Đó là câu hỏi đáng để xem xét, nhất là khi 90 phút trên sân Allianz Stadium đã đưa ra sự thật: Ronaldo là linh hồn trong toàn bộ lối chơi của Juventus. Anh không chỉ đóng góp tích cực vào lối chơi mà còn tự mình dứt điểm. Những trang thống kê uy tín đều chấm điểm Ronaldo cao nhất trận.
Tất cả điều ấy không thể đem lại chiến thắng cho Bianconeri vốn đã thắng 12 trận liên tiếp trước đó.
Ronaldo hay nhưng chưa đủ
Con số thống kê sau sẽ khiến tất cả phải suy ngẫm, Ronaldo đã sút tới 11 lần trong trận đấu với Genoa, chiếm hơn một nửa số cú sút mà toàn đội Juve tạo ra (20) và nhiều hơn cả đội khách Genoa (9). Tuy nhiên, CR7 chỉ có được 1 bàn thắng, đạt hiệu suất 9%.
Con số này có ý nghĩa gì? Sự thật là Ronaldo đã được Juve cung phụng trong toàn bộ 90 phút, mọi đường bóng đều hướng tới anh, mọi ưu tiên đều dành cho anh. Tuy nhiên, những gì Ronaldo làm được (về mặt kết quả cụ thể) chỉ là một bàn thắng bằng pha đệm bóng vào khung thành trống ở cự ly chỉ 3 m.
Ronaldo đúng là chơi tuyệt hay, nhưng đi cùng với đó là việc những vệ tinh xung quanh CR7 bỗng “cùn” đi lạ thường. Mario Mandzukic chơi hay như thế nào trong những trận gần nhất bỗng mất hút đến lạ trước Genoa. Chân sút người Croatia không phát huy được điểm mạnh nhất là khả năng tỳ đè đối phương cùng các pha không chiến khi Ronaldo làm thay anh điều đó.
Juan Cuadrado luôn tạo ra đột biến trong các trận đấu trước bỗng chơi bóng như kẻ mất hồn trước Genoa. Tiền vệ người Colombia không thể bứt tốc đoạn ngắn trước khi xộc vào vòng cấm dứt điểm như thói quen của anh, khi Ronaldo cũng làm thay anh điều đó.
Trước Genoa, Juve đã chơi như Real Madrid khi chiều chuộng, tạo mọi điều kiện cho CR7 tỏa sáng. Và việc mất điểm lần đầu tiên trong mùa giải cho thấy sự sai lầm nhất định khi theo đuổi tư duy đó.
Juve đã chiến thắng 12 trận liền vào đầu mùa không bởi tư duy chỉ dựa vào một mình Ronaldo như thế. Juve chiến thắng khi ấy là đội bóng chơi với tư duy tập thể được đặt lên trên hết, và Ronaldo chỉ là một ngôi sao, bình đẳng với những Mandzukic, Dybala hay Pjanic. Ronaldo có thể không ghi quá nhiều bàn, nhưng Juve vẫn thắng.
Thậm chí, cú đúp kiến tạo của CR7 trong chiến thắng 3-1 của Juve trước đối thủ rắn mặt Napoli còn là minh chứng cho một Ronaldo đồng đội thay vì Ronaldo ích kỷ như thế giới vẫn thường thấy.
Nếu như Ronaldo tận dụng được phân nửa số cơ hội anh được đồng đội dọn cỗ trong trận đấu với Genoa, Juve sẽ thắng 6-1, mọi muộn phiền có thể tan biến. Tuy nhiên, sự thực là Ronaldo dứt điểm tồi và khiến Juve trong một giây lơ đễnh đã đánh mất đi lợi thế của mình.
Ronaldo hay? Đúng, CR7 đã chơi tuyệt hay. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để Juve có thể chiến thắng chỉ bằng việc bơm bóng cho anh.
Hành trang nghênh chiến với MU
Giữa tuần sau, Juve của Ronaldo sẽ bước vào trận đấu quan trọng nhất trong giai đoạn vòng bảng Champions League khi gặp MU đang có những dấu hiệu hồi sinh với Mourinho. Trận hòa trước Genoa hiển nhiên không thể là sự chuẩn bị tốt cho trận chiến quan trọng này.
Juve đã mất tập trung trong thời điểm sở hữu mọi điều kiện để có thể chiến thắng và chừng đó là đủ để đối phương trừng phạt họ. Genoa và MU khác nhau hoàn toàn cả về chất lượng đội hình lẫn tinh thần. Nếu Juve tiếp tục không duy trì được sự tập trung tuyệt đối trong suốt 90 phút, Ronaldo và đồng đội có thể sẽ phải trả giá.
MU của HLV Mourinho có sức bật trong quãng ngắn khủng khiếp đến thế nào khi suýt thắng ngược Chelsea dù bị dẫn bàn trước, hay lội ngược dòng trước Newcastle dù bị dẫn tới 2-0 sau 45 phút.
Khả năng bùng nổ đó của MU là không thể xem thường. Nếu Juve và Ronaldo còn tiếp tục phung phí những cơ hội ăn bàn, rất có thể kịch bản tệ khác sẽ tới với Bianconeri. Với trường hợp của Ronaldo, tất cả có lẽ bắt đầu lờ mờ thấy mặt trái của CR7. Đó là việc cung phụng anh hoàn toàn có thể phản tác dụng nếu như không duy trì được sự tập trung tuyệt đối và chính xác trong khâu dứt điểm.
Không phải CLB nào cũng là Real Madrid, nhất là Juve, đội có truyền thống dùng cá nhân để tôn vinh tập thể hơn là làm điều ngược lại trong suốt chiều dài lịch sử.