Trên các trang mạng xã hội, người ta đã bắt đầu viết bài khóc thương cho số phận hẩm hiu của Antonio Conte. Mới 1 năm trước, ông được phong thánh ở Stamford Bridge. Sơ đồ 3 hậu vệ mà Conte mất tới 3 ngày quyết liệt đấu tranh với Roman Abramovich được đưa vào áp dụng, đã bất ngờ trở thành vũ khí hủy diệt lợi hại nhất Premier League.
Nó phổ biến tới mức vào tháng 12/2016, theo thống kê của Daily Mail, có tới 17 đội trong 20 đội bóng ở Premier League đã từng đập bỏ sơ đồ 4 hậu vệ, bắt chước phong cách bố trí đội hình của Conte. Đến cả huấn luyện viên bảo thủ nặng như Arsene Wenger cũng từng cho Arsenal đá 3 hậu vệ.
Kể lại chi tiết này để thấy Conte đã từng được ngưỡng mộ đến nhường nào. Nhưng giờ đây, ông lại đang trở thành tội đồ của Chelsea. Nếu “The Blues” không có vé dự Champions League mùa tới, tội vạ sẽ đổ hết lên đầu HLV người Italy.
Antonio Conte thật đáng thương. Đáng thương là bởi ông là một người làm chuyên môn thuần túy, nhưng lại chịu không biết bao nhiêu áp lực phi chuyên môn. Áp lực từ những ông chủ lắm yêu cầu của Chelsea, áp lực phải xây dựng một đội hình mà những tân binh thực tế không phải do ông đề xuất đưa về (Conte muốn mua Lukaku, nhưng rốt cuộc lại phải dùng Morata).
Áp lực từ những sát thủ giấu mặt trong phòng thay đồ. Chelsea có truyền thống cưa ghế huấn luyện viên một cách thầm lặng và cũng sở hữu rất nhiều “tay cưa” lành nghề. Cứ thử nghĩ mà xem, trên tư cách người thầy, nhưng Conte cứ phải ngọt nhạt với đám học trò ngôi sao để họ khỏi dỗi, thử hỏi làm nghề như vậy thì sống sao nổi.
Tuy nhiên, áp lực lớn nhất phải kể đến chuyện thỉnh thoảng, truyền thông Anh lại đưa tin Conte sắp bị sa thải. Tại vòng bảng Champions League, HLV Carlo Ancelotti chỉ đơn thuần tới dự khán một trận đấu của Chelsea trên tư cách khán giả, mà đã bị đồn thổi là sắp về thay Conte.
Vấn đề là người hâm mộ Chelsea chào đón thông tin này rất nhiệt tình, như thể Conte là người vô hình vậy. Đứng từ phía Conte mà nghĩ dù có lao tâm khổ tứ đến mấy, mà CĐV vẫn không yêu quý, không ủng hộ thì cố tiếp làm gì?
Từ phía những người ủng hộ Conte mà đánh giá thì vây quanh HLV người Italy toàn những kẻ bội bạc. Rời Chelsea, Conte sẽ được trân trọng hơn ở ngôi nhà mới. Nghe từ hai tai, nhìn từ nhiều phía, Conte quả có đáng thương, nhưng thực tế thì chính Conte đã tự đẩy bản thân vào tình huống trớ trêu hiện tại.
Huấn luyện viên người Italy đang phải vật lộn với tiền đạo chân gỗ Alvaro Morata. Ông trách Chelsea bị MU cướp mất Lukaku, thì có bao giờ tự trách mình đã lạnh lùng loại Diego Costa một cách khó hiểu hay không? Costa mới thật sự là mẫu tiền đạo ác mộng của Premier League, nhưng Conte kết liễu anh chỉ bằng một tin nhắn (và ông còn công khai tin nhắn đó). Nói trắng ra thì Conte đã tự chặt chân của mình.
Conte còn trách Chelsea mua sắm cầu thủ không theo ý muốn của ông (vụ Bakayoko là điển hình). Vậy có bao giờ Conte nghĩ vào thời điểm Chelsea cần nghe tư vấn thì ông ở đâu? Sau khi mùa bóng 2016/17 kết thúc, Conte vì dỗi ban lãnh đạo Chelsea, đã trốn khỏi nước Anh, đi nghỉ mát suốt cả tháng trời.
Vào thời điểm đó tờ Daily Mail còn đăng tin Chelsea muốn liên hệ với Conte phải thông qua người đại diện của ông. Quá rõ ràng, tự Conte đã cắt đứt mọi liên lạc với Chelsea, nên chuyện “The Blues” mua sắm ngoài ý muốn của Conte cũng là dễ hiểu thôi.
Trong mùa bóng này, Conte không ít lần tỏ thái độ bất hợp tác với các sếp “The Blues”. Điển hình là câu chuyện cách đây 1 tháng. Abramovich bật đèn xanh để Conte được ở lại thêm một mùa nữa, nhưng với điều kiện “Conte không được phép than vãn gì thêm về chuyển nhượng nữa”.
Chỉ sau đó vài ngày, vị huấn luyện viên người Italy lại lên báo khóc lóc về chuyện không đủ quân số. Vậy là “bật” Abra rồi còn gì. Nói chung, Conte và Chelsea là mối lương duyên không nên bén ngay từ đầu. Đất không chịu trời và trời thì cũng chẳng chịu đất. Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên thôi.