Lời nhắn tới Lamine Yamal
Làm tốt lắm “bé con”!
Hãy tận hưởng tuổi 16 rực rỡ trên mùa hè đất Đức, trước khi trở lại Tây Ban Nha chuẩn bị cho năm học mới.
Và nếu có lỡ quên làm bài tập về nhà thì cô giáo cũng sẽ bỏ qua cho cậu ngày hôm nay, bởi lẽ cậu đã dành thời gian làm bài tập để ghi bàn trên sân giúp đội tuyển nước nhà lội ngược dòng ngoạn mục trước người Pháp, đồng thời phá kỷ lục là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại EURO ở tuổi 16 + 362 ngày và đoạt luôn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận.

Thành công là thế, chắc chắn Lamine Yamal sẽ được giới truyền thông tung hô lên tận mây xanh, rồi so sánh cậu với những siêu sao như Lionel Messi để tăng tương tác. Ở lứa tuổi 16 chập chững bước vào sự nghiệp quần đùi áo số lắm chông gai, cám dỗ, Yamal còn cả một chặng đường rất dài để trở nên thành công bền vững, có cơ hội vươn mình trở thành ngôi sao và tượng đài tiếp theo ở Camp Nou.
Tuổi 16 với nhiều mộng mơ khiến Yamal đủ dũng cảm, quyết đoán để tung cú cứa lòng ở khoảng cách 25m làm tung lưới Mike Maignan. Yamal có bản lĩnh, thể hiện trên lối chơi trực diện, sẵn sàng qua người hoặc tung cú sút từ ngoài vòng cấm nhưng sẽ là chưa đủ nếu thiếu đi sự tỉnh táo cần có để giữ vững chân trụ trên mặt đất, tạo đà cho cú vung chân sút đúng kỹ thuật khiến bóng bay đúng quỹ đạo mong muốn.
Ví von dựa trên bàn thắng của Yamal là thế nhằm thấy rằng sau thành công bước đầu, cần lắm ở cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ trẻ sự tỉnh táo, lạnh lùng trước tất cả (bao gồm truyền thông) để không sớm bị mai một.
Mong rằng đội tuyển Tây Ban Nha cũng như giới chủ Barcelona có thể bảo vệ tài năng trẻ của mình, uốn nắn cho mầm non này đi đúng hướng và trở thành siêu sao thực thụ trong tương lai. Điều mà họ đã làm chưa tốt với một hạt giống đầy triển vọng trước đó.
Tiếc nuối cho Ansu Fati
Như đã nói ở trên, việc sử dụng và định hướng cho cầu thủ trẻ của đội tuyển và câu lạc bộ rất quan trọng. Việc ép chín tài năng, dồn gánh nặng lên đôi vai lứa tuổi măng non sẽ giết chết họ từ rất sớm.
Từng là thần đồng với tương lai hứa hẹn khi cũng ở tuổi 16 như Yamal hiện tại, sự nghiệp Ansu Fati có dấu hiệu của sự lụi tàn khi chỉ mới 21 tuổi. Đáng lẽ ra, nếu được ươm mầm đúng cách, không quá tải và dính những chấn thương liên miên, kỳ EURO 2024 này Fati sẽ cạnh tranh sòng phẳng với Nico Wiliams (cầu thủ cũng 21 tuổi) cho một vị trí chính thức trên hàng công và sát cánh cùng Lamine.
Có thể nói “nếu” Fati không gặp những chấn thương khiến chuỗi phong độ đỉnh cao của anh đứt đoạn thì khó có cơ hội để Nico bước ra ánh sáng. Nhìn cái cách thi đấu của Williams, thật tiếc cho Fati bởi lối chơi của 2 cầu thủ này có những nét tương đồng: tốc độ, kỹ thuật siêu đẳng cùng khả năng quấy phá hàng thủ đối phương, điển hình chung là kỹ năng lắc thân trên bẻ lái vặn sườn các hậu vệ, thậm chí khả năng dứt điểm của Ansu có khi còn tốt hơn Nico.

Nhưng không có “nếu”, sai lầm của Barcelona và cả Tây Ban Nha nữa khi đặt kỳ vọng quá lớn dành cho Ansu Fati. Anh được kế thừa chiếc áo số 10 huyền thoại của Lionel Messi và các tên tuổi vĩ đại gồm Ronaldinho, Rivaldo, Diego Maradona… ở Barcelona quá sớm, sau khi mới bình phục chấn thương kéo dài đến 9 tháng vào năm 2021, năm ấy anh mới 18 tuổi.

Áp lực của chiếc áo số 10 đã khiến anh chững lại, thui chột, không thể phát triển như mong đợi và phải rời mái nhà Camp Nou để cố gắng tìm lại phong độ ở đội bóng trung bình tại Ngoại hạng Anh là Brighton. Ở đó, Fati cũng không thể tìm được suất đá chính và phải ngồi dự bị. Tương lai nào cho Ansu khi anh quay trở lại Barcelona trong mùa giải 2024-2025 bởi câu lạc bộ từng đưa anh “lên ngôi”, giờ chỉ muốn đẩy anh trở thành đứa con lưu lạc.

Bóng đá là thế, sự cạnh tranh rất khắc nghiêt, đặc biệt ở câu lạc bộ mà người hâm mộ cần sự thành công trở lại nhanh chóng, mặc cho những khó khăn về kinh tế đang bủa vây cùng sự rối ren của thượng tầng đội bóng. Với Fati, có thể anh sẽ như nhiều sản phẩm khác của lò La Masia, một trong những đứa con luôn dành tình yêu cho đội bóng nhưng buộc phải tha phương cầu thực nơi xứ người. Ra đi cũng tốt, biết đâu có thể thành công như những người anh em cũ Dani Olmo, Marc Cucurella, Alex Grimaldo hay Xavi Simons,… còn nếu không may thì chỉ có sự nghiệp nhàng nhàng phiêu bạt nay đây mai đó như Munir, Riqui Puig, Adbe Ezzalzouli, Carles Alena, Nico Gonzalez,…
Tương lai các tài năng trẻ La Masia
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn đang rất nặng nề tại Barcelona. Trong thời khắc khó khăn ấy, sự trỗi dậy của lò đào tạo La Masia mang lại cho cổ động viên của đội bóng niềm hy vọng.
Các ngôi sao đẳng cấp khó có thể được câu lạc bộ mua về, điều đó tạo điều kiện cho những Ronald Araujo, Gavi, Alejandro Balde, Fermin Lopez, Pau Cubarsi, Hector Fort, Marc Guiu… xuất đầu lộ diện. Sự cạnh tranh ở đội 1 luôn khốc liệt đối với các cầu thủ trẻ, dẫn tới sự ra đi của Marc Guiu với chỉ 6 triệu Euro kiếm về cho câu lạc bộ. Những người còn lại có cơ hội chiến đấu cho vị trí chính thức, thời gian ra sân có thể còn hạn chế nhưng điều đó cũng bảo vệ cho đôi chân của họ lành lặn cũng như sự tỉnh táo trong cảm xúc trước khi trở thành ngôi sao thực thụ.

Điều cần làm của Barcelona là tiếp tục duy trì việc đào tạo những sản phẩm của lò La Masia, tạo điều kiện cho những cầu thủ tiềm năng ra sân, tránh lãng phí, chảy máu tài năng để rồi sau này phải tìm cách mua lại với giá cao (như những tin đồn chuyển nhượng với Dani Olmo, Xavi Simons gần đây). Tuy nhiên việc sử dụng đúng cách là rất quan trọng, việc ra sân vừa đủ khiến cầu thủ trẻ tránh được những chấn thương dài hạn, mang tính hủy hoại đối với sự nghiệp như bài học của Fati, Pedri, Gavi, Balde,…
Đội ngũ chăm sóc sức khỏe, các huấn luyện viên thể lực của Barcelona còn nhiều việc phải làm trong hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, tập luyện… để giữ cho các cầu thủ của mình tránh chấn thương. Và hơn hết là cách điều hành, sử dụng tài năng trẻ của Ban huấn luyện cần thực sự khoa học, tránh “ăn xổi ở thì” để rồi đánh mất tương lai của những tài năng triển vọng hàng đầu La Masia.
(Bạn đọc: Thanh Hùng)