“Lời ca dao của mẹ”, chủ đề live concert Quang Dũng, diễn ra vào ngày 29.10 tại Nhà hát Thành phố, ra đời từ cảm xúc chia sẻ với người dân miền Trung đang vất vả chống chọi với bão lũ.
Ca sĩ Quang Dũng cho rằng mọi thứ trong cuộc sống đều có căn nguyên. Hiểu được điều ấy, cuộc sống sẽ trôi qua nhẹ nhàng và thư thái hơn.
Tôi không thích chương trình “lẩu thập cẩm”
Phóng viên: Lấy tên “live concert” nhưng với mục đích hướng về miền Trung, đây là đêm diễn nằm trong hoạch định của anh hay đơn giản là một chương trình “phát sinh” theo thời sự?
– Ca sĩ QUANG DŨNG: Khi xem tin tức trên truyền hình, tôi thắt lòng vì hình ảnh khắp nơi ở miền Trung mênh mông trong biển nước. Tôi quyết định tập hợp mọi người tổ chức một đêm nhạc với mục đích kêu gọi đóng góp giúp người dân miền Trung trong cơn bão lũ. Chúng tôi đã mất 3 ngày để họp bàn và chương trình cũng thành hình. Sau 3 ngày kêu gọi, số tiền mọi người đóng góp vào quỹ của tôi được hơn 1 tỉ đồng nhưng tôi muốn nhiều hơn thế và mong đợi vào số tiền vé bán được từ chương trình. Muốn mọi người đóng góp thiết thực thì bản thân tôi cũng phải có hành động thiết thực. Và tôi không làm việc gì tốt hơn bằng tiếng hát và “Lời ca dao của mẹ” hình thành.
Nhưng, tôi vẫn quyết định lấy cái tên “Live concert Quang Dũng” vì với vị thế mà tôi đã gầy dựng được, tôi phải bảo chứng cho mọi thứ tôi mang đến với khán giả, đặc biệt là một đêm diễn. Tôi có thể làm một chương trình đại nhạc hội tưng bừng. Dù vậy, màu sắc đó không đúng với tính cách của tôi. Hơn hết, pháo hoa, nhảy múa, đèn chiếu lung linh sắc màu… có vẻ nhộn nhịp quá. Bất cứ điều gì vui quá lúc này cũng trở nên phản cảm. Hơn hết, tôi biết khán giả của mình, họ cũng không thích một chương trình mà hết ca sĩ này đến ca sĩ nọ xếp hàng đợi lên sân khấu. Một cái “lẩu thập cẩm” như thế, tôi không mấy thích.
Những tưởng càng nhiều ca sĩ hát thì càng có thêm cơ hội quyên góp từ khán giả?
– Khách mời trong đêm diễn của tôi gồm có ca sĩ Hồng Nhung, Phạm Thu Hà. Tôi có niềm tin cả hai người đều có sức ảnh hưởng nhất định trong việc kêu gọi người thân, người hâm mộ cùng chung tay với chúng tôi trong việc giúp đỡ người dân miền Trung đang gặp khó khăn trong bão lũ. Để được khán giả tin tưởng, chúng tôi phải tạo nên niềm tin cho khán giả của mình. Chúng tôi phải đem đến một chương trình ý nghĩa nhất nhưng cũng phải chất lượng nhất để khán giả tìm được cảm xúc là đã đặt niềm tin đúng chỗ.
Hát bằng tâm thái hưởng thụ
Anh đã nghĩ đến hành trình thiện nguyện tại miền Trung cho mình sau khi đêm diễn kết thúc?
– Hiện nay có nhiều đoàn từ thiện ra miền Trung giúp người dân có thêm nhu yếu phẩm, nhưng sau bão, công tác cứu trợ cũng cần thiết không kém. Tôi sẽ kết hợp với cơ quan, đoàn thể địa phương (Thừa Thiên – Huế và Quảng Bình) để gửi đến người dân tấm lòng của mình.
Anh có thấy bản thân mình thay đổi so với trước đây không?
– Nhiều chứ, cả trong cách hát lẫn đời sống thường nhật. Tôi bây giờ hát trưởng thành và chín muồi hơn trước. Khi so sánh với những phần biểu diễn của chính mình trước đây, tôi thấy mình rất khác. Một giọng hát chiêm nghiệm, điềm đạm và khắc khoải hơn. Có lẽ, ở tuổi này, khi đã kinh qua mọi cảm xúc: hỉ, nộ, ái, ố, hoang mang tột độ rồi cả suy sụp vì đổ vỡ, thăng hoa và chạm đáy nỗi đau hay thất vọng… tôi giờ đây bình thản với cuộc sống của mình.
Trước đây, có lúc tôi hát vì đó là công việc. Còn nay, tôi hát bằng tâm thái hưởng thụ chính khoảnh khắc ấy, cảm xúc ấy, ca khúc ấy và thông điệp có trong ca khúc. Ví dụ, trước đây, tôi biết nhạc Trịnh Công Sơn là âm nhạc của triết lý nhưng phải đến tận lúc này, tôi mới thấu đáo mọi điều ông gửi vào ca khúc của mình. Khi có thể hiểu và sẻ chia thông điệp của ca khúc, bạn có thể hát một cách nhẹ nhàng, hát như kể chuyện.
Ở tuổi này, tôi nhận ra mọi thứ trong cuộc sống đều có căn nguyên. Hiểu được điều ấy, cuộc sống cũng trôi qua nhẹ nhàng và thư thái hơn.
Đời thế còn cần gì hơn nữa?
Dường như anh đang cố nói về điều gì đó, thứ đã từng kìm hãm hay nói chính xác hơn là khiến trái tim anh vụn vỡ?
– Một quãng thời gian trước đây, tôi từng nhiều lần hỏi mình “Sao cuộc đời lại cô đơn đến thế?”. Nhiều người hỏi “Cuộc hôn nhân đổ vỡ trước đây cũng đã dịu lại, vết thương cũng đã lành, tại sao tôi không tìm cho mình một bến đỗ mới? Cuộc sống đủ đầy khi đó mới có thể mang đến cho tôi sự bình yên”. Lúc ấy, tôi thấy họ nói đúng. Có lúc tôi thấy buồn vì cảm giác cô độc. Nhưng giờ khác rồi. Tôi thấu hiểu cuộc sống luôn có hai mặt song hành. Không có gì là trọn vẹn cả. Chuyện hôn nhân cũng không mang giá trị vĩnh cửu. Vui đấy rồi cũng buồn đấy. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống này là chúng ta hiểu được chính mình. Tôi một mình vẫn vui vì cạnh tôi còn có gia đình, bạn bè thân thiết. Tôi còn hạnh phúc tột độ khi có cậu con trai hiểu mình. Tôi cũng không phải lo toan cơm áo gạo tiền. Đời thế, còn cần gì hơn nữa?
Suy cho cùng, sau những vất vả tìm kiếm danh vọng, địa vị và tiền bạc, đàn ông rồi cũng cần một sự bình yên, ít nhất là trong cảm giác?
– Định nghĩa về bình yên và hạnh phúc cũng không có mẫu thức chung. Nó phụ thuộc vào cảm quan tư duy của mỗi người. Như tôi đây, đã có một cuộc sống bình yên như ý mình muốn từ lâu rồi. Được làm công việc mình thích, được sống theo ý mình, được nhàn rỗi rong chơi, đó chính là bình yên. Còn hạnh phúc ở chỗ có thể trở thành một người tri thức và tử tế. Với những điều đó, cuộc sống của tôi thực sự đủ đầy.
Quang Dũng vốn kiệm lời và điềm đạm từ xưa nhưng nay anh bảo mình đã khác trước. Chẳng lẽ, anh lại trở nên “lắm lời”?
– Nhiều lúc, tôi cũng “lắm lời” thật đấy. Nhất là khi đụng tới âm nhạc, tôi lại huyên thuyên như một bạn trẻ đôi mươi tràn đầy năng lượng và hoài bão. Tuổi này, tôi không còn nhiều hoài bão bởi việc của tôi lúc này là “giữ vững” hào quang mang tên Quang Dũng mà tôi đã nỗ lực để chứng minh. Tôi không nói cái hào quang mà tôi có được trên sân khấu mà cả những thứ tôi có ở ngoài đời. Tức là tôi chẳng phải cúi đầu thỏa hiệp với chính bản thân mình chỉ để chiều lòng một xu hướng thịnh hành hay vì đơn giản “khán giả bây giờ thích thế”. Tôi cũng không phải là kẻ cố chấp kiểu “điếc không sợ súng” để mà sợ ngày nào đó sẽ bị “về vườn” như lời đồn.
Tôi chỉ khác ở chỗ xưa tôi nhút nhát lắm, còn giờ tôi dạn dĩ hơn. Trước làm gì tôi cũng e ngại “liệu có làm người khác thấy phiền hay tổn thương”, dù trong vụ việc đó, tôi cũng cần phải nghĩ đến cảm xúc của bản thân. Còn bây giờ, tôi sẵn sàng bộc lộ quan điểm cá nhân vì cái chung.
Phải sống hiểu biết và tử tế
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, tôi không để cuộc sống của bản thân mình trôi qua lãng phí. Theo triết lý nhà Phật, bắt đầu từ tuổi này, tôi còn hơn 10 năm để hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn. Sống một cuộc đời ý nghĩa nhất là điều mà tôi theo đuổi lúc này, chứ không phải bất kỳ đỉnh nào của danh vọng.
Mỗi năm, tôi đều chia thời gian theo tỉ lệ 50-50, một nửa sống ở Việt Nam và nửa còn lại sang Mỹ sống cùng con trai Bảo Nam. Cuộc sống của tôi cũng nhẹ nhàng với thiền, yoga hay nghiên cứu phong thủy. Cứ coi những điều ấy như một sở thích, giúp cho cuộc sống của tôi thêm sắc màu và bận rộn.
Ở trên đời này, tiền bạc, danh vọng tồn tại đầy phù phiếm. Chúng ta phải sống một cuộc đời có hiểu biết cùng với lòng tử tế, đó mới là một cuộc sống giàu sang. Tôi là một người giàu theo định nghĩa đó.
Thùy Trang Nguồn: nld.com.vn