Ở mùa giải thứ ba dẫn dắt Man Utd, Mourinho vẫn đang vật lộn với những tàn dư từ thời Louis Van Gaal. Không ngẫu nhiên mà trong một cuộc họp báo trước đây, Người đặc biệt đã nói đến từ “di sản”. Bộ khung mà Man City đang xây dựng đã chơi bóng cạnh nhau ít nhất 5 năm. Cá biệt, có những người như Sergio Aguero và David Silva đã chơi bóng ngót nghét gần một thập kỉ.
Mới đây, ông lại nhắc khéo mọi người, đừng đem bất cứ so sánh nào áp đặt vào Man Utd. Ông đá xéo Pep trước Derby: “Ông ta có thể mua 4 hậu vệ với giá kỉ lục. Còn tôi thì không thể làm điều đó. Dĩ nhiên, tôi biết đây là công việc khó khăn. Nếu dễ dàng thì tôi đã không ngồi đây.”
Trở về với vấn đề của Mourinho, thứ mà ông bị NHM đánh giá thấp hơn hẳn là việc thất bại trong công cuộc xây dựng lối chơi cho Man Utd. Họ cho rằng, sau 3 năm, người ta vẫn không có cụm từ đặc biệt nào để mô tả về cách chơi bóng của Quỷ đỏ. Có chăng, khi bị đối thủ dồn vào bước đường cùng, Man Utd mới vùng dậy và chiến thắng bằng những khoảnh khắc cá nhân. Dĩ nhiên, về đường dài cách thức này không thể mang đến thành công.
Có điều, thất bại của Mourinho không thuộc phạm trù chiến thuật. Hãy cùng điểm lại trận derby, khi Man City không cho Man Utd chơi bóng. Mấu chốt của vấn đề không nằm ở khâu cầm trịch của Silva và các đồng đội, mà nằm ở chính các cầu thủ Man Utd. Xưa nay, chúng ta luôn nói về “quy tắc 5 giây” của Pep. Nghĩa là khi để đối phương lấy bóng, trong vòng 5 giây các cầu thủ phải áp sát và đoạt được bóng. Nếu vẫn không lấy được, cả đội bóng sẽ lùi về và điều chỉnh lại đội hình.
Như vậy, nếu cách đây 10 năm, hay như thời hoàng kim 2005/06, Mourinho chỉ cần chỉ thị Terry hoặc Makelele đánh chặn. Họ mất tầm hai giây để lấy bóng và đẩy cho Paulo Ferreira, để rồi cầu thủ này phất một đường bóng dài lên cho Didier Drogba bắt tốc độ.
Cụ thể hơn trong trận đấu, giữa Chelsea và Barca ở Champions League mùa giải 2004/05, đội bóng của Mourinho chỉ cần tầm 7 giây để đưa bóng từ sân nhà vào lưới Vitor Valdes. Joe Cole bứt tốc ở cánh phải, căng ngang trước mũi Carlos Puyol. Ở trong Eidur Gudjohnsen khống chế gọn gàng và sút tung lưới Barca. Vậy quy tắc 5 giây của Pep còn có tác dụng gì trước một đội bóng phản công sắc bén đến vậy?
Khó bảo, Pep hay Mourinho tài tình hơn trong cuộc chơi của họ. Với Pep, nếu bạn cầm được quả bóng coi như bạn an toàn. Ngược lại, Mourinho chỉ cần dưới 10 giây để phản công và ghi bàn. Sở dĩ, Mourinho lận đận suốt mấy năm qua, bởi ông không tìm được một hàng thủ biết thủ và các cầu thủ giỏi phản công.
Ông không yêu cầu các trung vệ biết chơi chân như Pep vì đó là điều vô nghĩa. Nhưng khi cần phản công, các hậu vệ biên phải biết lật, những đường chuyền dài phải chuẩn xác. Tất nhiên, đối mặt phải thắng thủ môn đối phương (điều có vẻ hơi quá sức với Lukaku).
Xem lại trận đấu kinh điển giữa Chelsea và Barca năm 2005: