Với số lượng sản xuất chỉ 349 chiếc trên toàn Thế giới, siêu xe Ferrari F50 luôn là món “hàng hiếm” được nhiều nhà sưu tập xe săn lùng.
Chỉ vỏn vẹn 2 năm trong khoảng thời gian từ năm 1995 tới 1997, đã có tổng cộng 349 chiếc F50 được Ferrari sản xuất – ít hơn 1 chiếc so với dự định ban đầu của hãng. Sau F50, Ferrari đã tiếp tục tung ra những siêu xe đầu bảng thay thế F50 như Enzo Ferrari và sau nữa là LaFerrari.
Sau “huyền thoại” Ferrari F40 xuất hiện vào năm 1987, siêu xe Ferrari F50 lần đầu chính thức được giới thiệu ra thị trường vào năm 1995 tại triển lãm Geneva lần thứ 63 cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập hãng siêu xe Ý. Mỗi chiếc F50 hiện nay nếu còn trong tình trạng tốt sẽ luôn có giá lên tới 7 chữ số tính bằng các ngoại tệ mạnh.
Kế thừa trách nhiệm của F40 để trở thành chiếc siêu xe đầu bảng tiếp theo của Ferrari, F50 đã được trang bị hàng loạt các công nghệ mới nhất, được chế tạo hoàn toàn thủ công và lấy cảm hứng từ xe đua F1.
Mọi chiếc F50 đều được bán với cấu hình thân xe targa mui trần với mui cứng có thể tháo lắp được, chỉ trừ 2 phiên bản “hàng độc”: F50 Bolide cho Quốc vương Brunei và bản đua F50 GT.
Có thể coi F50 là siêu xe thể thao “thuần chất” cuối cùng của Ferrari khi nó đã hoàn toàn hướng người lái tới trải nghiệm sau tay lái như xe đua công thức 1 mà không có các hệ thống điện tử hỗ trợ hay tiện nghi. Điều này được thể hiện rất rõ từ nội thất của xe.
Siêu xe Ferrari F50 sở hữu một thiết kế đầy hấp dẫn nhưng hiệu quả trên cả đường đua lẫn đường phố với thân xe có cấu trúc nguyên khối (monocoque) bằng sợi carbon cùng các bề mặt uốn lượn “sexy” và một cánh đuôi lớn được tích hợp thẳng vào thân xe.
Để giảm trọng lượng một cách tối đa, các tấm ốp cửa cũng được làm từ sợi carbon. Ferrari thậm chí còn không trang bị cho F50 cửa kính điều khiển điện, thay vào đó là tay quay như những mẫu xe “rẻ tiền” vào lúc đó.
Xe sở hữu khối động cơ V12 4.7 lít nạp khí tự nhiên với tổng số van nạp/xả lên tới 60 chiếc, do mỗi xi-lanh có tới 5 van. Đây chính là khối động cơ của mẫu xe đua công thức 1 Ferrari 641 vào năm 1990, nhưng được cải tiến để dành riêng cho F40. Nhờ đó, siêu xe huyền thoại Ferrari F50 có thể sản sinh công suất tối đa lên tới 513 mã lực và mô-men xoắn cực đại 470 Nm. Sức mạnh được truyền tới cầu sau thông qua hộp số sàn 6 cấp. Với trọng lượng khô chỉ 1230 kg, F50 có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 3,7 giây và đạt tốc độ tối đa 325 km/h.
Nhờ vào bố trí động cơ đặt giữa, khoang hành lý của xe được chuyển lên phần đầu. Tuy nhiên khoang hành lý này cũng chỉ có thể chứa được một túi du lịch nhỏ xách tay và một bộ dụng cụ sửa chữa, do đây là vị trí đặt quạt tản nhiệt cho chiếc xe.
Bộ phụ kiện đi kèm F50 cũng rất quan trọng khi ngoài các dụng cụ như cờ-lê, kìm, tuốc-nơ-vít…, nó còn kèm theo một móc tháo lắp nhanh để phòng trường hợp khi cần kéo xe, cùng với một loạt các bóng đèn và cầu dao thay thế cho hệ thống điện cùng hệ thống chiếu sáng.
Đặc biệt, nếu như lỡ làm mất khóa mở trong bộ phụ kiện này, chủ xe sẽ không có cách nào để tháo bánh của F50 khi cần sửa chữa dọc đường, do nó sử dụng ốc vặn trung tâm “hàng thửa”.