Cơn bão Nhân Dân Tệ đang càn quét làng bóng đá lục địa già vẫn chưa có hồi kết. Mới đây nhất, John Obi Mikel đã tiếp bước người đàn em Oscar sang Trung Quốc thi đấu. Những chiếc va-li tiền đến từ China Super League đã lôi kéo từ cầu thủ trẻ đến những “bô lão” đã bước qua sườn dốc sự nghiệp. Và người ta lại tự hỏi vì sao những đồng Tệ lại có sức hút lớn như thế. Nếu suy xét kỹ càng, có thể thấy mọi chuyện không hề đơn giản như ta nghĩ.
Trong quá khứ, Trung Quốc có thể hấp dẫn những ngôi sao đã lớn tuổi như một “viện dưỡng lão” ở Viễn Đông. Còn ngày nay, nó có nguy cơ trở thành những “nhà trẻ” để các cầu thủ măng non trui rèn sự nghiệp. Có thể giới mộ điệu sẽ lập tức bác bỏ tính khả thi của những “nhà trẻ” trên. Làm sao Trung Quốc có thể giúp các cầu thủ giỏi ở châu Âu phát triển? Vì so về chất cũng như lượng, bóng đá Trung Quốc còn rất lâu để sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Không đâu xa, chỉ một nước Nhật ở kề bên cũng đủ để người Trung Hoa theo đuổi trong nhiều thập kỷ tới.
Tuy nhiên, đã có rất nhiều trường hợp tưởng như đã bị chôn vùi ở Viễn Đông, như Nicolas Anelka và Didier Drogba, vẫn đủ sức thi đấu cho West Brom và Chelsea ở giai đoạn cuối của sự nghiệp. Nếu một cầu thủ vẫn giữ được tính chuyên nghiệp của mình, thì anh ta vẫn tỏa sáng và trưởng thành, cho dù ở bất kỳ môi trường nào. Và Oscar tội gì phải mài đũng quần ở Chelsea nếu anh có thể kiếm nhiều tiền hơn và được đá chính ở Trung Quốc. Rõ ràng Oscar (hay đại diện của anh), đều có tính toán trước khi thu dọn hành lý để “Đông du”.
Kế nữa là cơ hội ở ĐTQG. Những năm gần đây, tuyển Brazil đã mở rộng cửa cho các cầu thủ không thi đấu ở các giải vô địch hàng đầu châu Âu. Tiêu biểu là Hulk, người đã được gọi vào Selecao khi ghi 70 bàn trong 104 trận ở J League. Và còn những cái tên khác như Paulinho hay Renato Augusto đều được trao cơ hội.
Kể cả người Trung Quốc cũng không điên rồ khi bỏ tiền tấn chiêu mộ các ngôi sao trên. Chính sách hạn chế cầu thủ nước ngoài ở China Super League đã khiến giá của các cầu bản địa bị lạm phát phi mã. Nên nếu so về giá cả, Oscar không hề đắt hơn nhiều so với các cầu thủ Trung Quốc giỏi nhất, được đẩy giá trị lên cao nhất, mà anh còn tài năng và đẳng cấp hơn nhiều lần.
Từ khi bước vào nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã biểu lộ quyết tâm đưa bóng đá Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới. Đây có thể ví như phát pháo hiệu cho giới làm bóng đá ở quốc gia tỷ dân lao vào xâu xé thị trường cầu thủ. Việc sở hữu những cầu thủ có đẳng cấp thế giới được kỳ vọng sẽ nâng tầm cầu thủ Trung Quốc. Đổi lại, các công ty và các tập đoàn lớn đầu tư vào bóng đá sẽ nhận được những sự ưu ái từ chính phủ, và cả cộng đồng.
Khi giá trị thật của một cầu thủ ngày nay không đơn thuần nằm ở những gì anh ta thể hiện trên sân, giới đại diện cầu thủ cũng phải tính toán nhiều hơn cho “cục vàng” của mình. Họ phải xem thị trường chủ lực của các hãng thể thao là ở nước nào trong năm, và giải đấu nào đang được đổ tiền tấn vào đầu tư. Khi thị trường của ngành công nghiệp thể thao châu Âu có dấu hiệu bão hòa, cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều “cục vàng” ở các giải đấu như Ngoại hạng Anh hay La Liga, giới đại diện cầu thủ chắc hẳn phải tính đến chuyện tìm kiếm những thị trường màu mỡ, ít cạnh tranh hơn. Và Trung Quốc là một điểm đáng chú ý.
Bóng đá Trung Quốc có thể còn lâu mới đuổi kịp châu Âu cũng như thế giới. Nhưng cái lợi từ thị trường này là dễ thấy. Không đơn giản vì tiền, đây còn là mảnh đất mở ra nhiều cơ hội hơn cho các cầu thủ, đặc biệt là các cầu thủ Brazil. Nên việc họ đổ xô sang Trung Quốc chơi bóng không có gì là khó hiểu, khi cả tiền về cơ hội đang mở ra trước mắt họ, hay ít nhất là trước mắt những tay cò môi giới cầu thủ.
Video: Xem những khoảnh khắc đầu tiên của Oscar thiếu hiệp ở Trung Nguyên