Dù trong đoạn cuối tiểu thuyết Anh Hùng Xạ Điêu, Kim Dung lão gia đã mượn lời Quách Tĩnh để luận anh hùng và cho rằng cuộc đời chinh chiến của người đàn ông vĩ đại nhất lịch sử Mông Cổ chưa giúp ông trở thành một người anh hùng thật sự khi chẳng mang lại sự hòa bình. Tuy nhiên với biết bao thế hệ thì chiến tích oai hùng của Thiết Mộc Chân ngày nào vẫn là bản anh hùng ca bất diệt cho nam nhi noi theo.
Chiến tranh – dù có chính nghĩa hay phi nghĩa – nhưng không phủ nhận rằng đó là nơi phô trương chất khí phách của những đấng đội trời đạp đất. Dù ở đâu đó người ta oán trách Thành Cát Tư Hãn nhưng lịch sử vẫn ca ngợi đế quốc từ Á sang Âu mà ông đã tạo dựng nên.
Và khi nói về chinh phạt người ta chợt nhớ đến cái tên: Cristiano Ronaldo – một biểu tượng của hàng triệu thanh niên thế kỷ 21. Xuất thân từ gia đình nghèo khó tại Bồ Đào Nha nhưng bằng sự cố gắng phi thường cùng tham vọng chinh phục, anh đã bước lên đỉnh cao bóng đá thế giới hơn chục năm qua dù cho đó là Anh, Tây Ban Nha hay Ý.
Một cách ví von rằng bước đường khẳng định mình của Ronaldo có khác gì những trang sử mà Thành Cát Tư Hãn đã viết kia chứ. Đó là thành tựu của nghị lực vượt lên định mệnh và… cả những chướng ngại cũng như biết bao bại tướng phải cúi đầu cho kẻ vĩ đại nhất với hào quang đầy kiêu hãnh.
Trong vô số những bại tường của Cristiano Ronaldo thì có lẽ cái tên Antoine Griezmann phần nào đo gây được ấn tượng mạnh nhất. Sau trận đấu tại Alianz Stadium – sân nhà Juventus, nơi mà CR7 ghi cú hattrick siêu đẳng để loại Atletico Madrid khỏi Champions League – thì Griezmann cay đắng nói rằng khi anh gần có được điều gì đó thì ngay tức thì Ronaldo xuất hiện và cướp mất.
Những thứ mà Griezmann nhắc đến là Champions League, La Liga, Euro và cả QBV. Có thể thông cảm cho nỗi bi ai ấy của ngôi sao người Pháp sau chừng ấy thất bại trước Ronaldo. Nhưng “tiên trách kỷ hậu trách nhân” bởi anh đã làm được gì trong những lần họ đối đầu nhau?
Nếu như Ronaldo đã ghi gần 30 bàn vào lưới Atletico Madrid thì thử hỏi Griezmann có làm được điều tương tự hay không? Hai trận chung kết Champions League và cả chung kết Euro 2016, đội bóng của Griezmann (và cả anh) đều không vượt lên được chính mình để rồi ngậm ngùi nhìn CR7 đăng quang.
Nhưng Ronaldo không cướp của ai cả (kể cả Griezmann) bởi đây là cuộc chiến của những người đàn ông, của bản lĩnh và cả sự may mắn. Có thể CR7 đã may mắn ở những lần đối đầu cùng ngôi sao người Pháp (như ở chung kết Euro) nhưng vai trò cực lớn mà siêu sao người Bồ Đào Nha đã thể hiện thì không thể bàn cãi. Như trận đấu lượt về Champions League vừa qua, Griezmann đã có lợi thế dẫn trước hai bàn mà vẫn để mình CR7 ghi tới 3 bàn thì còn trách ai được bây giờ?
Từ khi đến Italia thi đấu, Ronaldo đã khẳng định đây là thử thách trong cuộc đời đầy vinh quang của mình. Khí chất đó chúng ta đã quá quen ở con người Ronaldo, từ khi còn là cậu nhóc ở Sporting rồi khi là ngôi sao tại Man United đến Real Madrid. Đó là cái tôi lớn của của một con người vĩ đại.
Cho nên chiến tích trước Atletico Madrid (và nạn nhân là Antoine Griezmann) là một phần phải có trên con đường chinh phục tiếp theo của Ronaldo mà thôi. Số phận không định sẵn điều gì cho Griezmann hay Ronaldo mà chỉ đặt họ ở hai vạch xuất phát khác nhau. Và đến đích bằng cách nào là do tự bản thân của họ.
Vận may là điều cần có cho mọi thành công. Nhưng với những kẻ thích sự chinh phạt như Thành Cát Tư Hãn hay Ronaldo thì bản lĩnh phải được tính tới hàng đầu. Họ không “cướp” mà chỉ đi tranh đoạt vinh quang, thay đổi lịch sử và san bằng mọi chướng ngại trên con đường hùng bá thiên hạ. Bởi họ hiểu đến cuối cùng thì lịch sử vẫn thường vinh danh kẻ chiến thắng.
(Bạn đọc: Cát Tường)