Thị phần của xe đạp Thống Nhất giảm còn gần như không đáng kể so với các thương hiệu ngoại cao cấp và xe đạp giá rẻ Trung Quốc.
Mơ xe đạp quay trở lại
Ông Nguyễn Hữu Sơn – Phó chủ tịch hiệp hội ôtô, xe máy, xe đạp Việt Nam đồng thời là chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất, chia sẻ, mặc dù là một trong những đơn vị có thương hiệu lâu đời song tới nay, xe đạp Thống Nhất không có nhiều lợi thế tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Sơn, Thống Nhất giờ chỉ sản xuất được một số phụ tùng dẫn tới tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm không cao. Một số phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thậm chí, hãng chọn phân phối các thương hiệu xe đạp nổi tiếng nước ngoài để tồn tại trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Ngoài ra, công ty sản xuất xe đạp theo đơn hàng của các thương hiệu khác.
Ông Sơn cho rằng, tâm lý người tiêu dùng sính ngoại chính là lý do khiến các nhà sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh. Ông Sơn dẫn chứng, một sản phẩm xe trong nước để tên tiếng Việt ít khi được người mua quan tâm, chính vì thế họ phải đặt tên bằng tiếng nước ngoài.
Ở giai đoạn những năm 60-70, xe đạp được coi là tài sản, là phương tiện đi lại duy nhất của đại đa số người dân. Thời đó, tên Xe đạp Thống Nhất là niềm mơ ước của nhiều người, thậm chí còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước. Sau bao thăng trầm và có những cuộc cải cách trong đầu tư sản xuất, đến nay, xe đạp Thống Nhất đã có mặt tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Đức, Tây Ban Nha, Singapore, Malaysia.
Xe đạp trên thị trường trong nước hiện phần lớn là các dòng thể thao và xe nhập khẩu. Các nhà máy sản xuất xe đạp trong nước tại nhiều tỉnh thành đã giải thể, chỉ còn vài đơn vị đang hoạt động, chủ yếu là sản xuất theo đơn đặt hàng.
Gần đây, xe Thống Nhất đã được cơ quan công an Hà Nội đặt hàng để sử dụng trong công vụ. Mặc dù xe truyền thống nhưng nhiều công đoạn sản xuất phải đặt hàng từ nước ngoài.
Trước thực trạng đó, ông Sơn chia sẻ “Tôi vẫn luôn ước mơ đến một ngày, những chiếc xe đạp Thống Nhất sẽ lại ngược xuôi trên các đường phố Hà Nội và những con đường ở Việt Nam, để Hà Nội và nhiều nơi sẽ xanh hơn, sạch hơn và bình yên hơn”.
Xe ngoại lấn át
Danh sách các đơn vị tham gia Triển lãm Quốc tế xe hai bánh lần thứ 4 (Vietnam Cycle 2015) sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 tới tại TP HCM cho thấy điều hết sức ngạc nhiên khi đại diện Việt Nam chỉ có duy nhất thương hiệu Thống Nhất. Trong khi đó, số lượng các hãng xe đạp đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản lại tương đối nhiều. Điều đó cho thấy sự yếu kém của xe đạp Việt trước sự lấn án của các hãng xe nhập ngoại.
Hiện tại, trên thị trường Việt Nam, xe đạp, xe đạp điện xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới 80% thị phần, với kiểu dáng, màu sắc đa dạng. Các thương hiệu xe đạp như Giant, Merida, Wiel, Peugeot, Missile, HK Bike, Newway, Momemtum,… cũng bắt đầu có mặt tại thị trường Việt Nam.
Ở phân khúc người có thu nhập cao, hiện có mốt chơi xe với các dòng cao cấp, nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ (Trek), Pháp (Specialized S), Đức (Mecedes Benz), Nhật Bản, Đài Loan (Giant, Merida, Momemtium),… Thương hiệu xe đạp nổi tiếng Peugeot cũng chính thức có mặt tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, các hãng sản xuất cũng chiếm lĩnh thị trường bằng việc tung ra thị trường các sản phẩm linh kiện, phụ kiện thay thế, đồ chơi xe đạp; các thiết bị đi kèm khác như đèn, đồng hồ đo nhịp tim/tốc độ, mũ bảo hiểm, găng tay, hộp đồ chuyên dụng với mức giá lên tới hàng triệu đồng/sản phẩm.
Không chỉ bán xe, các hãng nước ngoài còn nhanh nhạy hơn trong vấn đề tiếp thị, mở rộng thị trường. Đại diện thương hiệu xe đạp Jett Cycle, một hãng xe nhập khẩu, cho hay không chỉ thiết kế, sản xuất và bán xe đạp, nhà phân phối này còn tổ chức những buổi đạp xe hàng tuần, hàng tháng xung quanh thành phố hay ra ngoại ô nhằm tạo nên phong trào đạp xe cho tất cả mọi người.
Trong khi đó, xe do doanh nghiệp trong nước sản xuất chỉ chiếm 8%, với các thương hiệu như Thống Nhất, Viha, Delta, Hitasa, Martin 107.
Ngay từ năm 2007, Bộ Công Thương đã có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp xe hai bánh tại Việt Nam giai đoạn 2006-2015. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có hướng đi cụ thể. Các hiệp hội xe đạp đều không có tiếng nói riêng để phát triển loại xe hai bánh này.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều thương hiệu xe đạp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, thậm chí, sẽ có một vài dự án lớn đầu tư xây dựng thương hiệu – mạng lưới phân phối khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Với hiện trạng ngành công nghiệp xe đạp Việt Nam, Thống Nhất chỉ đặt mục tiêu tồn tại và phát triển, chấp nhận liên kết và hợp tác với các doanh nghiệp và thương hiệu xe đạp nước ngoài. Ông Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ: “Đối với chúng tôi, không có khó khăn lớn nhất, bởi điều gì khó là chúng tôi bỏ”.
C.T (Tổng hợp)