Theo các chuyên gia, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chính là chìa khóa cho sự phát triển của nền công nghiệp ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp CNHT ngành ô tô trong nước đang đối mặt nhiều khó khăn.
Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp ( Bộ Công Thương) nhận định hiện nay, thị trường CNHT ngành sản xuất ô tô đã hình thành và phát triển với các sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu một số doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhìn chung, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô cung ứng trên thị trường còn kém. Đa số DN nội về CNHT chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7 – 10%, riêng Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đạt 15 – 18%. Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Trong khi, để làm một chiếc ô tô phải cần từ 30.000-40.000 linh kiện.
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra những hạn chế nói trên. Theo T.S Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cho rằng, do mức tiêu thụ ô tô trong nước còn thấp, doanh nghiệp chưa mở rộng thị trường ở ngoài nước, nên thị trường tiêu thụ ô tô còn hạn chế kéo theo thị trường CNHT ngành sản xuất ô tô ở nước ta có quy mô nhỏ, hạn chế khả năng phát triển doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện, trong khi chi phí sản xuất linh kiện ô tô của VN cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, năng lực khoa học – công nghệ của các DN Việt yếu kém; quan hệ giữa nhà lắp ráp và nhà cung cấp phụ tùng linh kiện còn thiếu liên kết.
Ngành công nghiệp ô tô thế giới ra đời từ thế kỷ 18 với sản phẩm đầu tiên là chiếc xe chạy bằng hơi nước thô sơ. Trải qua gần ba thế kỷ, công nghiệp ô tô đã có những bước tiến vượt bậc và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế, khoa học và kỹ thuật phát triển. Từ những dòng xe thô sơ chỉ với vài trăm chi tiết cấu tạo, đến nay, những sản phẩm đời mới ngày càng thể hiện được sự tinh vi, đẳng cấp nhờ trí tuệ, khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển, cũng như mức độ đầu tư của các doanh nghiệp. Mỗi chiếc xe ô tô hiện đại ngày nay được cấu thành từ hàng chục nghìn linh kiện, phụ tùng, tất cả đều đòi hỏi sự chính xác, khớp nối hoàn chỉnh với nhau.
Tại Việt Nam, khi chiếc xe ô tô 4 chỗ “Chiến Thắng” – biểu tượng đầu tiên của ngành công nghiệp ô tô trong nước, lăn bánh trên phố Tràng Tiền – Hà Nội từ những năm 60 của thế kỷ trước, người Việt Nam chúng ta đã đặt nhiều kỳ vọng về một thương hiệu ô tô do Việt Nam sản xuất. Khi đất nước mở cửa, công nghiệp ô tô dù đã manh nha từ những năm 80-90 của thế kỷ trước, Chính phủ và người dân Việt Nam đều hy vọng chúng ta có thể phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa cao. Thế nhưng đến nay, sau 30 năm, dù có nhiều dòng xe hơi xuất xứ từ Việt Nam, song tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp, ngành công nghiệp phụ trợ phát triển chưa tương xứng với quy mô, mà một trong các nguyên nhân là do ngành ô tô trong nước mới dừng ở việc lắp ráp với sản lượng nhỏ cho từng dòng xe.
Xuất phát từ điều này, kể từ khi khởi động dự án sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast vào tháng 9/2017, Tập đoàn Vingroup đã đặt ra bài toán nội địa hóa lên hàng đầu, bởi chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng việc sản xuất ra một chiếc ô tô mới cho thấy dự án ở giai đoạn “trung nguồn”, còn nếu sản xuất ra từng chi tiết với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao mới là đi lên “thượng nguồn” của ngành sản xuất, tạo nên “tác động lan tỏa”, thúc đẩy toàn ngành công nghiệp quốc gia phát triển. Thành công trong sản xuất xe hơi không chỉ dừng lại ở chính nội tại một nhà sản xuất mà phải là sự phối hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ của cả một mạng lưới công nghiệp phụ trợ hoàn hảo. Có thể ví von mô hình này với hình ảnh “đàn sếu bay”, khi đó, các nhà sản xuất ô tô được coi là con sếu đầu đàn, và hàng trăm nhà cung cấp linh kiện là những con sếu phía sau xếp thành một đội hình hoàn chỉnh, tạo ra một nền công nghiệp bền vững.
Có thể thấy một số minh chứng cụ thể. Ví như hình ảnh đàn sếu bay trong công nghiệp phụ trợ của Thái Lan. Năm 2016, Thái Lan có 21 nhà sản xuất ô tô/xe máy với tổng số nhân công khoảng 100.000 người. Với 21 hãng này đã có 690 nhà cung cấp trực tiếp với số lượng nhân công lên tới 250.000 người và hơn 1700 nhà cung cấp thứ cấp với số lượng nhận công trên 420,000 người. Như vậy, 1 nhà sản xuất ô tô với gần 5.000 nhân công tạo ra một mạng lưới các nhà cung cấp với tổng số lao động gấp 7 lần, khoảng trên 30.000 người.
Hiện nay, một tín hiệu đáng mừng là một số DN đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ để sản xuất sản phẩm phụ tùng linh kiện, chi tiết về ô tô. Đã có những DN CNHT đầu tư công nghệ tiến tiến nên đã tạo ra một số sản phẩm đã có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của các DN sản xuất lắp ráp ô tô ở nước ta và đã xuất khẩu.
Là DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ô tô, đại diện Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, để chủ động linh kiện cho sản xuất, hiên tại Công ty đã có khu phức hợp sản xuất, lắp ráp xe ô tô; có 13 nhà máy CNHT, ngoài cung cấp cho Thaco, còn có thể cung cấp cho các DN trong nước.
Tại hội thảo CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ – CHÌA KHÓA VÀNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VIỆT NAM trong khuôn khổ triển lãm Sài Gòn Autotech 2018, ông Võ Quang Huệ – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ rằng Tập đoàn Vingroup nói chung và VinFast nói riêng luôn hướng đến việc phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác, nhà cung cấp, nhằm tăng được tỷ lệ nôi địa hóa, từ đó góp phần xây dựng, phát triển hệ thống các nhà sản xuất linh kiện ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm và đóng góp cho xã hội.