Real Madrid đại thắng 4-0 ngay trong trận đầu tiên sau khi huấn luyện viên Julen Lopetegui bị sa thải. Sự kiện khiến nhiều người hâm mộ bất giác nhớ về “căn bệnh” rất phổ biến trong bóng đá hiện đại, lật ghế huấn luyện viên (HLV).
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, khái niệm “cầu thủ cưa ghế huấn luyện viên” ngày càng trở nên phổ biến. Một chiến lược gia dù có tài năng đến mấy, nhưng hà khắc hay không “cùng tần số” với các học trò hoàn toàn có thể bị đá ra đường không thương tiếc bởi chính những cậu học trò.
“Cưa ghế” HLV có bao nhiêu cách?
“Cưa ghế” có nhiều cách. Cách phổ biến nhất là ra sân và chơi bóng như mất hồn. Có thể ngay lập tức kể ra một vài “điển hình” tiêu biểu. Jamie Vardy để đuổi HLV Claudio Ranieri khỏi sân King Power đã đá bóng như cầu thủ nghiệp dư suốt thời gian dài, và rồi ngay sau khi HLV Ranieri bị sa thải, Vardy lập tức hồi sinh và ghi bàn liên tục.
Eden Hazard cũng được cho là không chơi bóng hết mình vì Jose Mourinho, gián tiếp khiến ông bị Chelsea sa thải. Lúc đó, Hazard không khẳng định lời buộc tội phản thầy và cũng không ai có bằng chứng cụ thể để kết tội Hazard. Mới đây, đích thân siêu sao người Bỉ lên báo nói rằng anh hối hận vì từng gián tiếp khiến HLV Mourinho bị Chelsea sa thải.
Một cách phản thấy đang dần trở nên thịnh hành là ngấm ngầm tuồn thông tin mật cho báo chí. Jose Mourinho là nạn nhân nổi tiếng nhất của đòn bẩy này. Giai đoạn cuối trước khi bị Chelsea sa thải, HLV Mourinho thậm chí không dám thông báo đội hình xuất phát với các học trò vì sợ có “nội gián” tuồn đội hình ra ngoài. Mới đây, đội hình MU chuẩn bị chạm trán Chelsea tại Premier League cũng không hiểu vì sao lại rơi vào tay truyền thông.
Chưa có bất kỳ nhóm cầu thủ nào dám đứng lên nhận trách nhiệm về những chiếc ghế HLV bỗng dưng gãy chân, nhưng dư luận vẫn ngầm hiểu với nhau rằng phản huấn luyện viên đang là một trong những đặc sản lệch lạc nhất mà bóng đá hiện đại sản sinh ra.
Trong quá khứ, HLV là người có tiếng nói cao nhất trong phòng thay đồ và bất kể ông có sai đến nhường nào, chuyện phản HLV không bao giờ xảy ra. Năm xưa, Sir Alex Ferguson ném chiếc giày đập vào tường, văng ra một thứ tình cờ cứa vào mắt David Beckham. Là Fergie sai, nhưng Becks tuyệt nhiên không dám hé nửa lời với truyền thông và cũng không thể dùng tầm ảnh hưởng tạo nên cuộc nổi dậy trong phòng thay đồ MU.
Bóng đá thời xưa cho người hâm mộ thấy rõ vai trò của huấn luyện viên và cách ông ta được tập thể tôn trọng.
Tại sao xuất hiện trào lưu phản HLV?
Vì lý do gì mà một hành động bất nhẫn, bất kính như chuyện cầu thủ đâm sau lưng HLV lại được âm thầm chấp nhận như vậy? Và tại sao cầu thủ thời nay cứ không hài lòng là nghĩ ngay tới chuyện kết bè kết phái lật đổ HLV?
Theo phân tích của The Times, nguyên nhân cốt lõi nằm ở chuyện các cầu thủ thời nay được đối xử như ông hoàng. “Sự nở rộ của mạng xã hội rút ngắn con đường dẫn tới thế giới ảo tưởng. Nhiều cầu thủ ảo tưởng về tầm vóc của mình và còn rất dễ bị ảnh hưởng bởi những bình luận trên mạng xã hội. Họ nghĩ bản thân mình là ông hoàng và đòi hỏi được đối xử như ông hoàng”, The Times viết.
Nhật báo này lấy ví dụ chuyện Willian trong giai đoạn đầu kỷ nguyên Maurizio Sarri tỏ ra không bằng lòng về chuyện HLV người Italy chuyển buổi tập hàng ngày của Chelsea xuống buổi chiều thay vì buổi sáng. Willian cho biết anh cần thời gian chơi với con mình và không tán thành lịch tập buổi chiều.
Tuy nhiên, HLV Sarri đã chứng minh được thành công, và Willian không đủ tầm vóc để gây dựng tầm ảnh hưởng nên đành ngoan ngoãn nghe lời. Tuy nhiên, tư tưởng ban đầu của Willian mang nặng tính cá nhân và ngôi sao. Đó là mầm mống cho tư tưởng phản thầy trong bóng đá hiện đại.
Các cầu thủ đặt lợi ích bản thân cao hơn CLB. Bởi khi họ ngấm ngầm cưa ghế HLV, điều họ hướng tới là đuổi chiến lược gia đó ra đường, và CLB sẽ tự động tìm một HLV khác thay thế. Họ đạt được mục đích, nhưng đội bóng sẽ mất khoản tiền không nhỏ để đền bù chuyện phá vỡ hợp đồng, và ngay cả khi CLB đó đá tốt trở lại, chưa chắc gì chức vô địch đã tới.
Một trong những tác nhân tạo nên trào lưu phản thầy trong bóng đá hiện đại là đa phần các đội bóng lớn giờ đây đều thuộc sở hữu của một tập đoàn hay tỉ phú nào đó. Họ làm bóng đá thiếu đam mê và trách nhiệm. Điều những tỉ phú đó quan tâm chỉ là lợi nhuận. Thực trạng này gián tiếp trao cho cầu thủ quá nhiều quyền định đoạt số phận của HLV.
Bóng đá hiện đại hấp dẫn, kịch tính, khoa học hơn, nhưng tinh thần tôn trọng huấn luyện viên hay cao hơn là những giá trị cốt lõi đang ngày càng mất đi.