Nhiều người tiêu dùng Việt đợi tới đầu năm 2018 để mua xe với hy vọng giá bán xe giảm thêm vì nhiều mẫu xe được miễn thuế nhập khẩu nhưng không may xe mới không thể về, xe cũ thì khan hàng đội giá.
Trong năm 2017, thị trường xe Việt “mông lung như một trò đùa” bởi ma trận về giá bán. Liên tục có những dự báo về giá xe trong tương lai đặc biệt là năm 2018 khi thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN về Việt Nam còn 0%. Đáng tiếc tất cả những dự đoán này đều không nhất quán, có người cho rằng giá xe sẽ không giảm, có người tin tưởng xe sẽ rẻ hơn 15-20%. Điều này tác động không nhỏ tới tâm lý người tiêu dùng nhất là những người không quá gấp gáp trong việc sở hữu một chiếc 4 bánh.
Diễn biến kể trên khiến thị trường xe Việt 2017 thêm hỗn loạn, người mua thờ ơ, người bán thì sốt sắng. Nếu như trước đây với một số mẫu xe người tiêu dùng phải “chạy vạy” thêm tiền để sở hữu sớm hay đúng bản, đúng màu mình thích thì giờ đây mọi thứ dường như về đúng vị trí của nó. Người tiêu dùng ở đúng vị trí “khách hàng là thượng đế” người bán tìm mọi cách để bán được xe từ tăng chiết khấu tới trang bị tặng kèm bên cạnh thông tin giảm giá xe liên tục từ các thương hiệu ngay cả những hãng xe thường chỉ “tăng chứ không giảm” như Toyota…
Tất cả những thay đổi kể trên đã giúp thị trường xe Việt trong năm 2017 thoát khỏi đà lao dốc không phanh nhưng vẫn ít hơn 10% doanh số so với năm 2016, đặc biệt là giảm 15% ở mảng xe du lịch vốn chịu nhiều ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu. Đà tăng trưởng “âm” của thị trường xe Việt năm 2017 cũng ngược chiều so với các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Singapore. Với những gì đã dồn nén trong năm 2017, nhiều người từng kỳ vọng 2018 sẽ là năm “bung lụa” nhưng diễn biến gần đây cho thấy nó có thể chỉ là “giấc mơ trưa”.
Cụ thể, ngay sau khi Nghị định 116 được ban hành đã chặn đứng những hy vọng về xe nhập khẩu ít nhất là trong những tháng đầu năm 2018. Bởi giá xe có thể không giảm nhiều như dự kiến vì những chi phí không nhỏ bị đội lên khi mỗi lô hàng đều phải lấy 1 xe kiểm tra chất lượng thay vì chỉ lô hàng đầu tiên như trước đây. Tuy nhiên, chừng đó chưa bằng việc người tiêu dùng có thể phải chờ tới giữa thậm chí cuối năm mới có điều kiện sở hữu xe vì những vướng mắc về giấy tờ mới khiến các nhà sản xuất không thể đưa xe về sớm.
Một lần nữa thị trường xe Việt lại náo loạn, những người cần xe mạnh tay xuống tiền, đại lý tung chiêu trò “hớt váng” dịp cuối năm. Người tiêu dùng không còn ở vị thế “thượng đế” hầu hết buộc phải trở thành người bị dẫn dắt khi muốn sở hữu xe trước Tết Nguyên đán. Họ bị hủy cọc, bị “ép” mua bản cao cấp hơn, thêm gói trang bị dù có thể không cần thiết và quan trọng nhất là cái giá để sở hữu không những không rẻ mà còn tăng mạnh so với trước đây nhẹ thì vài chục nặng tới cả vài trăm triệu đồng với những mẫu xe bán chạy.
Sau tất cả thì dù có sẵn sàng chi thêm nhiều người vẫn không thể nhận xe trước Tết bởi nhiều mẫu xe đã cháy hàng. Tình trạng này xảy ra với nhiều mẫu xe nhập khẩu bán chạy vì không thể đưa xe về thêm trong những tháng đầu năm mà còn xảy ra với nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước do các nhà sản xuất không dự đoán đúng nhu cầu đột biến của thị trường.