“Em không còn gì để khai thác đâu anh ơi” là câu mở đầu của Lan Ngọc. Tôi phải “trấn an” rằng mục đích của cuộc nói chuyện là để thoát “chán” trong buổi sáng trời xám xịt và mưa lâm thâm như thế này. Nghĩa là tôi không chán khi hỏi, Ngọc không chán khi trả lời. Nếu có thêm tí may mắn, người đọc biết đâu sẽ không ngủ gật trong câu chuyện miên man từ thuở Ngọc còn là cô bé múa mâm vàng đến Ngọc ở thì hiện tại, đến cả Nương, Lụa và Thúy, những cuộc đời khác mà cô gái 9X hồn nhiên này đã đi qua.
TỪ NHỎ EM ĐÃ THÍCH ĐƯỢC NỔI TIẾNG
Hồi nhỏ em có năng khiếu nghệ thuật nào không?
Dạ có. Em theo múa dân gian, lật mâm vàng lia lịa ‘ngầu’ lắm đó anh, rồi diễn kịch trên truyền hình. Em cũng thích hát. Nếu hát hay chắc em đã thành ca sĩ.
Vậy sao lại là diễn viên?
Học xong lớp 12 em không biết thi vào trường nào. Em muốn làm nghề nào không phải ngồi một chỗ vì em thích đi lòng vòng, ngồi im một chỗ chán lắm. Ba hướng em theo ngành công an tiếp nối truyền thống gia đình, mẹ lại hướng theo nghệ thuật vì mẹ thấy em có khiếu. Vậy là em thi hết hai trường theo ý ba mẹ. Em thích làm cảnh sát giao thông. Hồi nhỏ, em rất tự hào mỗi khi thấy ba lái xe đi làm về, oai thiệt là oai. Còn trường sân khấu điện ảnh ban đầu em đăng ký thi “chơi chơi” thôi, vì em nghe mấy chị đi trước nói thi khó lắm. Mà đúng là khó và cực lắm anh ơi, chưa có trường nào thi đến bốn ngày. Em thi được nửa chừng mệt quá định bỏ ngang, gọi điện về xin ý kiến mẹ bị mẹ la quá trời, đành phải “chui vô” thi tiếp.
Cuối cùng em đậu trường nào?
Em đậu hết cả hai trường. Đậu xong phân vân không biết theo trường nào. Ba thuyết phục em chọn trường công an, vì ba nói không có nghề nào con gái được tôn trọng bằng nghề công an. Hơn nữa, em lại là đứa con gái đầu tiên của gia đình trúng tuyển vào trường công an nên ba rất hãnh diện. Ba làm công tác tư tưởng cho em liên tục. Lúc ba đi vắng, mẹ tranh thủ khuyên em chọn nghệ thuật vì mẹ sợ em phải lăn lê bò toài cực khổ. Cuối cùng em chọn trường điện ảnh, vì lỡ thích hào quang của nghề diễn.
Hào quang đó như thế nào?
Đơn giản là em thích nổi tiếng chứ không suy nghĩ gì hết. Lúc nhỏ tham gia đội múa, em chỉ thích múa một mình. Nếu múa với nhóm em muốn được là người múa chính, được đứng đâu đó trước các bạn. Giờ kể ra anh thấy mắc cười nhưng thật sự lúc đó em thích như vậy. Nên em chọn nghề diễn viên vì những cái em nghĩ là hào quang ở phía trước, ví dụ như em được nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Ánh hào quang đó cứ lấp lánh và có sức hấp dẫn kỳ lạ nào đó cuốn em theo. Vậy là em cứ theo thôi.
SHOWBIZ LÀ ĐỨNG CHỤP HÌNH RỒI VỀ
Ánh hào quang lấp lánh đó đã mang đến một cơn mưa vàng cho vai Nương, từ giải Mai vàng của báo Người lao động đến Cánh diều vàng, Bông sen vàng tại Liên hoan phim quốc gia. Bây giờ nhìn lại, những giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với em?
Đối với em, giải thưởng chỉ mang tính thời điểm. Tại thời điểm đó, vai diễn đó được khán giả và nhà chuyên môn tôn vinh bằng các giải thưởng, xem như sự ghi nhận đối với những nỗ lực của người diễn viên.Vai Nương mở ra cho em một con đường, đưa em tới khán giả và các giải thưởng, nhưng hai năm sau đó em rơi vào khủng hoảng.
Vì sao lại thế?
Vì em không biết phải làm gì sau vai Nương, khi một loạt những vai giống Nương đến với em. Em hoàn toàn không biết em phải lựa chọn như thế nào để không làm mất đi những gì vừa có. Mỗi người chỉ em một hướng khác nhau càng làm em hoang mang. Rồi sự nổi tiếng nữa! Hồi nhỏ, em thích nổi tiếng nhưng không nghĩ đến áp lực của nổi tiếng, và nhất là của showbiz. Lúc đó, showbiz đối với em đơn giản là đứng chụp hình rồi đi về, ngoài ra em không biết gì hết. Trong hai năm đó em đi casting phim nào rớt phim đó. Anh thấy không, cơn mưa giải thưởng đâu phải lá bùa hộ mệnh. Đạo diễn chọn diễn viên vì khả năng diễn xuất, vì cô ấy hợp vai chứ đâu phải vì cô ấy có “bộ sưu tập” giải thưởng cất trong tủ.
Bây giờ em chọn vai diễn như thế nào?
Giờ em chủ động tìm kiếm vai diễn chứ không ngồi chờ vai diễn đến với em như trước đây. Em năng động hơn nhiều. Nhưng để tìm ra vai diễn phù hợp với em trong tình hình hiện nay không đơn giản chút nào.
EM CHỌN VAI HOA TRONG GÁI NHẢY
Em có nhắc đến múa, nếu không là diễn viên điện ảnh em có là diễn viên múa? Biết đâu sẽ nhẹ nhàng hơn không?
Em học múa dân gian từ năm lớp 5 đến lớp 9. Khi vào trường điện ảnh em học tiếp hai năm múa ba lê chuyên nghiệp với thầy Trần Lai bên trường múa. Thầy Lai rất thương em, thầy lưu giữ hết những bài báo đăng về em. Thầy nói nếu em không làm được diễn viên điện ảnh thì hãy quay về với múa vì thầy thấy em có khiếu. Tuy nhiên, hiện giờ em vẫn còn rất yêu phim.
Có hai diễn viên nổi tiếng xuất thân từ múa ba lê chuyên nghiệp. Giả sử nếu em được lựa chọn, sau vai Nương trong Cánh đồng bất tận, em sẽ chọn vai nào trong hai vai sau đây để “vượt lên chính mình”, một là vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh do NSƯT Lê Vân thể hiện, hai là vai Hoa trong Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng do NSƯT Mỹ Duyên thể hiện?
Em sẽ chọn vai Hoa của chị Mỹ Duyên, vì vai này có những nét giống và khác so với vai Nương và chính bản thân em. Nét giống nhất của Hoa và Nương đó là sự trong sáng, mặc dù sự trong sáng của Hoa không dễ dàng nhận ra ngay được như của Nương. Còn nét khác đó là đời sống của Hoa khác hoàn toàn so với đời sống của Nương và của em. Điều đó là thách thức em muốn vượt qua, vì em thật sự thích những vai bi, vai cá tính mạnh. Em diễn vai bi không dễ như nhiều người nghĩ đâu, có lẽ vì cuộc sống riêng của em khá yên ấm, nhưng em nghĩ diễn viên nào cũng thích ‘thử thách’ với những vai khác mình. Còn đối với vai Duyên của cô Lê Vân, về phân tích tâm lý nhân vật để nhập vai em có thể làm được. Nhưng về ngoại hình, ở thời điểm này em chưa phù hợp với vai Duyên. Muốn đóng vai này chắc em phải đợi thêm chút nữa.
Vai Hoa là cuộc “lột xác” thành công của chị Mỹ Duyên sau những vai hiền, vậy vai Lụa trong Vừa đi vừa khóc có phải là cuộc “lột xác” thành công của em?
Em nhận vai Lụa chỉ vì em muốn hợp tác với bác Đãng (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng – PV). Sau hai năm “đóng cửa”, em không diễn được như trước nên em rất cần một người đạo diễn giỏi dẫn dắt em trở lại. Ban đầu nhận vai em cũng buồn lắm, vì em thấy vai Lụa không có gì để diễn. Bác Đãng chỉ nói nhân vật cần nhí nhảnh và hài hước rồi thôi. Nhiệm vụ của em là nát óc nghĩ cách sáng tạo nhân vật theo đúng yêu cầu của bác. Những chiêu trò của Lụa trên phim do em tự nghĩ ra hết đó. Em sáng tạo được nhiều cái hay hay cho Lụa chắc vì khi trở lại với nghề em hòa đồng, vui vẻ hơn với mọi người trong đoàn, chứ trước đây em chỉ ngồi im quan sát. Còn nếu nói em “lột xác” thành công trong vai Lụa em nghĩ cũng có phần đúng, vì Lụa được khán giả chấp nhận và yêu thích là em đã thành công rồi.
Ví dụ nếu không phải Lụa mà là Thêu em nghĩ sao?
Em may mắn khi nhận vai Lụa, vì Lụa “vừa” với em hơn Thêu.
Đến thời điểm này Lụa là một vai thành công của em, nhưng em nghĩ sao nếu có ý kiến khắt khe cho rằng Lụa là một bước lùi của Ninh Dương Lan Ngọc?
Trước đây em không dám diễn hài đâu, lên sân khấu em “đơ” liền, khán giả cười không nổi. Lụa là cú liều đầu tiên của em cho vai hài nên có bao nhiêu “tinh hoa” em trút hết vào Lụa rồi. Diễn hài rất khó, vì cái duyên và cái lố chỉ cách nhau chút xíu thôi, trật một phát là lố liền. Cho nên thật ra em không lo khán giả sẽ không thích Lụa như Nương, vì em tin khán giả sẽ hiểu. Em chỉ lo em “hết vốn” không thể diễn được vai hài nào nữa thôi.
EM MONG NƯƠNG Ở LẠI HOÀI
Vai diễn mới nhất của em trong Xin chào Thúy dự kiến ra mắt khán giả tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội cuối năm 2014 (Đến thời điểm này, phim vẫn chưa công chiếu tại Việt Nam-PV), điều gì khó khăn nhất khi thể hiện nhân vật Thúy, một cô gái Việt làm dâu xứ Hàn?
Em phải thoại bằng tiếng Hàn, đó là điều khó nhất. Tuần đầu tiên em không diễn được do không cảm được tiếng Hàn. Khi không cảm được ngôn ngữ mình nói, khi cái ngôn ngữ đó chưa thấm vào mình thì sẽ không có cảm xúc để diễn. Bác đạo diễn thậm chí đã nghi ngờ khả năng diễn xuất của em, mặc dù bác qua Việt Nam để chọn em vào vai sau khi xem Cánh đồng bất tận. Bản thân em rất buồn và áp lực vì đây là phim đầu tay của bác, một người đạo diễn bắt tay thực hiện niềm đam mê khi đã lớn tuổi. Em còn trẻ, lại có điểm khởi đầu quá tốt, nên em phải cố gắng vượt qua “chướng ngại vật”.
Được hóa thân thành cô dâu Việt ở đất khách và có ít nhiều trải nghiệm thực tế, em có chia sẻ gì với các bạn gái trước khi quyết định làm dâu xứ người?
Trước hết, các bạn phải tự bảo vệ được cho mình, không nên phụ thuộc vào gia đình chồng. Tự bảo vệ bằng cách cơ bản nhất là biết tiếng Hàn, vì thật ra ở bên đó cũng có khá nhiều cơ quan hỗ trợ cô dâu nước ngoài. Điều thứ hai, đừng nghĩ Hàn Quốc là thiên đường, là cuộc đổi đời của các bạn. Đó cũng là lời nhắn gửi của các chị làm dâu Hàn Quốc khi em đến thực tế. Các chị mong muốn qua vai Thúy của em, các cô gái Việt Nam sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống nơi xứ người. Em rất mong Xin chào Thúy sẽ đến được với những khán giả thật sự của phim, những khán giả cần được nhìn thấy thực tế cuộc sống làm dâu. Một bộ phim điện ảnh đầu tay có thể không nói lên hết được các vấn đề đâu, thực tế gai góc hơn rất nhiều.
Nhưng không lẽ không có một trường hợp tươi sáng nào sao?
Có chứ anh, ví dụ như chị phiên dịch cho em trong quá trình làm phim. Chị ấy lấy chồng từ năm 17 tuổi và cố gắng học lên thạc sĩ, dù trước đó không học hành gì hết. Bây giờ chị ấy làm phiên dịch, tự nuôi sống được mình. Đó là một trường hợp tươi sáng mà em biết.
Vì em nhắc đến tươi sáng nên quay trở lại với Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, phim kết thúc với cảnh Nương bình an đi giữa cánh đồng với đứa con tên Thương trong bụng. Bây giờ nhớ lại cảnh quay đó, em cảm thấy như thế nào?
Khi quay cảnh đó dưới cái nắng 12 giờ trưa, em phải diễn được vẻ thảnh thơi của Nương sau tất cả những chuyện buồn đã qua. Nhớ lại thời gian quay phim em cảm thấy may mắn vì không phải ai cũng có một mở đầu với quá nhiều kỷ niệm đẹp như vậy. Em mong Nương sẽ ở lại hoài trong lòng khán giả.
Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn. Em nghĩ sao về câu này?
Em thích câu đó lắm. Nhưng là trẻ con, em chỉ mong người lớn có thể tha thứ cho lỗi lầm của em. Vì trẻ con dù có lớn mấy đi nữa thì vẫn là trẻ con, vẫn luôn cần sự rộng lượng của người lớn cho những vụng về, nông nổi của mình.
Bài phỏng vấn này được thực hiện giữa năm 2014, khi Ngọc trở lại màn ảnh nhỏ với Vừa đi vừa khóc. Nhóm thực hiện gặp Ngọc trong quán café nhỏ ở khu chung cư bên quận Tư, nơi Ngọc thuê nhà trọ. Về hình ảnh, chúng tôi chọn cho Ngọc phong cách hiện đại, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp trong sáng, đặc biệt là sự rụt rè của em ở thời điểm đó, chứ không chủ đích “biến” em thành một người hoàn toàn khác. Giờ đây, Ngọc đã là Quán quân Bước nhảy hoàn vũ 2015, cuộc thi đã giúp những tên tuổi như Ngô Thanh Vân, Thu Minh, Minh Hằng… khẳng định tài năng trong showbiz Việt. Ngọc rồi sẽ đứng trước những cơ hội lớn, có thể trở lại thời kỳ vinh quang của Cánh đồng bất tận, có thể vụt thành một ngôi sao lớn của ngành giải trí, sống được bằng nghề như mong muốn của em. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng Ngọc vẫn là Ngọc của ngày hôm qua, hồn nhiên, trong trẻo và tiếp tục ghi dấu ấn bằng những vai diễn hay.
Text: Vũ Văn – Photo: Nick Nguyễn – Stylist: Đinh Thành Long – Makeup: Kuny Lee – Costume: Mango – Accessories: Accessorize, Cashew