10 năm là quãng thời gian không quá dài cũng không quá ngắn. Nó đủ để chúng ta có thêm những trải nghiệm quý giá, già đời hơn, sành sỏi hơn và trưởng thành hơn. Đó cũng là giai đoạn mà bóng đá Việt Nam đi qua những nốt thăng trầm của lịch sử từ vinh quang tại AFF Cup năm 2008 đến những thất bại đau đớn ở sân chơi SEA Games và giải vô địch Đông Nam Á tiếp theo trước khi chúng ta lên ngôi xứng đáng tại AFF Cup năm nay.
Đi cùng với thành tích nghèo nàn của đội tuyển nam quốc gia trên sân cỏ là vấn nạn bạo lực và hình ảnh có phần xấu xí của V-League. Tuy nhiên đó không phải là gam màu xám chủ đạo của bức tranh chung bóng đá Việt Nam. Đâu đó vẫn có những người đàn ông âm thầm, xây dựng và phát triển bóng đá theo mô hình chuyên nghiệp, đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo trẻ nước nhà.
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai), và ông bầu Đỗ Quang Hiển (chủ tịch Tập đoàn T&T) là hai ví dụ điển hình nhất. Những gương mặt ưu tú như Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng…. đều xuất thân từ hai lò đào tạo trứ danh của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội T&T.
Sự nổi tiếng của Học viện HAGL – Arsenal JMG đã được biết đến từ lâu trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng, đối thủ của nó là Hà Nội T&T vẫn mạnh không kém dù cách làm có phần âm thầm, ít rầm rộ hơn.
Câu lạc bộ Hà Nội chủ yếu tuyển lựa nguồn lực từ các tỉnh thành có phong trào bóng đá nhi đồng phát triển. Song song với đó là việc xây dựng các trung tâm bóng đá vệ tinh ở các địa phương nổi tiếng về cầu thủ giỏi như Nghệ An.
Một đặc điểm độc đáo khác trong phương thức đào tạo từ câu lạc bộ Hà Nội là việc định hình lối chơi nhất quán, xuyên suốt các lứa U qua đó tạo thành phong cách chơi bóng có bản sắc riêng.
Sau khi trưởng thành, những sao mai đầy tiềm năng này sẽ được “gửi gắm” và được tạo điều kiện thi đấu ở đội hình chính cùng các bậc đàn anh day dặn kinh nghiệm. Tiền vệ Duy Mạnh là ví dụ tiêu biểu khi ngôi sao sinh năm 1996 cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của mình ở mùa giải 2014/2015 khi đá cặp cùng Văn Quyết, Thành Lương.
Thành quả từ cách làm bài bản, khoa học trên đã đến khi các đội tuyển U của Hà Nội như U19, U21 lần lượt nâng cúp vô địch quốc gia hay xếp vị trí thứ 2 chung cuộc. Đặc biệt các cái tên đang là trụ cột của đội tuyển quốc gia Việt Nam như Quang Hải, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu từng lên ngôi vô địch vòng chung kết U21 quốc gia báo Thanh Niên năm 2015.
Năm 2018 chứng kiến những thành tích đáng tự hào của chúng ta trên trường quốc tế. Đội tuyển nam Việt Nam giành ngôi á quân tại VCK U23 châu Á, lọt vòng đấu bán kết tại ASIAD 2018 và xưng vương đầy thuyết phục ở AFF Suzuki Cup sau 10 năm dài chờ đợi.
Đóng góp vào thành công chung đó là màn trình diễn xuất sắc của những Quang Hải, Văn Hậu, hay Đình Trọng, Duy Mạnh từ câu lạc bộ Hà Nội. Hải “con” được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu với kĩ thuật cùng nhãn quan chiến thuật sắc bén của mình.
Trong khi đó bộ tam Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu là những nhân tố then chốt nơi hàng thủ đội nhà; là các cá nhân góp phần xây dựng nên bức tường thành vững chãi trước khung thành thủ môn Đặng Văn Lâm.
Tóm lại, bầu Hiển đã gặt hái những quả ngọt từ cách đào tạo và làm bóng đá chuyên nghiệp, bài bản của mình. Để có thể tiếp tục giúp nền bóng đá nước nhà vươn xa hơn ở đẳng cấp châu lục và mục tiêu có vé tham dự vòng chung kết FIFA World Cup, chúng ta cần nhiều hơn những bầu Hiển bầu Đức trong tương lai.