Nếu như thủ đô Phnom Penh quen thuộc thu hút khách du lịch bởi sòng bạc Nagaworld, thì cố đô Siem Reap lại mang đến nét huyền bí, cổ xưa của một trong những nền văn minh huy hoàng nhất một thời – “nơi có cả dấu ấn quá khứ của vương triều Khmer, hình ảnh của Vương quốc Campuchia hiện tại và đất nước Campuchia tương lai”.
PHNOM PENH – ĐIỂM DỪNG CHÂN MANG NHIỀU CẢM XÚC
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ Sài Gòn, lúc 5h sáng. Tới Mộc Bài vào lúc trời vẫn còn mát. Không mất quá nhiều thời gian để làm thủ tục thông quan cho người và xe. Tại cửa khẩu Mộc Bài việc mang xe máy qua cũng không quá phức tạp chỉ cần mang theo giấy tờ xe chính chủ là được. Bên nước bạn cũng vậy, bên mình gọi là Mộc Bài, người Cam thì gọi là Bavet, phí cho thông quan chỉ 30.000 – 40.000 VNĐ. Có thể mua sim ở ngay cửa khẩu bên Cam luôn, nên mua của hãng Metfone, hãng này là đối tác của Viettel bên Cam nên gọi về Việt Nam dễ dàng hơn, có nhiều chương trình khuyến mãi. Về tiền tệ bạn có thể thoải mái vì bên Cam họ đều chấp nhận xài USD và Riel ngay cả những chỗ còn hoang sơ.
Đường từ Bavet tới Phnom Penh khoảng 160km, khá đẹp và không phải qua phà Neak Leung như ngày xưa mà giờ đã có cầu dây văng hoành tráng…Đến Phnompenh vào khoảng 11h, chúng tôi quyết định dừng chân tại một khách sạn nhỏ ở ngay chợ Trung Tâm, điều này giúp chúng tôi có thể thăm những nơi nổi tiếng một cách thuận lợi hơn.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Cánh Đồng Chết (Choeung Ek) cách trung tâm khoảng 15km. Đây là nơi mang đến cái nhìn chân thực và xót xa nhất về những điều kinh hoàng xảy ra trên đất nước Campuchia khi nằm dưới sự cai trị của Pol pot. Một cảm giác vừa đau lòng, vừa thương cảm pha lẫn rùng mình dâng lên trong chúng tôi, tại nơi đây đã có trên 20.000 người bị Khmer Đỏ sát hại. Chắc chắn khi đọc đến những cái tên như như “Mộ 100 trẻ sơ sinh và mẹ”, “Mộ nhiều xác nhất với 450 xác”, “Mộ 166 người không đầu”, “Mộ 87 người mất tay, chân” ai cũng cảm thấy một nổi xót xa vô hạn…
Chia tay Choeung Ek, chúng tôi đến một điểm giúp cho mình vui hơn đó là Cung điện hoàng gia Campuchia (tên đầy đủ là Preah Barom Reachea Vaeng Chaktomuk). Hoàng cung là được xem biểu tượng của cả vương quốc. Khu Hoàng cung gắn liền với Chùa Bạc là sự đa hợp bao gồm những cung điện, công trình kiến trúc và những khu vườn. hãy cố gắng đi trước 17h vì sau 17h đa số những địa điểm tham quan sẽ đóng cửa. Điểm đến cuối cùng trong ngày là Sòng bạc lớn nhất Campuchia Nagaworld, nằm ở trung tâm Thủ đô Phnôm Pênh, chỉ cách cung điện của nhà vua chừng 10 phút đi bộ. Lộng lẫy và hoành tráng hơn hết là quang cảnh phía trước sòng bài Nagaworld với vòi nước phun cao ngất, ánh điện màu chiếu thẳng vào các dòng nước phun lên. Khu vực đỗ xe trước sòng bạc, người và xe chật cứng như nêm.Chúng tôi chỉ vào tham quan, đặt một ít rồi đi ra thế là quá đủ tại “Thiên đường”…
MUỐN HIỂU CAMPUCHIA HÃY ĐI SIEM REAP
Phnom Phenh chào buổi sáng với chúng tôi bằng một cơn mưa, Siem Riep vẫn còn xa mà đường bên Cam thì không có đèn nên chúng tôi quyết định đội mưa xuất phát. Chia tay thủ đô xuôi về Quốc Lộ 6, đoạn đường hơn 300km đi qua của chợ Skun (chợ Côn Trùng), thuộc tỉnh Kampong Cham, với đặc sản là nhện, cà cuống, cào cào, bọ cạp, ếch ương… Chợ Skun có diện tích khoảng chừng 5.000m2, được bê tông kiên cố, bố trí nhiều bàn tròn dành cho các gian hàng ăn uống và khách tham quan nghỉ chân. Từ Phnom Phenh đến Kampong Cham đường đi cũng khá đẹp, vắng xe nhưng vào Kampong thì đường hiện tại đang sửa nên hơi khó đi. Cách Siem Riep khoảng 80 km, bạn sẽ gặp một trong những cây cầu cổ nhất của Campuchia còn sót lại, cây cầu cổ hơn 1.000 tuổi Kompong Kdei được xây dựng từ thế kỷ 12 (năm 1.186) dưới thời vua Chayravaman VII. Cầu dài khoảng 85 mét, cao 14 mét, mặt cầu rộng chừng 14 mét. Cây cầu chảy qua con sông cùng tên. Cầu làm kiểu vòm với rất nhiều trụ bằng đá ong, có tượng rắn thần Naga 7 đầu khá linh thiêng được người dân tôn thờ như thần thánh, thân cầu cũng mang dáng dấp thân hình của rắn thần này.
Trước khi vào cố đô Siem Riep, chúng tôi ghé qua Biển Hồ (Tonle Sap). May mắn gặp một anh hướng dẫn viên người Cam khá vui tính, chúng tôi hiểu rõ hơn cuộc sống của người nơi đây đặc biệt là người Việt Nam. Biển Hồ là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 1997. Nằm trên đất Campuchia song đa số người dân sinh sống nơi đây đều là người Việt Nam, di cư đến từ khoảng nửa đầu thế kỷ 20. Chỉ cách trung tâm thành phố Siem Riep hơn 15 phút đi xe mà cuộc sống kiều bào người Việt hết sức vất vả và tạm bợ – lênh đênh trên sông nước, chỉ trông chờ vào đánh bắt thủy sản với công cụ thô sơ, ít có điều kiện phát triển. Ghé vào một ngôi trường người việt trên biển Hồ, chúng tôi càng quý hơn những người thầy, người cô từ Việt Nam sang đây để dạy dỗ các em có hoàn cảnh khó khăn. Chia tay Tonle Sap, chúng tôi dừng chân tại Angkor Spirit Palace, một resort kiểu cổ cách trung tâm 3 km, rất tĩnh lặng. Buổi tối tại Siem Riep khá nhộn nhịp với khu chợ đêm với đầy lựa chọn ẩm thực đặc biệt là các gian hàng sinh tố đồng giá 1 USD. Sau khi tham quan chán chê, chúng tôi quyết định ghé vào một nhà hàng phục vụ đồ ăn Campuchia và chia tay khu chợ đêm vì còn một ngày khá dài để khám phá quần thể Angkor hùng vĩ vào ngày mai.
Đường vào Angkor qua hai tán rừng tuyệt đẹp, để vào thăm AngKor Wat hay quần thể Angkor Thom bạn có ba sự lựa chọn: Một ngày, ba ngày và bảy ngày. Nếu đi theo tour bạn chỉ đi những điểm nổi bật còn với chúng tôi đằng sâu trong quần thể ấy là cả những điều mới lạ. Angkor Wat có nghĩa là kinh đô chùa, do quốc vương Suryavarman II xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ 12, dành để tôn thờ vị thần Vishnu của Hindu giáo. Trước cửa đền có 1 cái hồ nhỏ phía bên trái đây là nơi khu đền Angkor Wat sẽ phản chiếu đầy đủ vào đây, cũng là nơi tạo cảm hứng cho bao nhiếp ảnh gia. Khu đền chính chia thành 3 tầng: địa ngục, trần gian và thiên đàng, bao gồm 398 gian phòng với nghệ thuật chạm khắc đá trên trần phòng, lan can… những bức phù điêu chạy dài suốt các hành lang và đặc biệt nhất là 1.700 bức tượng vũ nữ Aspara hoàn toàn khác nhau về nét mặt cũng như tư thế múa. Muốn xem toàn cảnh khu đền Angkor Wat hãy leo lên Đỉnh thiên đường…Xuôi theo con đường rừng chúng tôi dừng chân tại đền Bayon, Angkor Thom. Ngồi đền gây ấn tượng mạnh với những bức tượng phật 4 mặt mỉm cười bí ẩn. Nhiều người cho rằng đó là khuôn mặt của vua Jayavarman VII, có người lại cho đó là nụ cười nhân từ, thân thiện, nụ cười dường như thấu hiểu mọi điều của một con mắt nhìn từ trên cao, bao quát từ mọi hướng. Và đó là cái hay của nghệ thuật, của những sự vật hiện hữu nhưng khó có thể cắt nghĩa chính xác. Tiếp đến là đền Ta Prohm là ngôi đền lãng mạn nhất nằm trong quần thể Angkor với hình ảnh cây chung thủy rễ vấn vít, quấn quýt lấy nhau, cắm sâu vào lòng đất, nếu ai chụp hình dưới gốc cây này sẽ yêu nhau trọn đời. Không phải là ngôi đền lớn nhất, nổi bật nhất ở Angkor nhưng với những cánh cửa chạm khắc đặc sắc, vẻ hoang vu đã khiến Ta Prohm được chọn là trường quay chính cho bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ nổi tiếng. Vào sâu bên trong khu quần thể, chúng tôi bắt gặp đền Preah Khan, một ngôi đền rất lớn được bao bọc bởi bốn lớp tường thành và một hào nước bên ngoài. Nơi đây từng là một thành phố nhỏ với hơn 90 ngàn người sống trong vòng đai đền…Quần thể Angkor Thom vẫn chứa nhiều tàn tích đền chùa và đầy bí ẩn, đi một ngày thì không bao giờ hết.Trời cũng đã về chiều, để bắt kịp ánh hoàng hôn, chúng tôi quyết định trở ra và lên đỉnh Phnom Bakheng, đây là một ngọn đồi nằm giữa Angkor Wat và Angkor Thom và là nơi nổi tiếng ngắm hoàng hôn của ngôi đền Angkor Wat.
Chia tay Angkor, chúng tôi ở lại Siem Riep thêm một đêm trước khi quay trở lại Sài Gòn, Việt Nam… Dừng chân tại cửa khẩu Bavet nhưng chúng tôi vẫn còn vương vấn những xúc cảm trên chuyến hành trình vừa qua, có lẽ trong một ngày không xe chúng tôi sẽ trở lại đất nước xinh đẹp này và sẽ hoàn thành nốt những con đường đang dang dở.
Khánh Lưu