CĐV Việt Nam đã để lại ấn tượng rất đẹp sau hai giải đấu lớn ở cấp độ U23 năm nay. Họ dành một tình yêu cuồng nhiệt nồng cháy cho đội bóng và cũng ở cạnh đội bóng khi thất bại. Tuy nhiên xen giữa những hình ảnh đó, có một khung hình tuy bình thường nhưng lại rất ấn tượng: Hình ảnh một CĐV trên sân giương bức ảnh ‘chế’ cầu thủ Son Heung Min đi nghĩa vụ.
Hành động này có thông điệp của riêng nó. Nó tương đối đặc biệt trong bức tranh chung của người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Đó là sự công khai tuyên chiến, ra mặt công kích đối thủ, kèm với sự tự tin hết sức vào chiến thắng của đội nhà. Một hành động tiệm cận ranh giới cổ vũ quá khích. Nhưng nó vẫn là một dạng cổ vũ.
Người hâm mộ Bóng đá Việt Nam luôn rất vui vẻ và hiền lành. Trong quá khứ cũng như hiện tại, chúng ta dễ dàng chấp nhận những trận thua trước các đối thủ lớn như Hàn Quốc hay Nhật Bản, chỉ cần nó thuyết phục. Rất ít và rất hiếm khi NHM cay cú vì thất bại. Và thay vì cay cú và thâm thù với đối thủ, các CĐV lại đi chỉ trích trọng tài, ban tổ chức, thành viên đội bóng hoặc chỉ trích lẫn nhau.
Ở một khía cạnh gai góc của môn thể thao vua, đôi khi sự cay cú đã vận hành thế giới. Lazio thù Roma, Schalke ghét Dortmund, Atletico Madrid vươn tầm vì không chịu kém Real Madrid, Rangers vì cay đắng Celtic mà quyết hồi sinh. Sự cay cú đó phần nào thúc đẩy đội bóng phải vươn lên, vượt qua giới hạn để chinh phục đối thủ. Nó cần thiết để làm động lực. Để một ngày kia trả nợ thành công, trước hết anh phải nhớ lấy món nợ hôm nay đã!
Người hâm mộ xưa nay được gọi là cầu thủ thứ 12. Nhưng cầu thủ thứ 12 ở các nền bóng đá phát triển, ngoài việc vẫy cờ, họ đóng góp rất lớn vào cá tính của đội bóng. Những nhóm CĐV quá khích được tổ chức chặt chẽ, gọi là các Ultras, luôn ngồi ở một khu vực riêng là Curva Nord. Ở khu vực mà người ta ví là “Bảy hoàng tử địa ngục đang xem đá bóng”, các nhóm CĐV này nuôi dưỡng một tình yêu bạo tàn với CLB và là những người đầu tiên sẽ ghi nhớ thất bại. Đó là những người luôn đưa ra một cái đích, một kẻ thù cụ thể để tiến đánh. Đó là những cực đoan đã duy trì động lực của đội bóng qua chiều dài lịch sử. Có họ thì cũng phiền đấy nhưng có họ các đội bóng không còn thấy mình nhỏ bé nữa, không còn sợ hãi nữa. Ngược lại, chính đối thủ mới phải sợ.
NHM Việt Nam có lẽ rất không ưa tuyển Thái Lan. Nhưng chúng ta không đại diện cho cái mối thù có thật đó, thay vào đấy, chỉ là chút hả hê khi đối thủ thua. Cuối cùng, trách nhiệm “báo thù” đẩy hết lên vai các cầu thủ, gây ra tâm lý nặng nề và dớp thua cuộc. Hôm qua, trả lời báo giới, HLV Park Hang-seo nói đại ý rằng, tâm lý thi đấu của các cầu thủ Việt Nam không tốt, ta vẫn còn cóng trước Hàn Quốc. Gặp Hàn Quốc, chúng ta vốn đã tư duy yếm thế. Chúng ta cũng lại chưa bao giờ cay đắng vì thua Hàn Quốc và không có ai nuôi dưỡng sự cay đắng thua cuộc qua nhiều thế hệ.
Tình yêu của NHM Việt Nam cũng dữ dội và dịu êm, nhưng là dữ dội dịu êm trong thơ Xuân Quỳnh. Một tình yêu hiền lành, đẹp đẽ và si mê: Thắng thi vui, thua thì nhận riêng mình. Có lẽ trong muôn vàn lời động viên, các cầu thủ cũng cần thấy những CĐV cực đoan, những người sẵn sàng “trù ếm” đối thủ, cùng hứa với nhau sẽ trả nợ kẻ đã loại chúng ta vào một ngày không xa. Nhưng điều này vẫn còn khó, rất khó, khi “Curva Nord” của Tuyển Việt Nam còn trống ghế…
Video tổng hợp trận U23 Việt Nam 1-3 U23 Hàn Quốc (Nguồn tư liệu: Đài truyền hình kỹ thuật số VTC):
(Bạn đọc: Đức Anh)