Nghệ sĩ hài nổi tiếng của “Gặp nhau cuối tuần” chia sẻ rằng, nếu không ngăn được hài nhảm và không kéo được nghệ thuật hài trở về đúng giá trị của nó thì chính ông cũng ‘chết’.
NSƯT Phạm Bằng có cuộc trò chuyện với phóng viên giữa những ngày đầu năm bận rộn.
Từ chối nhiều lời mới vì không có “đất dụng võ”
Là nghệ sĩ hài lớn tuổi nhất của làng hài phía Bắc nhưng ông vẫn được nhiều đạo diễn tin tưởng mặc cho thị trường hài hiện nay có rất nhiều diễn viên trẻ. Ông lý giải sao về điều này?
Tôi năm nay 85 tuổi, qua cả ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, tất nhiên là không còn trẻ trung gì (cười). Còn việc tôi vẫn được các đạo diễn tin tưởng, vẫn là gương mặt nghệ sĩ quen thuộc của công chúng, tất nhiên cũng xuất phát từ một số điều đặc biệt. Nghệ sĩ hài cần sự trải nghiệm, cần vốn sống để đưa vào vai diễn của mình chứ không phải muốn diễn sao thì diễn. Cả cuộc đời tôi gắn bó với nghệ thuật từ sân khấu, truyền hình đến hài kịch nên tôi có lợi thế này.
Diễn viên hài trẻ ở Việt Nam hiện nay đúng là rất nhiều. Nhưng tuổi đời và tuổi nghề là hai khía cạnh khác nhau. Hài cần sự thâm niên chứ không chỉ là sự yêu thích của tuổi trẻ. Tôi nghĩ, với hài phải đến 40-50 tuổi mới thực sự có một vị trí vững chắc, mới có chỗ đứng được. Tất nhiên, nghệ sĩ không thể cứ ngồi đó đợi tuổi đến, phải luôn cố gắng để phát huy ưu điểm của mình, trau dồi kinh nghiệm thì mới thành công và được các đạo diễn tin tưởng.
Thị trường hài hiện nay thay đổi rất nhiều so với những năm về trước. Nhiều người cho rằng, hài nhảm đang lấn át nghệ thuật hài thực sự, ông nghĩ sao?
Đúng là như thế. Tôi đồng tình với nhận định này. Thị trường hài nhảm đang chiếm “thế thượng phong” so những tác phẩm hài thực sự. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với tất cả chúng ta vì một thời gian dài chúng ta không quan tâm đến nghệ thuật hài và bỏ mặc cho nó tự phát triển.
Hài là nghệ thuật mang tiếng cười sảng khoái và sâu sắc đến cho khán giả chứ để người ta cười nhếch môi, nhếch mép thì dễ lắm nhưng tiếng cười ấy không có giá trị. Tôi tâm niệm, đằng sau tiếng cười phải để khán giả nhận ra sự sâu sắc, thâm thúy và cả thông điệp mà người nghệ sĩ muốn truyền tải. Tiếng cười phải hàm chứa ý tưởng về con người, về cuộc đời, đó là nghệ thuật hài thực sự.
NSƯT Minh Vượng cho rằng “hài kịch bão hòa vì thiếu kịch bản hay”, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của NSƯT Minh Vượng vì có bột mới gột nên hồ được. Trong nghệ thuật hài, kịch bản quan trọng lắm, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của tác phẩm. Không có kịch bản hay thì người nghệ sĩ rất khó sáng tạo và thăng hoa. Làm việc gì cũng phải có chất liệu nền tảng, nghệ sĩ hài chỉ diễn thành công khi nắm vững kịch bản và sáng tạo trên kịch bản đó. Mặc dù có thể ứng biến trực tiếp tại sân khấu, phim trường nhưng ứng biến cũng phải có cơ sở, làm sao có thể mò mẫm được.
Năm 2015, tôi nhận được vô số lời mời đóng hài của các đạo diễn, tác giả trẻ. Nhưng không phải cứ mời là tôi nhận lời. Tôi có tuổi rồi không thể mạo hiểm như trước được, bây giờ cần phải có sự chọn lọc. Sau khi đọc kịch bản, tôi từ chối rất nhiều. Không phải tôi chê bai hay không ủng hộ lớp trẻ này kia đâu. Tôi quan niệm, kịch bản là đất diễn của mình. Thế nhưng khi đọc một số kịch bản, tôi phải nói là không có bất cứ chỗ nào để mình có thể sáng tạo hay mang tiếng cười sâu sắc đến cho khán giả. Nhiều kịch bản thấp quá, hạ đẳng quá, không có nội dung gì hấp dẫn chứ chưa nói đến những khoảng trống để người người nghệ sĩ tự nhiên thể hiện. Kịch bản như thế làm sao mình nhận lời cho được, phải có đất dụng võ chứ (cười).
Không nhận “cây đa, cây đề” vì dễ bị cưa đổ
Có cách nào để nghệ thuật hài trở về về giá trị thực sự vốn có hay không, thưa ông?
Chỉ có cách là đừng nể nang và cũng đừng hài lòng với thị trường hài hiện nay. Chúng ta cần phải thay đổi chứ để thế mãi sao được. Lĩnh vực khác thì tôi không biết, ví dụ như anh có cha mẹ làm lãnh đạo, làm Giám Đốc thì anh có thể được giúp đỡ để vào cơ quan làm một công việc gì đó, thậm chí là Trưởng phòng nhưng hài thì không thể thế được. Nghệ thuật hài cần nghệ sĩ có tài năng thực sự, phải có năng khiếu thì mới bền vững trên con đường này. Nếu chỉ có ngoại hình và sức trẻ thì khó mà trụ được trong nghệ thuật hài.
Còn để hài quay lại thời kỳ chính chuyên thực sự như trước đây thì hơi khó, phải có sự vào cuộc của tất cả mọi người, từ đạo diễn, người viết kịch bản, cơ quan quản lý, công chúng nhưng quan trọng nhất vẫn phải là nghệ sĩ. Nghệ sĩ có yếu tố quyết định trong sự phát triển của nghệ thuật hài. Chính bản thân tôi cũng phải luôn cố gắng, vì nếu không ngăn được hài nhảm và không kéo được nghệ thuật hài trở về đúng giá trị của nó thì chúng tôi cũng chết.
Là một nghệ sĩ gạo cội trong nghệ thuật hài, ông có điều gì nhắn gửi tới các nghệ sĩ hài trẻ hiện nay?
Tôi không dám nhận mình là một nghệ sĩ gạo cội hay cây đa, cây đà trong nghệ thuật hài. Vì làm cây bình thường thì mới yên ổn được chứ làm cây đa, cây đề thì dễ bị cưa đổ lắm (cười). Còn đối với các cháu diễn trẻ hiện nay, tôi chỉ muốn nhắn gửi rằng, diễn hài không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Diễn hài khó lắm đấy, vô cùng khó, công phu phải bỏ ra rất nhiều. Người nghệ sĩ mà cống hiến, hy sinh thực sự cho nghệ thuật hài thì mất nhiều công sức lắm chứ không chuyện chơi bời hay làm cho vui đâu. Nhiều người phải đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu mới có được chỗ đứng như ngày hôm nay.
Diễn viên hài cần phải làm việc sao cho cứ nhắc đến tên là khán giả nhớ, xây dựng được một hình ảnh riêng trong lòng công chúng, không thể lẫn lộn với ai khác. Muốn được như thế, các cháu diễn viên trẻ phải học tập, phải tìm tòi. Không học thì không có thể thành danh và thành tài mà muốn học thì nhiều môi trường để học lắm, học ở trường lớp, học ở phim trường, học từ những nghệ sĩ đi trước. Chỉ là các cháu có muốn học hỏi hay không.
Theo Sơn Minh Khuê Tú/Zing.vn