Theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giảm 30% đối với xe hybrid sạc trong (HEV) và 50% với xe hybrid sạc ngoài (PHEV).
Với chủ đề “Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid và xe pick-up”; buổi Tọa đàm thu hút sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và đông đảo các đơn vị, tổ chức có liên quan, nhằm thảo luận về những vấn đề trọng tâm trong chính sách thuế đối với hai dòng xe này trong bối cảnh Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được sửa đổi. Chương trình Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân, vừa tổ chức tại Hà Nội trong tháng 04/2025.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân – Lê Thanh Kim nhấn mạnh: tầm quan trọng của việc thảo luận công khai và sâu sắc về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi đây không chỉ là công cụ để Nhà nước điều tiết tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng của người dân và tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp tháng 10/2024 và vừa được thảo luận tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách trong 02 ngày 25 – 26/03/2025. Tiếp thu các ý kiến góp ý, đến nay, dự thảo Luật đã có những thay đổi quan trọng đối với xe hybrid và xe pick-up chở hàng cabin kép.
Dự thảo Luật quy định: xe hybrid, là loại xe sử dụng cả động cơ xăng và năng lượng điện, sẽ được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế suất đối với xe sử dụng động cơ đốt trong thông thường. Việc này không chỉ giúp giảm gánh nặng thuế cho người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường, góp phần vào mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Như vậy; dự thảo Luật đã bỏ quy định phân biệt giữa các xe hybrid sạc trong và sạc ngoài như các dự thảo trước, mà thay vào đó là một phương thức áp dụng chung, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các quy định chi tiết hơn về việc áp dụng thuế đối với các dòng xe hybrid trong thời gian tới.
Đối với xe pick-up chở hàng cabin kép, dự thảo cũng đã đưa ra những điều chỉnh quan trọng nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Cơ quan soạn thảo Luật đang xem xét để đưa ra một lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại xe này sao cho hợp lý, bảo đảm thời gian cho doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng thời tránh gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những hộ gia đình và doanh nghiệp ở nông thôn, đối tượng chính sử dụng xe pick-up chở hàng cabin kép.
Xe hybrid tại Việt Nam có thể sẽ rẻ hơn nhờ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tại tọa đàm, các diễn giả cho rằng: xe ô tô hybrid kết hợp động cơ xăng và động cơ điện không chỉ giúp tiết kiệm nhiên liệu mà còn giảm phát thải khí CO2. Nghiên cứu của Đại học Bách Khoa Hà Nội cho thấy, các dòng xe hybrid có thể tiết kiệm từ 30% đến 50% mức tiêu thụ nhiên liệu so với xe động cơ đốt trong thông thường.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các xe hybrid được sản xuất trong giai đoạn 2026 – 2030 có thể góp phần giảm hơn 2,6 triệu tấn lượng phát thải khí CO2, giúp tiết kiệm ngân sách để bù đắp lượng phát thải tương đương với 333 tỷ đồng tín chỉ carbon. Do đó, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hybrid là cần thiết để hướng người tiêu dùng lựa chọn dòng xe này, từ đó giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân và góp phần hiện thực hóa cam kết Net Zero của Việt Nam.
Phân tích về thuế suất ưu đãi cho xe hybrid; đại diện Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, cho biết, giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hybird sạc trong (HEV) và 50% cho xe hybrid sạc ngoài (PHEV) như đề xuất của VAMA có thể dẫn tới giảm thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn (khoảng 5.000 tỷ đồng/năm) nhưng đây là một khoản chi phí có thể chấp nhận được so với các lợi ích lâu dài mà chính sách này mang lại. Theo nghiên cứu của KPMG Việt Nam, ưu đãi thuế sẽ giúp tiết kiệm tới 26.000 tỷ đồng chi phí nhiên liệu và 28.000 tỷ đồng chi phí nhập khẩu dầu thô trong suốt vòng đời của mỗi xe ô tô. Điều này không chỉ giúp giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước mà còn góp phần cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.
Đối với xe pick-up chở hàng cabin kép, nhiều diễn giả cho rằng, xe này đây là dòng xe sử dụng chủ yếu ở ngoài đô thị với công năng chính là chở hàng, nhiều hộ gia đình và nhiều đơn vị sử dụng phục vụ kinh doanh vừa và nhỏ thuận tiện, đơn giản trong vận chuyển. Theo đại diện KPMG, ở Việt Nam, hơn 70% người tiêu dùng xe pick – up chở hàng cabin kép thuộc khu vực miền núi và các tỉnh ngoài Hà Nội và TP.HCM. Đáng chú ý, 64% là khách hàng cá nhân, gồm nông dân, kỹ sư, cá nhân kinh doanh tự do; nhóm này mua xe nhằm mục đích vận tải, kinh doanh thương mại với quy mô vừa và nhỏ. 36% khách hàng còn lại là các cơ quan, doanh nghiệp như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tập đoàn Viettel…, dùng xe này để thực hiện nhiệm vụ quốc gia và các hoạt động chuyên ngành.
Theo các diễn giả; việc tăng thuế suất cao ngay trong một lần sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa – là những đối tượng chính sử dụng xe pick – up chở hàng cabin kép. Một lộ trình 03 năm với mức tăng hợp lý và áp dụng sau 01 năm khi luật được thông qua sẽ là một giải pháp hài hòa, bảo đảm thu ngân sách, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo phát triển bền vững ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân khẳng định: đây là một trong những diễn đàn quan trọng, giúp các đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng có thể lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, phân tích và đánh giá từ các chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan. Các góp ý tại tọa đàm sẽ là nguồn tài liệu quý giá để hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 05/2025.