Tuyển Brazil ở World Cup năm ấy không đạt thành tích gì nhưng Socrates đi vào huyền thoại bóng đá thế giới với tư cách là một người chơi bóng tài hoa, đại diện cuối cùng cho triết lý bóng đá nghệ thuật.
Nhắc đến Socrates không phải là người viết bài mà là cô chủ quán cà phê bóng đá ở quận 4, TP HCM sau trận Argentina – Croatia rạng sáng 22-6. Cô tiếc thương cho Messi tài hoa phải cam chịu thất bại nặng nề cùng tuyển Argentina trong lối chơi bóng hiện đại nhưng xơ cứng.
Nỗi tiếc thương này cô từng nếm trải khi tiễn đưa chàng nghệ sĩ Socrates rời Espana 82 sau khi bị Ý loại ở vòng đấu loại trực tiếp. Tổn thất ấy tưởng chừng được bù đắp sau khi xuất hiện Messi với lối đi bóng nghệ sĩ và những pha làm bàn tinh tế. Nhưng sự thật phũ phàng, bóng đá hoa mỹ đã bị chôn vùi trong lối đá cơ bắp, lập trình. Messi thậm chí dường như cô đơn ngay chính trong đội tuyển của mình.
Cứ mỗi kỳ World Cup, người ta thêm một lần hy vọng nhìn thấy lại được cách chơi bóng hồn nhiên, cống hiến của các chàng trai – nghệ sĩ. Trên đất Pháp năm 1998, tuyển Croatia đã làm sống lại giấc mơ bóng đá nghệ thuật khi hàng loạt hảo thủ trình diễn lối chơi bóng tuyệt đẹp, ngẫu hứng nhưng không kém phần hiệu quả.
Cái tên gợi nhớ nhiều nhất chính là Davor Suker tinh quái, thản nhiên tâng bóng qua đầu thủ môn Peter Schmeichel nổi tiếng. Pha bóng đẹp đến nỗi nạn nhân của nó vừa vào lưới nhặt bóng vừa giơ ngón tay cái lên khen ngợi.
Xung quanh anh là tiền vệ Zvonimia Boban, Dario Simic, Igor Tudor… cũng ngạo nghễ với các pha bóng đầy kỹ thuật khiến đối thủ phải ngả mũ chào. Tiếp đó là Zinedine Zidane hào hoa đã đưa Pháp đến tận trận chung kết World Cup 2006 trước tuyển Ý đầy xảo thuật. Và sau đó, mọi thứ đã xa vời cho đến khi Lionel Messi xuất hiện.
Bóng đá dần đề cao kết quả lên trên hết. Những gì xảy ra trên sân trở thành thứ yếu để phục vụ cho mục tiêu tối thượng là chiến thắng. Bởi vậy, những chiến thuật như “đặt chiếc xe buýt 2 tầng” trước cầu môn sẽ thường xuyên được áp dụng; sắc bén cỡ như Cavani, Suarez… nhưng sau khi dẫn trước đối thủ cũng lảng vảng mãi ở sân nhà để trở thành… tiền đạo thủ.
Ngày càng xuất hiện nhiều trận bóng rập khuôn công thức đến vô hồn. Hiếm hoi mới thấy một pha đột phá trung lộ, trình diễn kỹ thuật cá nhân xuyên thủng hàng phòng thủ đối phương hoặc những pha phối hợp nhỏ điêu luyện, bất ngờ. Đáng chán chứ, một trận bóng mà bạn phải chứng kiến cả trăm pha “lật cánh, đánh đầu”!
Biết làm sao được khi chính chúng ta – những người hâm mộ – cũng ham muốn đầy thắng thua, tôn sùng thành tích của đội bóng mà mình yêu thích. Nói cách khác, các cầu thủ, HLV và cả các ông chủ đội bóng cũng chiều lòng người hâm mộ của mình đấy thôi. Trách ai được. Một trận cầu không đẹp mắt, dù kết quả thế nào, thì chính khán giả là người thua trận.
May mắn là vẫn còn Messi và còn một cô hàng nước nhớ chàng Socrates…