Những ngày gần đây, thông tin CLB Thép Xanh Nam Định đẩy mạnh thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho tiền đạo Rafaelson nhận được rất nhiều sự quan tâm. Ngay từ lúc này, một bộ phận người hâm mộ háo hức bày tỏ hy vọng được thấy Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải V-League 2023/24 khoác áo đội tuyển Việt Nam, sớm nhất là ngay từ ASEAN Cup 2024.
Có cơ sở để tin rằng kỳ vọng có thể trở thành sự thật. Còn nhớ sau thất bại ở chiến dịch Vòng loại World Cup 2026, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Anh Tú từng chia sẻ về khả năng bóng đá nước nhà sẽ thay đổi quan điểm về nhập tịch cầu thủ, trong bối cảnh nhiều đối thủ đã thực hiện việc này và thu được thành quả.

Có thể chưa phải là ngay tại ASEAN Cup 2024, nhưng trong một tương lai xa hơn, việc bổ sung một trung phong lợi hại như Rafaelson cho đội tuyển quốc gia hoàn toàn phù hợp về chuyên môn. Đội tuyển quốc gia Việt Nam đang thiếu lựa chọn ở vị trí cao nhất hàng công, trong khi Vua phá lưới V-League 2023/24 lại chơi đúng vị trí này, đã thể hiện được đẳng cấp và có sự am hiểu bóng đá Việt qua gần 5 năm chơi bóng ở dải đất hình chữ S. Trong hoàn cảnh này, Rafaelson nếu được triệu tập lên tuyển Việt Nam có lẽ sẽ “gãi đúng chỗ ngứa” cho Những Chiến binh sao vàng.
Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý: kể cả khi chân sút người Brazil nhập tịch thành công và được triệu tập lên tuyển Việt Nam, người hâm mộ đội tuyển Việt Nam cũng cần thực tế trong kỳ vọng. Phải nhận ra rằng cho đến trước chiến dịch nhập tịch vừa đủ chất, vừa nhiều lượng của đội tuyển Indonesia vừa qua, thành công mà các đội tuyển Đông Nam Á thu được từ cầu thủ nhập tịch nhìn chung là hạn chế. Đặc biệt ở vị trí tiền đạo, số trường hợp thành công lại càng hiếm hoi như lá mùa thu.
Singapore từng là quốc gia đi đầu và gặt hái nhiều thành công nhất khi nhập tịch cầu thủ, khi 4 lần cúp vô địch Đông Nam Á về với Đảo quốc sư tử (các năm 1998, 2004, 2007 và 2012) đều có dấu ấn đậm nét của nhóm cầu thủ nhập tịch. Trong đó, ký ức gần nhất của người hâm mộ khu vực Đông Nam Á về một đội tuyển Singapore nâng cao cúp vàng AFF Cup 2012 có sự xuất hiện của chân sút kỳ cựu Aleksandar Duric – người xác lập kỷ lục cầu thủ cao tuổi nhất (42 tuổi) ghi bàn ở một kỳ AFF Cup khi xé lưới nhà vô địch năm 2010, Malaysia vào ngày 25 tháng 11 năm 2012.

Tuy nhiên, câu chuyện từ cách đây hơn 1 thập kỷ đã quá khác với bối cảnh bóng đá Đông Nam Á hiện tại. Singapore sau chức vô địch AFF Cup 2012 chính thức từ bỏ chính sách nhập tịch toàn diện, bị các đội tuyển như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia bỏ xa. Những cầu thủ nhập tịch về sau của đảo quốc sư tử như tiền vệ Song Ui-young, người đang khoác áo đội tuyển Singapore, còn xa mới đủ sức đơn độc gánh đội đến vinh quang.
Sau Singapore, đến lượt Philippines cũng tổ chức nhập tịch từ mốc thời gian 2010 và tạo ra một vài cú sốc. Tiêu biểu là ở 2 kỳ AFF Cup liên tiếp 2010 và 2012, “The Azkals” đánh bại Việt Nam đang ở thời kỳ quá độ.
Song đóng góp chủ yếu cho Philippines giai đoạn này là những Phi kiều được ăn tập bài bản ở châu Âu, tiêu biểu nhất là anh em Phil và James Younghusband. Đến nay, kể cả khi có một số cầu thủ nhập tịch như Stephan Schrock đóng vai trò trụ cột ở tuyển quốc gia, Philippines vẫn chưa thể thoát mác “thường thường bậc trung”.

Trước khi thực hiện nhập tịch hàng loạt cầu thủ chất lượng như hiện tại, Indonesia cũng không thành công khi sở hữu “ngoại binh” trong đội hình. Những cái tên quen thuộc Irfan Bachdim, Stefano Lilipaly hay Alberto Goncaves không tạo ra được khác biệt đẳng cấp vượt trội khi đối đầu các đối thủ trong khu vực.
Trường hợp thất bại mới nhất với chính sách nhập tịch cầu thủ là Malaysia. Ở vòng chung kết Asian Cup 2023 (thi đấu năm 2024), Những chú hổ Harimau có đến 10 cầu thủ nhập tịch trong danh sách đăng ký gồm 26 cái tên – con số lớn nhất Đông Nam Á, còn nhiều hơn cả đội tuyển Indonesia! Nhưng sau cùng, kỳ vọng đến từ phong độ ấn tượng trước đó dưới thời HLV Kim Pan-gon tan thành mây khói, khi những Darren Lok, Ronel Morales, Paulo Josue,… chỉ mang về vỏn vẹn 1 điểm sau 3 trận, sớm xách va li về nước sau vòng bảng.

Cuối cùng, nhắc thêm trường hợp của đội tuyển đang xếp hạng FIFA cao nhất Đông Nam Á – Thái Lan. Trong đội hình của Voi chiến, chưa bao giờ nguồn lực ngoại chiếm vai trò quan trọng. Những trung vệ to con như Manuel Bihr, Elias Dolah chỉ là mảnh ghép được bổ sung để khoả lấp những điểm yếu cụ thể như không chiến. Cho đến lúc này, chiến lược của bóng đá Thái Lan vẫn đặt hoàn toàn trọng tâm nơi cầu thủ bản địa và nhóm Thái kiều được lựa chọn cẩn thận.
Nhìn lại tất cả những trường hợp trên để thấy, ở khu vực Đông Nam Á, không phải cứ nhập tịch là sẽ mang lại thành công, thậm chí hầu hết là thất bại hoặc không để lại dấu ấn gì đặc biệt. Trường hợp gặt hái thành quả gần nhất của Indonesia là cả một đại công trình, được thực hiện theo cách mà rất khó để Việt Nam hay bất kỳ đội tuyển nào khác trong khu vực có thể học hỏi

Con đường lý tưởng cho đội tuyển Việt Nam có lẽ sẽ cùng hướng với kình địch Thái Lan, với tôn chỉ là bổ sung một số lượng cầu thủ nhập tịch nhất định để khắc phục những điểm yếu đã tồn tại từ lâu. Mà khi đi một con đường “chậm mà chắc” như thế, kỳ vọng một ngọn cờ tiên phong, có thể là Rafaelson, một bước nâng tầm cả đội tuyển là khá viển vông, thậm chí còn có thể đặt áp lực quá lớn lên cầu thủ dẫn đến không phát huy được khả năng như những trường hợp nhập tịch gần đây của đội tuyển Trung Quốc.
Sẽ là thực tế hơn nếu chỉ dừng lại ở việc trông đợi rằng: Rafaelson được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam, hoà nhập tốt với tập thể và tạo ra hiệu ứng tích cực, như thi đấu tốt và cạnh tranh lành mạnh với những tuyển thủ chơi cùng vị trí như Tiến Linh. Đó sẽ là viễn cảnh tươi sáng, đủ là nền tảng để cổ vũ những cầu thủ nhập tịch chất lượng có khát khao hướng đến tuyển Việt Nam trong tương lai, đồng thời đảm bảo các cầu thủ nội an tâm cống hiến, dư luận xã hội ủng hộ.
(Bạn đọc: Ngọc Bách)