Ngoài sự có mặt của các diễn viên trong đoàn phim như Isaac, Liên Bỉnh Phát, Tú Quyên trong buổi ra mắt…thì sự hiện diện của những tên tuổi gạo cội như NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu, NSUT Hữu Châu, NS Bạch Long… và hàng trăm nghệ sĩ khác cũng gia thêm phần ý nghĩa cho buổi ra mắt phim lần này.
Cùng hòa vào tinh thần kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương Việt Nam, buổi công chiếu như mang các khách mời về những năm 80 với vẹn nguyên những ký ức về một thời vàng son của “Ông Vua Không Ngai”.
Cuộc đời của mỗi người là một sân khấu
Sau thành công của Cô Ba Sài Gòn với những thành tích đáng nể và được cộng đồng quốc tế đón nhận nồng nhiệt; Ngô Thanh Vân đã cùng với đạo diễn Leon Quang Lê thực hiện Song Lang. Nếu như Tà Áo Dài được xem là Quốc Phục thì Cải Lương đã từng là “Ông Vua Không Ngai” với tiếng mõ trâu song lang vang vọng khắp Nam Bộ. Cải Lương không mới, không hiện đại, không tiết tấu nhanh gọn nhưng Cải Lương vẫn được mến mộ dẫu cho ở thời điểm nào đi chăng nữa. Vốn dĩ Cải Lương không phải là yếu tố thu hút khách ra rạp, cũng không phải là một đề tài dễ chuyển tải lên màn ảnh rộng nhưng ở Song Lang, Cải Lương mang trên mình bao phận đời nghệ sĩ cần được thấu hiểu và sẻ chia.
Liên Bỉnh Phát
Ở gánh hát Thiên Lý nếu tinh tường người xem sẽ thấy có nhiều biến cố gắn với thời cuộc. Khi sự hoàng kim của sân khấu cải lương không chỉ của những người yêu mến nghệ thuật mà còn mang trên mình những trách nhiệm xã hội khác thì sự lịm dần của những người nghệ sĩ âu cũng là tất yếu. Các mối quan hệ chằng chịt xoay quay anh kép hát Linh Phụng và tên giang hồ Dũng “Thiên Lôi” đều là những va chạm trong chính cuộc đời của anh đạo diễn trẻ Leon Quang Lê với những người xung quanh. Phủ nhận những định kiến xã hội là điều mà tận sâu trong tâm khảm Leon Quang Lê muốn thực hiện. Cuộc đời con người như một vở cải lương với đầy đủ những thăng trầm, mỗi người nhập vai và bước ra sân khấu cuộc đời để hoàn thiện các vai trò mà đôi khi chính ta cũng không hề muốn.
“Đời” nhưng đẹp
Tính chân thực trong Song Lang là một trong những điểm sáng khiến người xem khó tính nhất cũng không phải xuýt xoa. Từng góc ánh sáng, màu phim được Bob Nguyễn chỉn chu và tính toán đến từng chi tiết đều khiến khán giả như được trở về với những ký ức của riêng mình. Leon Quang Lê từng rút ruột thổ lộ rằng anh tái hiện Sài Gòn trong ký ức của anh, những gì mà anh cảm nhận được từ vùng đất mà anh từng sống một tuổi thơ vui vẻ với những rạp hát cải lương sáng đèn. Và những chất liệu thô sơ, mộc mạc ấy không làm cho chất điện ảnh trong Song Lang bị lu mờ mà càng nối gần bộ phim với người xem.
Isaac
Song Lang còn ghi dấu sự góp công không nhỏ của chị Nguyễn Thị Minh Ngọc trong vai trò đồng biên kịch khiến cho mạch phim trở nên xuyên suốt không bị nông như những kịch bản sản xuất ồ ạt khác. Từng mỗi cảnh phim đều chất trên nó những ý nghĩa nhất định khiến người xem Song Lang phải dồn hết tâm tưởng rồi đột ngột thở dốc theo từng chuyển biến. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của người kể chuyện bằng nhạc Tôn Thất An như cộng hưởng vào bản tấu chung đầy hoài niệm. Từng mỗi vai trò nhỏ góp cho Song Lang thành một bức tranh tổng thể giàu tính nhạc họa, không xa lạ nhưng cũng không tầm thường.
Song Lang – bước tiến tiếp theo của hành trình mang nghệ thuật bản địa đến gần với giới trẻ
Tiếp nối những bộ phim văn hóa trước, Ngô Thanh Vân không bước đi trên lối mòn với những thành công đã được định sẵn mà “đả nữ” cùng ekip quyết định thử thách sự bền gan vững lòng của chính mình. Bên cạnh tình yêu cải lương cháy bỏng của Leon Quang Lê là những khát khao được mang môn nghệ thuật bản địa đến gần hơn với người trẻ, giành lại vị thế của những bộ môn bản sắc dân tộc trên chính mảnh đất văn hiến. Bỏ ngoài tai các yếu tố về doanh thu, Ngô Thanh Vân đã kiên định với ước muốn làm phim điện ảnh văn hóa của mình mà còn nhắc lại lần nữa vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa Việt trong cả cộng đồng.
Song Lang không dừng lại ở một bộ phim xem xong rồi trôi qua nhanh mất nhưng những lắng đọng, những câu hỏi, những ngổn ngang trong việc lưu truyền Cải Lương vẫn sẽ còn chất chứa trong lòng người xem cho đến sau này. 100 năm vàng son, Cải Lương đã truân chuyên qua bao biến cố dân tộc thế nên dẫu cho có bao lâu đi nữa, người trẻ cũng cần hiểu và gìn giữ bộ môn nghệ thuật này như lời NSUT Hữu Châu dặn dò: “Mình sống, cải lương sống… Một lòng với nhau, nâng niu bộ môn nghệ thuật sang trọng này”. 100 năm lịch sử, dù có thoái trào như một quy luật khắc nghiệt của thời gian thì bộ môn nghệ thuật tinh hoa này vẫn sống trong bao trái tim người Việt từ trong đến ngoài nước.
Lý Mục