Sau hơn một năm phát sóng, siêu phẩm truyền hình “Cô dâu 8 tuổi” đã trở thành một trong những bộ phim nước ngoài dành cho gia đình được yêu thích nhất trong năm.
Nội dung phim gần gũi với đời sống
“Cô dâu 8 tuổi” là một trong số hiếm hoi phim truyền hình của Ấn Độ được xây dựng trên một câu chuyện có thật của một cô bé phải sớm lấy chồng, làm dâu ở tuổi lên 8 diễn ra tại một làng quê ở bang Rajasthan. Với những mối quan hệ phức tạp, những mâu thuẫn khó giải quyết giữa các thành viên trong gia đình… cô bé 8 tuổi đã phải trải qua biết bao thăng trầm của phận làm dâu, làm vợ trẻ con. Và hơn hết, đây là bộ phim hiếm hoi dám “tấn công” trực tiếp cũng như khai thác một cách chân thực, thẳng thắn hủ tục tảo hôn- một trong những vấn nạn nhạy cảm vẫn còn tồn tại ở Bollywood, cùng những hệ lụy của nó lên cuộc sống của những đứa trẻ cũng như cuộc sống gia đình, người thân…
Song song với việc vạch trần những mảng tối từ vấn nạn tảo hôn vẫn đang diễn ra như cơm bữa tại các làng quê nghèo của Ấn Độ, phim còn thẳng thắn đề cập đến một vấn nạn khác cũng nhạy cảm không kém trong xã hội Ấn Độ, đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ và vai trò của người phụ nữ trong nhà chồng không được chú trọng, hoặc chỉ được xem là phương tiện để duy trì nòi giống.
Phim dài tập đầu tiên được phát sóng ở Việt Nam
Lên sóng tập đầu tiên từ tháng 11/2014 và trải qua hơn 1 năm phát sóng trên TodayTV lúc 20h00 mỗi ngày, “Cô dâu 8 tuổi” đã dần trở thành người bạn thân thiết của mọi gia đình Việt trong khung phim Quốc tế giờ Vàng, đặc biệt là các bà, dì, mẹ và giới nội trợ- những người giữ vị trí vô cùng quan trọng trong mái ấm gia đình. Theo thống kê mới nhất, có đến hơn 70% khán giả xem “Cô dâu 8 tuổi” là phụ nữ và các bà nội trợ. Và có lẽ, việc tập trung khai thác những mối quan hệ gia đình, các xung đột cần được giải quyết, việc nuôi dạy con cái… dễ dàng giúp các bà nội trợ tìm được tiếng nói chung cũng như nhận thấy câu chuyện của chính gia đình mình trong đó.
Tình tiết được xử lý phù hợp, dễ hiểu
Khác với các bộ phim Hồng Kông, Mỹ… những bộ phim Ấn Độ thường có diễn biến chậm, những xung đột cũng khá gần gũi: đó là mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, sự chênh lệch giữa cuộc sống của người giàu và người nghèo, những hủ tục đàn áp lên thân phận người phụ nữ, sự hy sinh của người phụ nữ trong gia đình cùng khát khao vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi những định kiến xã hội… Tất cả những diễn đều diễn ra một cách chậm rãi, giúp người xem có thể theo dõi bộ phim đầy đủ và trọn vẹn hơn, nhất là đối với những người lớn tuổi, các bà nội trợ dù có đang làm việc vẫn có thể dễ dàng theo dõi bộ phim.
Dàn diễn viên tài năng, xinh đẹp
Bên cạnh nội dung gần gũi với đời sống, một trong những điểm cộng làm nên thành công của “Cô dâu 8 tuổi” tại bất kỳ quốc gia nào nó đi qua chính là sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên trai xinh, gái đẹp. Và ở thời điểm hiện tại, chẳng ai có thể phủ nhận, “Cô dâu 8 tuổi” là bộ phim hiếm hoi sở hữu một dàn diễn viên xinh đẹp, tài năng cùng lối diễn xuất tinh tế như: Avinash Mukhejee, Avika Gor, Shashank Vyas, Pratyusha Banerjee, Toral Rasputra, Siddharth Shukla, Anjum Farooki, Neha Marda…
Suốt chiều dài của phim, phim đã có sự thay đổi diễn viên tham gia cho phù hợp với tiến trình từ nhỏ đến lớn (vai Anandi, vai Jagdish), tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào thì “cô dâu” và “chú rể” vẫn chiếm được sự yêu mến của khán giả bởi vẻ ngoài cùng khả năng diễn xuất thiên phú của mình.
Văn hóa Phương Đông được thể hiện rõ nét
Đặc điểm riêng của phim Ấn Độ nói chung, phim “Cô dâu 8 tuổi” nói riêng là bối cảnh lộng lẫy, diễn viên đẹp, cùng với đó là việc “khuyến mại” những màn múa hát đẹp mắt, vui nhộn… ở đó, người xem có thể hòa mình vào một thế giới thực ảo lẫn lộn, một thế giới thượng lưu quyền quý nhưng cũng lắm rối ren.
Theo nhận xét của nhiều người xem, sở dĩ “Cô dâu 8 tuổi” nhận được sự yêu mến của khán giả một phần là do phim khai thác đề tài gia đình phù hợp với văn hóa châu Á và qua mỗi phim khán giả biết thêm về nét văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng miền đất nước Ấn Độ – vốn còn khá lạ với người Việt.
Hoàng Gia