Đội khách đã phàn nàn về trận thua này, khi mà họ kiểm soát bóng lên đến 69% trong cả trận, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận một thất bại cay đắng từ hai pha ghi bàn của Công Phượng cũng như Anh Đức. Và thủ thành Khairul Fahmi tỏ ra ấm ức vì kết quả này.
Nhưng nếu người gác đền sinh năm 1989 chỉ nhìn thấy các đồng đội cầm bóng nhiều hơn mà đã đánh giá Malaysia chơi trên chân chủ nhà thì điều đó dường như hơi phiến diện. Sau đây là một vài quan điểm có thể chứng minh Fahmi đã sai lầm với nhận định của mình…
Có lẽ ai cũng biết, ĐT Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo chưa bao giờ được đá tấn công thoải mái, hoặc chiến lược gia người Hàn Quốc không ưa dùng chiến thuật đó (trước khi giải AFF Cup khởi tranh), khi đến làm việc ở dải đất hình chữ S.
Minh chứng cho điều này là cách áp dụng sơ đồ 3 hậu vệ khi tấn công và 5 cầu thủ nếu phải lui về phòng ngự. Án ngữ trước họ vẫn là một ‘hàng ngang 4 người tập hợp’, và chỉ duy nhất một tiền đạo cắm sẽ chơi cao nhất. Cự ly đội hình luôn luôn rất đều nhau.
Trong sơ đồ này, chúng ta nên để ý tới một điều đặc biệt, đó là một trong số 3 trung vệ sẽ có một người sở hữu khả năng chuyền xa rất tốt, kiểu ‘bóng hai Jose Mourinho’. Họ là Tiến Dũng ở đội U23 hoặc Olympic, và Ngọc Hải trên tuyển quốc gia.
Chiến thuật mới mẻ của thầy Park thực tế đã được biết đến nhiều vào mùa hè cách đây 2 năm, với Antonio Conte dẫn dắt Italia chinh chiến tại Euro, và đỉnh cao của nó là Chelsea ở mùa giải 2016/17, ngay sau khi ông đến sân Stamford Bridge và khuynh đảo nước Anh.
Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng sơ đồ 3 hậu vệ không phải cách tốt nhất để chơi tấn công, nhưng nó lại tạo ra sự chắc chắn cần thiết cũng như cách phản công mạnh mẽ nhờ vào bộ đôi hậu vệ cánh, những người biết lên công về thủ nhịp nhàng trong cả trận.
Lật lại vấn đề chính của thủ thành Fahmi, ‘Những chú hổ’ đến với AFF Cup lần này không hề có một tiền vệ kiến thiết (Playmaker) mà lại sở hữu 3 mỏ neo trong số 22 thành viên. Vì thế, sức sáng tạo của họ dựa chủ yếu vào hai biên, nơi có Mohamadou Sumareh và Akhyar Rashid.
Tuy nhiên, thật không may cho Malaysia là phía bên kia chiến tuyến lại sở hữu Văn Hậu và Trọng Hoàng, những ‘tay chơi’ thứ thiệt trên sân cỏ. Sức bền bỉ trong các pha tranh chấp, sẵn sàng chơi quyết liệt khi cần và được hỗ trợ quá tốt bởi Ngọc Hải và Đình Trọng.
Thực tế trên sân cũng cho thấy đội khách thường chỉ biết đá cánh và đá cánh. Nhưng họ xuống bóng không nhiều, tấn công trực diện lại quá dở vì thiếu tiền vệ kiến thiết. Các con số thống kê đã nói lên điều đó với chỉ 2 lần đưa bóng hướng trúng khung thành Văn Lâm, trong đó có 1 pha đá phạt hàng rào.
Khi bạn kiểm soát bóng nhiều hơn nhưng lại phạm lỗi nhiều hơn, dứt điểm ít hơn, tỉ số thẻ vàng 2-0, việt vị ít hơn… điều đó cho thấy khu vực hoạt động chủ yếu là giữa sân. Chơi trên chân chỉ là khi bạn tạo ra nhiều cơ hội để người xem cảm thấy xứng đáng có bàn thắng…
Nhưng liệu mấy người dám khẳng định trung thực rằng Malaysia có thể thành công trong việc khiến Văn Lâm làm điều mình chẳng thích? Rõ ràng là không, vì họ chưa có một lần nào tạo ra được cơ hội rõ rệt, ngược lại, ĐT Việt Nam quá nguy hiểm trong các pha lên bóng với 2 đường ‘key pass’ của Xuân Trường.
Qua những điều trên, chúng ta hay bất cứ ai cũng nên đồng tình với báo đái quốc tế. Họ đều có chung nhận định rằng Việt Nam ‘cao tay’ hơn đối thủ. Vì vậy, chính các học trò của HLV Park Hang-seo mới là những người áp đảo về ở trận đấu này.