Trong một phút suy nghĩ, người ta mong rằng Marcus Rashford nên tắt thông báo mỗi khi lên các trang mạng xã hội sau trận thua của đội nhà trước Newcastle United. Nhưng thay vì lẩn trốn như các đồng đội khác, anh lại viết một dòng trạng thái “Những tuần qua đơn giản là không đủ tốt”. Một vài CĐV ngay sau đó đã động viên rằng “Cậu xứng đáng nhận những điều tốt hơn”.
Chàng trai sinh ra tại Wythenshawe có thể tạm thời quên đi cơn khủng hoảng tại Manchester United. Giờ đây, sự chú ý hướng về phía anh chuyển dịch từ CLB sang ĐTQG. Và dù sao đi nữa cầu thủ 21 tuổi cũng phải đối mặt với điều đó. Rất nhiều CĐV đề cao sự cởi mở của tiền đạo sinh năm 1997, nhưng song song đó cũng không ít lời chỉ trích được đưa ra.
Fan hâm mộ cho rằng số 10 của Quỷ đỏ nên chịu một phần trách nhiệm về kết quả thất vọng của đội bóng. Chỉ 1 bàn thắng trong 21 trận gần nhất cho cả M.U lẫn ĐT Anh không phải là thành tích ấn tượng với cái tên nhận được rất nhiều kì vọng. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, có lẽ anh không xứng đáng bị chê bai.
Marcus Rashford giờ đây rất cần được nghỉ ngơi. Cậu học trò của “Solsa” tỏ ra chật vật trước hàng thủ đối phương, trông như một đứa trẻ bị lạc đường. Sự tự tin đã không còn nữa và độ nhạy bén trước khung thành cũng vì thế mà mất đi. Và thật không may cho Ole Gunnar Solskjaer, tình trạng này có thể còn kéo dài lâu thêm nữa.
Với những gì Mason Greenwood đã thể hiện, thật dễ để người ta quên đi rằng Rashford mới chỉ 21 tuổi. Trận đấu với Newcaslte United đã là lần ra sân thứ 180 của anh cho Manchester United và là trận thứ 214 nếu tính luôn cả ĐTQG vào. Đó là một con số rất lớn đối với cái tên chỉ mới ở độ tuổi đôi mươi, và hãy nhìn lại cách mà chàng trai sinh năm 1997 này “bối rối” ra sao.
Ba năm kể từ ngày ra mắt các khán giả Old Trafford, tuyển thủ Anh phải chơi dưới thời của 3 HLV khác nhau với những triết lý khác nhau. Liệu lỗi có thuộc về “Solsa”? Câu trả lời có lẽ là có kể từ khi Rashford ghi được 9 bàn sau 19 trận dưới triều đại cựu thuyền trưởng Molde. Ông tự tin cho rằng cậu học trò hoàn toàn có thể thay thế Romelu Lukaku.
Kể từ trận đấu ấn tượng với FC Midtjylland vào ngày 25 tháng 2 năm 2016, Rashford chỉ được tận hưởng duy nhất 1 kỳ nghỉ kéo dài hơn hai tuần (18 ngày vào tháng 2/2018). Cũng kể từ khi ra mắt đội một, anh chỉ có 4 lần được cho nghỉ một khoảng dài hai tuần. Tính trung bình nếu gộp vào cả số trận chơi cho ĐTQG, cầu thủ này phải thi đấu với mật độ 5 ngày 1 trận.
Đó là khối lượng quá khủng khiếp với tiền đạo được trình làng khi chỉ mới 18 tuổi này. Và khi con người rơi vào trạng thái mệt mỏi, họ cần nghỉ ngơi để lấy lại phong độ, thể trạng và cảm giác tốt nhất. Thời điểm đó đã đến – chính là lúc này đây. Nhưng thật trớ trêu thay, đội chủ sân Old Trafford lại không thể làm được điều đó.
Dù có mệt mỏi đến đâu, chân sút 21 tuổi vẫn phải gồng gánh hàng công mà chỉ mỗi anh là cái tên có thể mang tới hi vọng. Một nguyên nhân khác khiến số 10 của Quỷ đỏ đánh rơi phong độ đó chính là sự sáng tạo của đồng đội. Hãy xét tới chỉ số bàn thắng kì vọng (xG) của anh trong khoảng thời gian vừa qua.
Tỉ lệ bàn thắng kì vọng trung bình của cầu thủ sinh năm 1997 qua mỗi trận là 0.31. Số liệu này rất chênh lệch nếu so với trận gặp Chelsea (1.14) hay FC Astana (1.17). Đáng nói hơn, trong các cuộc đối đầu với Newcastle United, West Ham United và AZ Alkmaar, thành tích này chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Điều đó cho thấy anh không nhận được quá nhiều sự hỗ trợ.
Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là cho Marcus Rashford nghỉ ngơi. Loạt trận quốc tế và khoảng nghỉ hai tuần tới sẽ rất có ý nghĩa với cá nhân ngôi sao người Anh. Và cả Manchester United cũng cần phải để trụ cột của mình “được thở” nếu không muốn phải tiếp tục khủng hoảng.
Xem pha di chuyển và dứt điểm ấn tượng của Rashford: