Mới đây thôi, cựu huấn luyện viên huyền thoại của CLB Manchster United đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Đây là thông tin gây sốc thực sự với những người yêu bóng đá vì chỉ mới tuần trước, HLV người Scotland vẫn còn tươi cười trên thảm cỏ Old Trafford để tri ân người đồng nghiệp Arsene Wenger.
Và cũng không lâu sau khi thông tin này được lan rộng, đã có rất nhiều những lời động viên chia sẻ từ các cựu đồng nghiệp, cựu học trò dành cho Sir Alex Ferguson.
Đã từ lâu, người đàn ông mang biệt danh “máy sấy tóc” không còn xuất hiện nhiều trước công chúng sau khi nói lời chia tay bóng đá vào năm 2013. Tất nhiên, dù chia tay với sân Old Trafford nhưng chắc chắn ông đã khắc ghi trong tâm trí NHM Man Utd những dấu ấn không thể nào quên, không chỉ về những danh hiệu hay phong cách chỉ đạo trên sân cỏ mà còn là tấm gương về nhân cách sống không một mỹ từ nào có thể diễn tả hết.
Với riêng những người Việt Nam, ngày ông đến M.U cũng là những tháng ngày đầu tiên đất nước hình chữ S chuyển từ chế độ bao cấp sang thời mở cửa. Dĩ nhiên, chẳng ai biết ông là ai. Thậm chí, những người Anh cũng chẳng quan tâm nhiều cho đến trước năm 1992. Chẳng thế mà các CĐV The Kop với tấm biểu ngữ khiêu khích đội bóng đến từ thành phố công nghiệp Manchester cũng chỉ có M.U và Eric Cantona chứ nào có người đàn ông này.
Ấy vậy mà điều đó lại hay, Sir Alex khi đó chỉ là Alex Ferguson, dẫn dắt một M.U non trẻ với những Giggs, Beckham, Scholes, Butt, Neville… đến đỉnh cao của danh vọng và đem đến sự kính trọng tột bậc dành cho thầy lẫn trò, và dĩ nhiên, nâng cao vị thế đội bóng, đưa Man United trở thành một thế lực đáng gờm của bóng đá châu Âu.
Beckham liệu có thành số 7 huyền thoại nếu anh chơi tại West Ham? Giggs có thành “tứ thập gia” chơi bóng nếu sống ở Man City? Và thậm chí có ai biết đến một đội bóng “làng nhàng” với 7 chức vô địch nước Anh trong quá khứ? Không ai biết chắc điều này nhưng có một điều khẳng định: lịch sử đã thay đổi từ khi người đàn ông với cái tên Alex Ferguson xuất hiện ở Old Trafford.
13 chiếc cúp Ngoại hạng Anh, 2 chức vô địch Champions League, đơn giản chỉ là danh hiệu và nó có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Với tất cả, Sir Alex Ferguson là một thực thể bất diệt. Ông biến Man United thành một thương hiệu bóng đá số một thế giới, bất chấp Real Madrid, Barcelona và Bayern Munich có thành công đến đâu.
Thước đo sự vĩ đại của M.U không bao giờ là danh hiệu, bởi đơn giản Manchester United luôn là cái tên được chú ý hơn bất cứ thương hiệu bóng đá nào dù họ thành công hay thất bại trên sân cỏ. Điều mà Sir Alex đã dày công xây dựng sau gần 3 thập kỷ gắn bó với đội bóng.
Có thể ông đã thất bại vào năm 1999 trong trận chung kết Champions League với Bayern Munich, cũng có thể ông đã giành chiến thắng trước Barcelona 2009 với một bàn tay không run bần bật… nhưng thực tế thì ngược lại, đời người ai lại không có thất bại, ai lại có thể hoàn hảo mãi được.
Nhiều người cho rằng M.U thắng Bayern Munich bằng hai bàn thắng “rùa” nhất lịch sử nhưng họ đâu biết rằng cả Scholes và Roy Keane đều phải vắng mặt ở trận đấu trên sân Nou Camp? Rồi thì Bayern cũng vô địch 2 năm sau đó.
M.U thua Barcelona trên sân Wembley, người ta lại nói rằng đây mới là “cá tính” thật sự của M.U. Ngay cả HLV trưởng còn sợ run tay thì các học trò lấy gì chiến đấu? Nhưng họ cũng chẳng biết rằng một Barcelona với bộ ba siêu sao Xavi – Iniesta – Messi đang trong giai đoạn đỉnh cao mang ra đối đầu với Rooney, Chicharito, Evans, Rafael, O’shea thì có gì là khó hiểu? Và rồi Barca cũng thua Inter Milan sau đó.
Để thua Chelsea hai mùa liên tiếp thời điểm Jose Mourinho mới đến cũng là lúc cựu HLV người Scotland thay đổi toàn diện với những Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney và mang lại đỉnh cao cho M.U là điều những Wenger hay Benitez không bao giờ làm được.
Cũng để thua “gã hàng xóm” ồn ào Man City trong những giây cuối cùng mùa giải 2011 và sau đó rất nhanh chóng với Van Persie cùng danh hiệu thứ 20 là quá đủ để tạo nên một lịch sử vĩ đại. Rất tiếc, chỉ với những con người hậu Ronaldo thực sự chưa đủ tầm để xưng vương tại Châu Âu, dù rằng chiếc thẻ đỏ oan nghiệt của Nani đọng lại nhiều tiếc nuối.
Những gì diễn ra ở Man Utd thời Sir Alex đã là một khuôn mẫu hoàn hảo. Không có sự rắc rối nội bộ cũng như quá nhiều vấn đề về chuyên môn, những cầu thủ đến với M.U chơi thứ bóng đá tận lực đúng nghĩa, cống hiến hết mình vì lý tưởng của Sir Alex và đội bóng.
Diễu hành ăn mừng trên đường phố đã là những sự kiện mang tính định kỳ, cá nhân cầu thủ vẫn là bộ khung từ thế hệ 92 với bộ đôi Scholes, Giggs cho đến lúc Sir Alex rời đi. Chẳng phải đơn giản họ luôn thốt ra câu: “Nếu muốn có tôi, hãy mua cả câu lạc bộ.” mỗi khi được hỏi về tương lai.
Chúng ta có thể so sánh lòng trung thành đó với những người Catalan nhưng đây là Anh quốc chứ không phải một vùng tự trị với những con người lăm lăm “vũ khí” trung thành để chống lại thế lực “ngoại xâm”.
Cuối cùng, những đối thủ không đội trời chung như Arsene Wenger, Rafa Benitez, Jose Mourinho cuối cùng cũng chỉ còn cách “giao hảo” và “kính trọng” con người này vì những điều vĩ đại ông đã viết nên ở Man United.
Ông tạo ra một đội bóng tỏa sáng đúng nghĩa, một đội bóng nhiều lần khiến cho NHM trải qua những cảm giác “chết đi sống lại” rồi vỡ òa trong sung sướng ở “Fergie’ s Time”. Ông cũng khiến cái tên Manchester United từ xuất phát điểm thấp trở thành một thương hiệu vượt ngoài tầm bóng đá, đó là điều hiếm có một HLV nào làm được cho đến tận bây giờ.
Ông đã chiến thắng rất nhiều trận đấu khó khăn và xin hãy chiến thắng nghịch cảnh thêm một lần nữa!