Trước đêm nhạc ‘Như cánh vạc bay’ diễn ra ngày 20/11, cùng nhìn lai cuộc tình đẹp làng nhạc.
“Biết yêu anh cả khi chết đi rồi…”, Xin mượn lời thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh để nói về mối tình da diết, đắm say, vượt qua cả lằn ranh của sự sống và cái chết. Mối tình bất chấp mọi định kiến, lề thói, vượt qua cả hai thế giới ấy cũng đã mang đến cho nền tân nhạc Việt Nam những nhạc phẩm không khi nào thôi thổn thức, mãnh liệt các cung bậc tình ái đắm say.
Cuộc đời của Lê Uyên – Phương là âm nhạc, là tình yêu, tuy hai mà một. Những bản tình ca đầy tính hiện sinh như “Dạ khúc cho tình nhân”, “Vũng lầy của chúng ta”, “Lời gọi chân mây”, “Tình khúc cho em…” là minh chứng sống cho cuộc tình vĩ đại, vượt qua mọi lằn ranh của sự sống, cái chết, vượt qua những bệnh tật, khổ đau nghiệt ngã trong cõi đời để trở thành bất tử. Vượt qua định mệnh, hình ảnh Lê Uyên Phương ôm cây đàn guitar bên người bạn đời Lê Uyên trở thành một dấu ấn không thể phai trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, còn vang vọng từ thời vàng son cho đến hôm nay.
Tình yêu đánh bại “tử thần” lần thứ nhất
Tình yêu của Lê Uyên Phương tựa như định mệnh. Cuộc gặp gỡ tình cờ tại Đà Lạt nhiều năm về trước đã thay đổi hay con tim, hai mảnh đời mà cũng thay đổi diện mạo của nền tân nhạc Việt Nam. Khi ấy, Lê Uyên là nàng tiểu thư với nhan sắc kiều mị, nức tiếng Chợ Lớn của Sài Gòn – Gia Định, Lê Uyên Phương lại là chàng nhạc sĩ tài hoa, lãng tử của phố núi Đà Lạt. Cuộc gặp định mênh tại “thành phố buồn” vào mùa Đông 1966 khiến cả hai phải lòng nhau. Như một mối tình kinh điển, chàng lãng từ nghèo và nàng tiểu thư quyền quý phải lòng nhau trong một mối tình đầy đam mê tuổi trẻ. Ngay từ phút ban đầu lưu luyến, Lê Uyên Phương đã quyện vào nhau bằng tình yêu hồn nhiên không suy tính.
Ở tuổi 27, chàng nhạc sỹ vẫn không dám yêu ai vì mắc bệnh hiểm nghèo, có thể ra đi bất kỳ lúc nào. Những khối bướu xương mọc khắp trên tay chân anh, và được tiên liệu anh sẽ không sống qua năm 30 tuổi. Ám ảnh bệnh tật cùng tình yêu mãnh liệt biến Lê Uyên Phương trở thành một “Hàn Mặc Tử trong âm nhạc” với nỗi niềm yêu đời và yêu người da diết.
Quan niệm sống cho ngày hôm nay, tính hiện sinh khiến anh cháy trọn lòng mình trong những cung bậc âm thanh. Tình yêu ấy, tiếng hát ấy tựa như được cất lên từ tâm can, đủ sức hóa giải mọi định kiến cùng nỗi niềm người nam nhi bất đắc chí vì bệnh tật. Đà Lạt trở thành nơi minh chứng cho mối tình Lê Uyên Phương.
Vượt qua sự cấm cản của gia đình cùng ám ảnh bệnh tật, Lê Uyên Phương song hành như hai đứa trẻ ngây ngô, đắm chìm trong men say tình ái. Có lẽ vì thế mà những tác phẩm của cặp đôi trong giai đoạn này luôn thấm đẫm những đam mê, hoan lạc và sự nồng nàn. Cả hai đến bên nhau, hát với nhau mà không cần biết ngày mai ra sao. Và dẫu có sao, Lê Uyên Phương cũng nguyện “chết bên nhau thật là hồn nhiên” như lời ca khúc “Dạ khúc cho tình nhân”
Tình yêu Lê Uyên Phương, âm nhạc Lê Uyên Phương cùng triết lý hiện sinh lãng mạn trở thành chuẩn mực sống của lớp thanh niên thời đại bấy giờ. Có lẽ vì thế mà trong giai đoạn cực thịnh của bolero, người ta đã ưu ái gọi tên tình yêu của cả hai là dòng nhạc Lê Uyên Phương, như một cách trân trọng, tôn vinh cho mối tình đắm say mật ngọt ấy.
Thần chết lại nhường bước thần tình yêu
Năm 1979, hai vợ chồng Lê Uyên Phương rời khỏi Việt Nam và định cư tại nam California, Hoa Kỳ. Như bao người, đôi tình nân phải bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Thời gian này, Lê Uyên Phương vẫn da diết nỗi hoài vọng về một thiên đường đã qua. Tại đây, anh nhớ nhiều hơn về quê nhà, về những tháng ngày đắm say trên từng triền dốc Đà Lạt, hay những khoảnh khắc cả hai cùng luyện giọng trên căn gác xép chật hẹp mà chan chứa tình yêu tại chợ Lớn. Vượt qua những xáo trộn nơi xứ lạ, tình yêu lại lần nữa dẫn lối cho Lê Uyên Phương để lại lần nữa cùng cất vang tiếng hát tại những tụ điểm ca nhạc, những sân khấu lớn nhỏ khắp xứ cờ hoa. Tình yêu của cả hai vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống, để nằm giữa lằn ranh chênh vênh giữa lý trí của con người, linh hồn thượng đế và hơi thở của tình yêu.
Tại họa ập đến khi vào năm 1985, Lê Uyên gặp tai nạn, trúng đạn lạc từ một vụ thanh toán của hia băng xã hội đen. Chị mê man trên giường bệnh 19 ngày liền. Khi ấy, người duy nhất ở bên chị, làm bóng tùng quân đưa chị vượt qua những đau đớn thể xác không ai khác ngoài Lê Uyên Phương. Lúc này, những câu hát cả hai từng ca “Nhìn suốt kiếp như chết mòn. Nhìn hấp hối thương đau. Ngày mai ta không còn thấy nhau” như lại vận vào mối tình si ấy, thách thức tất cả giữa lằn ranh sống, chết. Sau khi hồi phục, Lê Uyên lui về ở ẩn, không xuất hiện trên sân khấu suốt 4 năm liền. Lúc này, dư luận bắt đầu râm ran cả hai rạn nứt. Nhưng với tính cách vốn trầm lặng, khép kín, người con Đà Lạt không thanh minh với bất kỳ ai, chỉ lặng yên chăm sóc cho người phụ nữ của đời mình và hai cô con gái bé bỏng.
Biết yêu nhau cả khi chết đi rồi
Nghiệt ngã thay, đến năm 1999, Lê Uyên Phương đã nằm xuống mãi mãi, bỏ lại tất cả sau lưng. Anh ra đi không phải vì chứng ung thư xương được dự báo từ rất lâu mà vì ung thư phổi. Giây phút ấy, cô tiểu thư ngày nào cũng như mất đi toàn bộ lẽ sống, nghị lực sống. Chị đã từng nghĩ đến cái chết khi uống thuốc ngủ quá liều để đoàn tụ với anh ở bên kia thế giới, nhưng tất cả lại bất thành. Trong niềm đau chuếnh choáng, Lê Uyên Phương vẫn không tin anh đã rời xa thế gian. Trong tâm tưởng chị, người chồng, người tình mà với chị “chỉ cần yêu thôi, không cần ăn uống gì cũng chịu đựng được” như vẫn còn đâu đây. Anh chỉ như vừa bắt đầu một hình trình mới, dài hơn và lãng du mọi chân trời anh hoài niệm.
Trước khi bỏ lại thế giới sau lưng, Lê Uyên Phương từng dặn dò chị: “nếu anh có mệnh hệ nào thì em phải tiếp tục sống và hát để tình yêu chúng ta được lan tỏa khắp nơi, trong trái tim nhiều người để mọi người yêu nhau nhiều hơn”, những câu nói này đã giữ chân chị ở lại với trần thế. Từ đây, Lê Uyên Phương vẫn tiếp tục sống trong hoài niệm, giữa hai bờ hiện thực và ảo mộng, chị mơ về ngày xa xưa ấy, khi cùng anh đi dạo trên những triền dốc mơ mộng, yên bình của Đà Lạt. Những cuộc đối thoại trong tâm tưởng, trong tĩnh lặng tiếp sức cho Lê Uyên Phương hoàn thành các dòng nhạc, từng bản thu còn dang dở của hai người.
Với tâm thế sống để lan tỏa yêu thương, Lê Uyên mang theo cả tư tưởng, nhân sinh quan của Lê Uyên Phương để cất lên những tiếng ca da diết, dạt dào cảm xúc. Nhạc Lê Uyên Phương không thể tách rời Lê Uyên, chị phải sống, phải hát thêm lần nữa và gìn giữ thứ âm nhạc hiện sinh ấy cho nhiều người, cho nhiều thế hệ. Lê Uyên cũng là Lê Uyên Phương, Lê Uyên Phương cũng là Uyên. Cả hai hòa quyện vào nhau, không thể chia lìa, không thể tách rời. Những gì chàng nhạc sĩ tài hoa ấy dâng hiến cho đời cùng đều vì tình yêu với Lê Uyên, mối tình kết ấy tựa như một chất gây nghiện, rót từng giọt từng giọt vào lòng người, nhẹ nhàng mà đắm say để đến khi tỉnh giấc nam kha, ta chợt nhận ra mình đã bước vào thế giới ảo mộng của Lê Uyên – Phương tự khi nào.
Mất nhiều năm sau khi Lê Uyên Phương ra đi, Lê Uyên mới đủ can đảm trở lại sân khấu, chìm đắm trong những tình khúc ghi đậm dấu ấn tình yêu của hai người. Cho đến bây giờ, hai kẻ si tinh đã ở hai miền thế giới, tình yêu của họ vẫn làm lay cảm lòng người tựa như:
“Xa nhau như nước xa nguồn
Cuộc tình ngày nào tìm đến rồi mãi thiết tha…”.
Ngô Tôn