu cho các đội tuyển trong khu vực. Đó là lý do khởi nguồn cho sự ra đời Tiger Cup 1996 (sau này là AFF Cup).

 - Bóng Đá

Trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022 dán nhãn A, cấp độ chuyên nghiệp cao nhất của FIFA. Ảnh: Minh Chiến. 

Trong tuyên bố ra đời của AFF Cup, có đoạn “chúng tôi mong rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn sẽ giúp nâng tầm trình độ bóng đá khu vực và giúp Đông Nam Á có nhiều cơ hội cạnh tranh hơn ở đẳng cấp châu Á và thế giới”. Riêng với SEA Games, đó không chỉ là sự kiện quan trọng của tuyển quốc gia (sau này là U23 Việt Nam) mà còn là đòn bẩy cho cả nền thể thao với hàng chục môn khác.

Thời điểm ấy, lựa chọn của tuyển Việt Nam và Đông Nam Á là phù hợp với bối cảnh. Cho tới ngày hôm nay, SEA Games và AFF Cup vẫn là đấu trường quan trọng bậc nhất với sự phát triển của bóng đá khu vực. Khác với châu Âu, hệ thống bóng đá Đông Nam Á, kể cả Thái Lan, Malaysia, Singapore… đều lấy 2 giải đấu này làm trục chính và vận hành quanh nó.

VFF hiểu rõ những vấn đề đó. Nhưng trong ngắn hạn, họ chưa thể xử lý được các mâu thuẫn.

Bóng đá Thái Lan cũng đối diện với những vấn đề tương tự và chưa thể tìm được một giải pháp thấu đáo. Vài năm trở lại đây, họ nỗ lực tiến ra châu lục nhưng liên tục thất bại ở khu vực. Các thất bại ấy tác động ngược, kéo bóng đá Thái Lan đi xuống. Nỗ lực của họ, bao gồm cả thay đổi gần nhất ở Thai League, cũng chưa thể nâng tầm tuyển Thái.

Xử lý mâu thuẫn với hệ thống FIFA Calendar, vì thế, vẫn là câu chuyện dài của tuyển Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

FIFA quy định mỗi năm có ít nhất 5 đợt tập trung tuyển quốc gia. AFF Cup và SEA Games không thuộc lịch hoạt động này.

Bài viết mới nhất

Bùng nổ tinh thần sinh viên tại Giải Taekwondo TP.HCM lần 2 năm 2024

Giải Taekwondo Sinh viên TP.HCM lần 2 năm 2024 không chỉ là sân chơi thể thao đầy kịch tính mà còn là...

Lễ hội ẩm thực Hàn Quốc 2024: Cơ hội để các bạn sinh viên tìm hiểu thêm về văn hoá xứ kim chi

Lễ hội ẩm thực Hàn Quốc 2024” (K-Food Festival 2024) vừa được tổ chức tại Trường ĐHQT Hồng Bàng, TP.HCM.  Hoạt động hấp dẫn...

Lân Sư Rồng Việt Nam: Mang di sản văn hóa và nghệ thuật biểu diễn độc đáo giới thiệu đến bạn bè quốc tế

Lân Sư Rồng là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt Nam, vừa mang đậm yếu tố...

ROSÉ (BLACKPINK) VÀ BRUNO MARS NHẬN GIẢI THƯỞNG TẠI LỄ TRAO GIẢI MAMA 2024

Tối 22/11, Rosé và Bruno Mars cùng tham dự lễ trao giải MAMA 2024 và thắng giải Global Sensation tại MAMA...

Big Bang bùng nổ tại MAMA 2024: Sự tái xuất mãn nhãn sau 9 năm

Chiều ngày 23/11, Lễ trao giải MAMA 2024 (Mnet Asian Music Awards) tại Osaka, Nhật Bản đã khép lại đầy ấn...