Theo VTC News, dẫn nguồn từ Paper (Thượng Hải, Trung Quốc) mới đây xôn xao trước vụ việc 85% số dép nhựa trẻ em được mua ngẫu nhiên có chứa chất độc khiến trẻ dậy thì sớm, hen, rối loạn tăng động…, phát hiện này khiến dư luận Trung Quốc rúng động.
Theo đó, các phóng viên đã lấy mẫu ngẫu nhiên và kiểm tra 62 đôi dép lê trẻ em bằng nhựa dẻo, phát hiện 53 đôi trong số đó không đạt tiêu chuẩn; vấn đề chính là hàm lượng chất hóa dẻo (ester phthalate) vượt quá tiêu chuẩn cho phép, mức vượt mức cao nhất là 805 lần.

Theo thông tin đăng tải, nhóm phóng viên điều tra đã mua 50 đôi dép lê bằng nhựa PVC dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có doanh số bán hàng cao nhất trên 5 nền tảng thương mại điện tử lớn. Ngoài ra, họ cũng mua thêm 12 đôi dép trẻ em tại các cửa hàng ở Tứ Quý Thanh, Hàng Châu và thành phố Gia Hưng. Kết quả kiểm tra và giám định cho thấy trong tổng số 62 đôi dép nhựa, có 53 đôi vượt quá tiêu chuẩn hàm lượng chất hóa dẻo ester phthalate, với tỷ lệ vượt tiêu chuẩn lên đến 85%.

Trong số 50 đôi dép được mua từ các nền tảng thương mại điện tử lớn và uy tín của Trung Quốc, có 41 đôi vượt quá tiêu chuẩn về hóa chất làm dẻo, với mức vượt trung bình là 539 lần và mức vượt cao nhất là 805 lần.
Ester phthalate là một loại hóa chất làm mềm giá rẻ, được sử dụng phổ biến. Các nghiên cứu khoa học cho thấy ester phthalate có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm, hen suyễn và dị ứng, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em và có liên quan đến nguy cơ tự kỷ.

Phóng sự của The Paper cho thấy rằng 22 đôi dép trẻ em được mua trên các nền tảng thương mại điện tử không có nhãn hiệu, tên sản phẩm, địa chỉ nhà sản xuất, giấy chứng nhận, v.v. Những sản phẩm này không rõ nguồn gốc và đều vượt quá tiêu chuẩn hàm lượng chất hóa dẻo.
Phóng viên đã đến các nhà máy sản xuất những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn để điều tra. Các nhà máy thừa nhận tình trạng vượt chuẩn hàm lượng chất hóa dẻo, nhưng cho rằng đó là điều không thể tránh khỏi vì nếu chi phí cao sẽ không bán được hàng, và việc thay đổi thiết bị sản xuất rất phiền phức và tốn kém.
Thậm chí, có đại diện nhà máy tuyên bố rằng nếu kiểm tra diện rộng thì bất cứ đôi dép trẻ em bằng nhựa (PVC) nào cũng không đạt yêu cầu, và nhiều xưởng sản xuất tự làm luôn nhãn hiệu và giấy chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn. Đại diện một số nhà máy cho biết thêm, đa số các nền tảng thương mại điện tử sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra sản phẩm, nhưng các nhà sản xuất và kinh doanh thường lách luật bằng cách mở nhiều cửa hàng để tránh bị lấy mẫu kiểm tra. Thực tế, họ đã tính khoản phạt vào chi phí sản xuất và kinh doanh.

Theo thông tin trong phóng sự, chỉ một số ít loại dép nguy hiểm được sản xuất tại các thành phố Yết Dương (tỉnh Quảng Đông), Từ Khê (tỉnh Chiết Giang) và Trùng Khánh. Phần lớn số dép không đạt tiêu chuẩn có nhãn mác đều được sản xuất tại thành phố Ngô Xuyên (tỉnh Quảng Đông). Năm 2019, Ngô Xuyên được phong danh hiệu “Thủ phủ giày dép nhựa của Trung Quốc”.
Hiện nay, sản lượng giày dép nhựa của Ngô Xuyên vẫn chiếm 1/3 sản lượng Trung Quốc với giá trị sản xuất hàng năm là 8 tỷ nhân dân tệ (28.000 tỷ đồng). Sau khi phóng sự điều tra được đăng tải, người phụ trách Cục Quản lý Thị trường Ngô Xuyên cho biết, họ sẽ tổ chức cuộc họp, điều tra và xử lý các nhà máy liên quan.
Ngan