Mỗi đứa trẻ ra đời đều mang đến niềm hạnh phúc và ý nghĩa lớn lao cho mỗi gia đình. Bất kỳ ông bà, cha mẹ nào cũng mong muốn gửi gắm tâm tư và nguyện vọng vào cái tên của đứa trẻ. Có người mong con cả đời bình an, vui vẻ nên đặt tên là An Nhiên; có người lại mong con sau này sẽ đạt được sự giàu sang, phú quý nên đặt tên là Thành Đạt, Kim Tiền, Tấn Vàng…
Câu chuyện về anh chàng Châu Tấn Vàng, 26 tuổi, quê ở Vĩnh Long và hiện sống và làm việc tại tỉnh Aichi (Nhật Bản) đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chàng trai Gen Z chia sẻ rằng cái tên đặc biệt này do chính ông bà nội ngoại đặt, nhằm gửi gắm niềm hy vọng rằng sau này anh sẽ có một cuộc sống giàu sang và sung túc.
Tấn Vàng kể rằng, khi mới chào đời, ông bà nội đặt tên cho anh là “Châu Văn Vàng”. Sau đó, ông bà ngoại đã chủ động sửa tên thành “Châu Tấn Vàng” để cái tên thêm phần ý nghĩa hơn. Bố mẹ anh hoàn toàn đồng ý với sự điều chỉnh của ông bà hai bên.
Mặc dù cái tên độc đáo và mang ý nghĩa tốt đẹp, Tấn Vàng từng cảm thấy bực tức vì chính cái tên đó đã khiến anh thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Anh kể lại rằng, thời đi học, bạn bè thường cố tình gọi anh là “cậu Vàng” (một nhân vật trong tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao), khiến anh cảm thấy không được tôn trọng. Thêm vào đó, nếu trong lớp không có ai xung phong lên bảng trả bài, Tấn Vàng thường nằm trong số những cái tên bị gọi lên đầu tiên.
Vì những phiền hà mà cái tên đem lại, anh đã từng đề nghị bố mẹ đổi tên khác cho mình. Tuy nhiên, khi lớn lên, Tấn Vàng dần không còn cảm thấy khó chịu về cái tên nữa.
Anh cho biết: “Với những người khiếm nhã, mình thường nghĩ đó là bởi họ vô duyên, không hiểu được cái tên đầy ý nghĩa của mình nên mình cũng không cần bận tâm đến họ. Và quả thực, những lời trêu chọc không hay đó cũng chẳng nhiều. Đa phần mọi người đều tỏ ra bất ngờ, thích thú với tên của mình”.
Nhờ tên độc đáo mang ý nghĩa giàu sang như vậy, Tấn Vàng thường được mọi người nhờ mở hàng, xông đất trong dịp Tết. Tấn Vàng kể: “Khi nghe mình giới thiệu tên ai cũng tỏ ra trầm trồ, bất ngờ. Thuở mình còn ở nhà, mình được nhiều người nhờ xông đất, xông nhà vào dịp Tết nên kiếm bộn tiền lì xì. Giờ đây, mình cảm thấy thực sự tự hào về cái tên nhiều hơn là mặc cảm, tự ti. Hễ có cơ hội là mình sẽ khoe liền với mọi người về họ tên của mình”.
Tấn Vàng kể rằng, khi còn ở quê nhà, mỗi dịp Tết, anh thường được nhiều người nhờ xông đất và mở hàng đầu năm với mong muốn xin vía “may mắn, giàu có, nhiều vàng bạc”.
Tấn Vàng chia sẻ rằng tên gọi là điều quan trọng sẽ theo mỗi người suốt cuộc đời. Anh, chàng trai đến từ Vĩnh Long, hy vọng rằng cái tên của mình sẽ sớm “vận vào người”, mang lại cuộc sống đủ đầy và phú quý. Theo thông tin, Tấn Vàng đã sống tại thành phố Toyota, tỉnh Aichi, Nhật Bản gần 7 năm và hiện có một công việc ổn định. Anh dự định sẽ ở lại Nhật Bản thêm vài năm nữa để trải nghiệm những điều mới lạ và tích lũy vốn để trở về Việt Nam mở kinh doanh riêng.
Cũng mang cái tên gợi cảm giác về “của cải và châu báu”, anh Nguyễn Văn Ru By từ An Giang chia sẻ rằng cái tên đặc biệt này do bà nội đặt cho mình. Tên Ru By không chỉ có ý nghĩa là hồng ngọc, đá quý mà còn hợp vần với tên của cha anh – Nguyễn Văn Ru Be.
Đúng như kỳ vọng của bà nội và ý nghĩa tên gọi, anh Ru By đã nỗ lực học tập và cống hiến cho quê hương. Anh từng đạt thành tích 85,5/100 với đề tài nghiên cứu khoa học về “Khảo sát các chỉ tiêu sinh lý của cá he đỏ giai đoạn giống”, được Hội đồng Khoa học và Đào tạo đánh giá cao.
Ngoài thành tích học tập xuất sắc, anh Ru By còn được biết đến với tài ăn nói khéo léo, khiến người khác cảm thấy thích thú và yêu quý. Bạn bè thường gọi anh là “bà tám”. Anh chia sẻ: “Khi nhận thông tin về việc triển khai các phong trào và công tác đoàn, mình phải nói rất nhiều, khích lệ và kêu gọi các bạn tham gia, vì vậy bản thân phải thường xuyên nói nhiều, nên mới có biệt danh như vậy.”
Hằng