Các công ty bán hàng đã qua sử dụng như Gazelle đang làm ăn phát đạt nhờ xu hướng mua điện thoại cũ với giá rẻ ngày một nhiều của người dùng Mỹ.
Tìm cho mình một chiếc iPhone hồi đầu năm, Caleb Gonsalves không đến cửa hàng Apple Store gần nhất. Thay vào đó, anh chọn website chuyên bán đồ đã qua sử dụng Gazelle để tìm chiếc iPhone 6 cho mình với số tiền tiết kiệm hơn.
“Ý tưởng của tôi là bán lại chiếc điện thoại cũ (iPhone 5s) và bỏ thêm tiền để mua iPhone mới đang trong thời gian giảm giá”, Gonsalves – anh chàng 27 tuổi làm việc cho một startup tại Boston (Mỹ) cho biết.
Anh này sau đó bán chiếc iPhone 5s 32 GB với giá 216 USD và dùng số tiền thu được, cộng thêm một khoản khác để mua iPhone 6 64 GB qua sử dụng với giá 401 USD. Tại thời điểm đó, iPhone 6 64 GB có giá 749 USD.
Gonsalves là một trong số nhiều người Mỹ chọn cách mua bán điện thoại qua sử dụng trên mạng.
Trong khi các nhà mạng Mỹ thường cung cấp các gói mua smartphone theo hợp đồng 2 năm, ngày càng nhiều người dùng muốn nâng cấp chiếc điện thoại của họ trong thời gian sớm hơn. Những đơn vị bán sản phẩm “second-hand” như Gazelle hưởng lợi từ trào lưu này.
Kể từ thời điểm iPhone 6s lên kệ cuối tháng 9-2015, khoảng 100.000 chiếc iPhone đã được giao dịch qua Gazelle. “Có một nhu cầu rất lớn của người dùng cho những chiếc điện thoại qua sử dụng chất lượng cao”, Sarah Welch – Giám đốc marketing của Gazelle cho hay.
Để bán một chiếc smartphone, người dùng truy cập website của Gazelle và mô tả tình trạng chiếc điện thoại của họ như “hỏng”, “tốt” hoặc “không lỗi” và nhận mức giá dự kiến cho sản phẩm. Công ty này sau đó gửi cho người mua một chiếc hộp. Bạn có 30 ngày để gửi nó lại cho Gazelle. Quãng thời gian khá dài này cho phép người dùng tìm kiếm để chọn cho mình một chiếc smartphone khác thích hợp hơn.
“Nó khá nhanh và đơn giản, không phải suy nghĩ nhiều”, Sarah van Overwalle – kỹ sư thiết kế nội thất tại Indiana (Mỹ) chia sẻ. Ông đã bán tổng cộng 4 – 5 chiếc iPhone cho Gazelle.
Khi đến kho hàng của hãng, những chiếc điện thoại sẽ trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt, Welch cho biết. Các nhân viên ở đây sẽ sử dụng phần mềm độc quyền của Gazelle để xác minh thiết bị, chẳng hạn là một chiếc iPhone 5s thay vì iPhone 5. Gazelle sau đó xác minh chất lượng linh kiện của máy, kiểm tra số serial number để đảm bảo đó không phải máy bị đánh cắp.
Gazella cũng sẽ gửi thông tin đến người bán nếu chiếc điện thoại ở tình trạng khác so với họ mô tả. Đôi khi, chiếc iPhone tốt hơn so với mức người dùng mô tả và họ được trả thêm tiền. Trong trường hợp máy không ở trong tình trạng giống mô tả, Gazelle sẽ cho người dùng tùy chọn lấy một khoản tiền thấp hơn hoặc gửi trả lại máy miễn phí.
Những chiếc điện thoại được bán trực tiếp cho người dùng từ Gazelle thậm chí trải qua các quá trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn (khoảng 30 công đoạn). Màn hình được kiểm tra để đảm bảo nó không có quá nhiều vết xước, camera, microphone và pin đều phải được thử nghiệm. Gazelle cũng sẽ xóa sạch dữ liệu và khôi phục cài đặt gốc của máy.
“Chỉ một lượng nhỏ iPhone được bán ngay sau khi mua”, đại diện công ty cho biết. Một số khác được sửa chữa, đôi khi từ linh kiện của những chiếc iPhone khác mà họ mua được, trước khi bán cho người dùng.
Gonsalves cho biết, anh sẽ tiếp tục trở lại Gazella để mua một chiếc iPhone 6s. Sau khi chiếc iPhone mới ra mắt, anh đã dự định mua nó từ Apple. Tuy nhiên, cuối cùng người này thay đổi quyết định.
“Tôi sẽ không làm thế. Nếu đã đợi được hơn 1 tháng, tại Áo tôi không chờ thêm để sở hữu nó với giá rẻ hơn từ những công ty như Gazella”, anh chia sẻ.
Theo Zing