Từ lúc đội hình xuất phát của Việt Nam trong trận đấu đầu tiên tại Asian Cup 2019 gặp Iraq được công bố, khá nhiều người đã bất ngờ với việc HLV Park Hang-seo xếp Hồng Duy thay Văn Hậu. Đây có lẽ hoàn toàn là lý do chiến thuật, vì Hồng Duy được tin rằng có tốc độ tốt hơn so với Văn Hậu và thích hợp cho một pha chạy cánh thần tốc để phản công, trong thế trận chắc chắn sẽ bị Iraq áp đảo. Nhưng ngoài Hồng Duy, còn một cái tên nữa cũng ít nhiều gây bất ngờ, đó là Lương Xuân Trường.
Tại AFF Cup 2018, Xuân Trường thật sự chơi dưới phong độ của mình khá xa, và anh bắt buộc phải làm quen với ghế dự bị một cách thường xuyên. Điều đó khiến cho nhiều người tin rằng Tiền vệ đang thuộc biên chế Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục đóng vai trò “đóng thế” trong lần tham dự Asian Cup này. Nhưng cuối cùng, trong trận cầu cực kỳ quan trọng với Iraq, Xuân Trường lại ra sân ngay từ đầu.
Tất nhiên, vẫn có thể lý giải việc sắp xếp trên của thầy Park bằng lý do chiến thuật. Tức là với thế trận phòng ngự phản công nhanh, một đường chuyền dài chính xác của Xuân Trường có thể giúp người đồng đội ở HAGL của mình là Hồng Duy bứt tốc và mang về cơ hội. Tuy vậy, đó chỉ là trên lý thuyết.
Thực tế, những đường chuyền phản công có thể xuất phát từ Quế Ngọc Hải, hay Duy Mạnh, những trung vệ không chỉ biết phá bóng mà còn có khả năng chuyền bóng. Và cũng không thể bỏ qua một sự thật là phong độ của Lương Xuân Trường đang rất tệ, điều đã thể hiện quá rõ ở AFF Cup vừa qua. Đặt niềm tin vào một cầu thủ đang sa sút như vậy, trong một trận đấu quan trọng về cả điểm số lẫn chuyện giải tỏa tâm lý cho cả đội bóng, là điều có vẻ rất mong manh.
Trên thực tế trận đấu với Iraq, nói Xuân Trường chơi tệ thì cũng không đúng, nhưng nếu nói anh hoàn thành nhiệm vụ thì chắc chắn là chưa thuyết phục. Xuân Trường vẫn chưa trở lại là anh của vài năm trước, là tiền vệ với những đường chuyền mà có lẽ ở bóng đá Việt Nam số lượng người làm được đếm không quá trên một bàn tay.
Vậy tức là ông Park đã không thể thắng “canh bạc” của mình. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao ông ấy lại làm như thế? Và thật thú vị khi câu trả lời có thể tìm thấy ở một cầu thủ khác, đó là Hà Đức Chinh.
Tại kỳ AFF Cup vừa qua, Hà Đức Chinh đã gây “bão”, không phải bởi những bàn thắng, mà là những “bàn thắng bị chuyển hóa thành cơ hội” của anh. Rất nhiều người đã một lần nữa gán cho Đức Chinh cái biệt danh “chân gỗ” và liên tục chỉ trích tiền đạo này. Thế nhưng, sau những pha bóng bị bỏ lỡ đó, ông Park vẫn tiếp tục cho Hà Đức Chinh cơ hội ở những trận đấu tiếp theo, và dù Đức Chinh vẫn chưa thể làm được gì để khẳng định mình, thì ông vẫn tiếp tục đưa anh đến với Asian Cup. Ngay ở trận đấu vừa qua, Đức Chinh cũng đã được vào sân thi đấu khi đội tuyển cần sự tươi mới trong tấn công.
Có thể thấy, HLV Park Hang-seo đang có một niềm tin mãnh liệt vào cầu thủ của mình. Và dù khi họ có chưa đạt được đỉnh cao phong độ, ông vẫn tạo điều kiện và tin tưởng rằng sẽ có ngày họ trở lại. Không ai có thể phủ nhận rằng Xuân Trường là tiền vệ có đẳng cấp, thậm chí là đẳng cấp cao. Hay Hà Đức Chinh ở V-League cũng không phải là một tiền đạo xoàng. Nếu không cho họ cơ hội, và rồi để cho họ dần dần đi xuống hẳn về mọi mặt, thì đó không phải là điều mà nền bóng đá của chúng ta nên có. Và rất may mắn, với một HLV như ông Park, có lẽ các cầu thủ có thể yên tâm rằng nếu họ quyết tâm phấn đấu, họ sẽ không bị bỏ quên.
Tất nhiên, nói đi cũng phải nói lại, không có điều gì là bền vững khi chỉ có quan hệ một chiều, nếu HLV đã hết lòng tạo cơ hội như vậy, mà cầu thủ vẫn không thể thoát ra được vùng trũng về phong độ, không cải thiện được chất lượng thi đấu, thì rõ ràng lúc đó không ai “cứu” được họ, và thậm chí có thể còn làm liên lụy đến HLV. Thế cho nên, điều mà người hâm mộ trông chờ vào lúc này, chính là các cầu thủ nhanh chóng đền đáp cho ông thầy của mình bằng những trận đấu tốt và hiệu quả, chứ đừng cúi đầu lặng lẽ khi được thay ra sân nữa.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)