Hành trình xuất ngoại của bộ 3 Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đang có nguy cơ kéo họ thụt lùi về chuyên môn. Gần 3 tháng đã trôi qua, cả 3 vẫn chưa để lại bất cứ dấu ấn nào ở những đội bóng mới của mình. Phải chăng đây là con tính sai lầm của bầu Đức?
[su_dropcap]C[/su_dropcap]uối năm ngoái, NHM bóng đá Việt Nam mừng khôn tả khi lần lượt Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường được các đội bóng nước ngoài ký hợp đồng. Nếu như Công Phượng, Tuấn Anh lần lượt gia nhập Mito Hollyhock và Yokohama FC của giải J.League 2 (Nhật Bản) theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm, thì Xuân Trường còn oách hơn với bản hợp đồng 2 năm cùng CLB hiện thi đấu ở K.League Classic (Hàn Quốc) là Incheon United.
Nên nhớ rằng, ở khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ những cầu thủ sinh ra và lớn lên ở một nền bóng đá phát triển nào đó trên thế giới trước khi trở lại khoác áo một đội tuyển thuộc khu vực, rất ít người có cơ hội sang Nhật Bản hay Hàn Quốc thi đấu. Ngay cả Thái Lan thời điểm này, vốn sở hữu rất nhiều tài năng và vừa đoạt vé tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2018, cũng không có gương mặt nào ra nước ngoài thi đấu… Rõ ràng trường hợp xuất ngoại của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đã mang tới những niềm tin mới cho bóng đá nước nhà.
Tuy nhiên, niềm lạc quan của NHM bóng đá Việt Nam với sự kiện bộ 3 “gà nòi” nhà bầu Đức xuất ngoại ngày càng với dần đi, thậm chí bắt đầu có dấu hiệu thất vọng. Đơn giản, cả 3 chưa để lại bất cứ dấu ấn nào ở những đội bóng mới, thậm chí còn không có cơ hội thể hiện mình. Nhiều người có quyền nghi ngờ, Mito Hollyhock, Yokohama FC và Incheon United ký hợp đồng với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chỉ nhằm đánh bóng thương hiệu, chứ không hề có ý định sử dụng họ như một phần trong chiến dịch của mùa giải.
Tuấn Anh – tiền vệ có khả năng cầm bóng tốt nhất Việt Nam hiện nay, chưa đá chính thức bất cứ phút nào cho Yokohama FC. Cách đây ít giờ, khi Yokohama FC tham dự trận đấu giao hữu với Mito Hollyhock, Tuấn Anh ra sân ngay từ đầu, nhưng thi đấu mờ nhạt trước khi bị thay ra ở phút 68. Theo một thành viên Ban huấn luyện cũng như một CĐV Yokohama FC thì Tuấn Anh vẫn còn hạn chế lớn về thể hình và thể lực.
Ngoài ra, việc chưa thành thạo tiếng Nhật cũng khiến Tuấn Anh khó giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng thích nghi và tiến bộ trong chuyên môn. Cần phải biết, bản tính của tiền vệ gốc Thái Bình vốn đã hướng nội nên càng ít khi giao lưu với các đồng đội và thầy mới. Chẳng có gì ngạc nhiên nếu cuối mùa, Tuấn Anh bị trả lại HAGL mà chẳng có thêm sự tiến bộ nào.
Công Phượng cũng có tên trong đội hình Mito Hollyhock tham dự trận đấu với Yokohama FC, nhưng không ra sân phút nào. Theo nguồn tin từ Mito Hollyhock, chấn thương vai của Công Phượng chưa bình phục hoàn toàn nên họ không muốn mạo hiểm. Nhiều khả năng, tiền đạo gốc xứ Nghệ chỉ có thể đủ thể lực ra sân sau 1 tuần nữa. Khi tái xuất sân cỏ, Công Phượng sẽ phải cần từ 1-2 tháng làm quen với đội bóng mới. Mà 1-2 tháng nữa cũng là thời điểm giữa mùa giải, tức anh sẽ chỉ có khoảng nửa năm chơi bóng thực sự. Nửa năm ấy rõ ràng là quá ít để Công Phượng có thể học hỏi, nâng cao những khả năng của bản thân trước khi trở lại HAGL.
Còn trường hợp của Xuân Trường, thực sự quá khó để anh có cơ hội đá chính ở Incheon United. Đúng là trong trận đấu của Incheon United tại giải R.League mới đây, tiền vệ người Tuyên Quang đã ra sân và tỏa sáng với 1 đường kiến tạo thành bàn. Nhưng để chơi chính thức ở K.League lại là một chuyện hoàn toàn khác. Qua 4 trận mùa này, Incheon United toàn thua và bị xếp vào nhóm có nguy cơ xuống hạng cao nhất. Trong bối cảnh như thế, HLV Kim Do-Hoon chẳng dại gì mà tung một cầu thủ vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu thể lực và thể hình như Xuân Trường vào sân. Có lẽ chỉ khi nào Incheon United vào nhóm an toàn, khi ấy cơ hội mới đến với Xuân Trường, còn không anh sẽ phải đánh bóng ghế dự bị dài dài.
[related_posts_by_tax format=”list” taxonomies=”post_tag” posts_per_page=”10″]