MotoGp thì chắc gần 100% người mê thể thao đều biết. Vậy còn 9 giải đua kia thì sao? Chúng cũng nổi tiếng không kém nhé!
Motorcycle Grand Prix (MotoGP)
Thường được biết đến với tên gọi MotoGP, giải đua xe mô tô thế giới MotoGP có thể lệ tổ chức chia theo 3 phân khúc riêng biệt Moto3, Moto2 và MotoGP.
Moto3 tổ chức vào 2012 dành cho xe mô tô phân khúc 250cc với động cơ xy lanh đơn 4 thì. Trước kia, Moto3 còn cho phép phân khúc 125cc. Ở hạng đua Moto3, tuổi tác của những tay đua sẽ được giới hạn từ 25 đến 28 tuổi.
Moto2 hiện do công ty Dorna Sports nắm giữ bản quyển. Giải đua này dành cho phân khúc xe 600cc 4 thì. Trước kia thể thức Moto2 còn bao gồm dòng xe mô tô 2 thì 250cc. Vào mùa giải đầu tiên, Moto2 cho phép 2 loại động cơ 4 thì và 2 thì tham gia. Nhưng vào năm 2011 chỉ còn loại động cơ 4 thì cho đến ngày nay.
Giải đua xe mô tô thế giới MotoGP hiện tại là thể thức đua cho dòng xe phân khối lớn nhất. Giải đua này đã xảy ra nhiều tranh luận và thay đổi với quy định về động cơ trong suốt những năm đầu tổ chức. Vào năm 2002, xe có động cơ dung tích 990cc 4 thì được phép tranh tài giữa các dòng xe 2 thì động cơ 500cc. Cho đến năm 2003 đã thay thế toàn bộ dòng xe 2 thì. Vào năm 2007, MotoGP giảm dung tích động cơ xuống 800cc và không thành công trước khi đặt tiêu chuẩn chỉ cho phép động cơ 1000cc 4 thì vào năm 2012 cho đến ngày nay.
Sau mỗi trận đua, 15 hạng về đầu sẽ được chia điểm thưởng. Trong đó hạng 1 được 25 điểm, hạng 2 được 20 điểm, hạng 3 được 16 điểm và giảm dần xuống đến hạng 15 được 1 điểm. Các xe mô tô tham gia giải đua Grand Prix đều thuộc loại xe chuyên dụng, không sản xuất đại trà chỉ phục vụ mục đích tranh tài để đem vinh quang cho hãng sản xuất xe.
Những mẫu xe thương mại quen thuộc như Ninja ZX-10RR hay Honda CBR1000RR sẽ có mặt trong giải đua WSBK
Superbike World Championship (WSBK)
Trái ngược với MotoGP, giải đua siêu mô tô thế giới Superbike World Championship sử dụng những chiếc xe thương mại bán sẵn cho khách hàng nhưng đã được độ thêm công suất.
Giải vô địch đua xe Superbike trên toàn thế giới được thành lập vào năm 1988, mỗi năm có 2 giải vô địch, một cho tay đua và một cho hãng xe. Một số mẫu xe của các thương hiệu nổi tiếng được biết đến tại giải WSBK như Yamaha R1, Kawasaki Ninja H2, Suzuki Hayabusa, Ducati Panigale V4 R, Honda CBR1000RR, BMW S1000RR…
Như các cuộc đua khác, WSBK có ngày thứ 7 để đua phân hạng và chủ nhật là vòng tính điểm. Tay đua vô địch được 25 điểm trong khi tay đua thứ 15 nhận 1 điểm. Châu Âu là thị trường hàng đầu và cũng là những đường đua chính của Superbike World Championship. Tuy nhiên, các vòng thi cũng đã được tổ chức tại Hoa Kỳ, Malaysia, New Zealand, Thái Lan và Nam Phi.
Isle of Man TT được gọi là giải đấu nguy hiểm nhất hành tinh bởi nó gây nguy hiểm cho cả các tay đua lẫn khán giả
Isle of Man TT – Giải đua nguy hiểm nhất thế giới
Khi nhắc tới giải đua xe “Isle of Man TT” là nói tới đến giải đua thách thức tử thần, bởi đường đua này nguy hiểm gấp trăm lần so với giải đua MotoGP hay WSBK. Vào mỗi năm có 2 tuần giải đấu diễn ra, đây là giải đấu được thực hiện trên đường phố khoảng 61 km với cung đường dài nhất hiện nay và vô cùng khắc nghiệt với những chặng qua núi. Vận tốc trung bình các tay đua thực hiện từ 200 – 300 km/h có khi còn lớn hơn con số đó.
Nguy hiểm đối với tính mạng và tổn thương cơ thể khi tham gia Isle of Man TT xuất phát từ hai yếu tố: Tốc độ cực cao, đường đua hẹp với 264 khúc cua gắt và hai bên đường đua chỉ được rào bởi các vật hết sức nguy hiểm như tường đá và cột điện mà chắc hẳn không một tay đua nào mong muốn đâm phải.
Một nguy hiểm nữa có thể dễ dàng nhận ra đó là việc khán giả đứng ngay sát đường đua để quan sát, cổ vũ, la hét mà không có hàng rào ngăn cách. Khi có sai sót xảy ra thì hậu quả thật kinh khủng.
Có thể kể đến khu vực Mountain Course, nơi đầy rẫy những khúc cua nguy hiểm và rùng rợn. Các tay đua phải thực sự tỉnh táo và tập trung cao độ thì mới vượt qua an toàn. MotoGP hay WSBK là những tay đua chuyên nghiệp nhưng cũng chưa bao giờ dám thử sức với giải đua này vì chỉ cần có một sai lầm nhỏ cũng đủ để trả giá bằng sự nghiệp và tính mạng.
Tuy số người thiệt mạng đã giảm nhưng tính đến năm 2017 số tay đua chuyên và không chuyên tử nạn trong giải đua xe motor Isle Of Man là 253 người. Gần như năm nào giải đua cũng có người thiệt mạng.
Việt Nam lần đầu tiên tham dự giải đấu Endurance vào năm 2019 với hai tay đua Cao Việt Nam và Nguyễn Vũ Thanh
Endurance Racing
Đối với các fan của bộ môn tốc độ, trường đua Suzuka được biết đến nhiều bởi là nơi dừng chân của giải đua Formula 1 (F1) trên đất Nhật Bản. Tuy vậy trường đua này còn được biết đến bởi các giải đua “sức bền” của mô tô đó là giải Endurance.
Luật thi đấu cơ bản của giải Suzuka JP250 4Hours Endurance Road Racing như sau: 2 tay đua thi đấu kết hợp theo hình thức chạy tiếp sức và sẽ đua liên tục trong 4 tiếng tại trường đua Suzuka Nhật Bản. Thành tích của đội được xếp hạng dựa trên số vòng đua mà đội thực hiện được trong thời gian 4 tiếng quy định. Đội nào có số vòng đua lớn hơn sẽ giành chiến thắng. Đây là giải đua có quy mô toàn cầu, các tay đua từ mọi quốc gia đều có thể đăng kí tham dự thi đấu.
Những giải đua “dã chiến” như Suzuka JP250 4Hours Endurance 2019 được coi là màn thử thách sức mạnh động cơ của những mẫu xe tham dự cũng như thể lực của các tay đua dưới áp lực thời gian và thời tiết lớn, cùng với đó là những toan tính chiến thuật của mỗi đội đua.
Giải đua xe Supersport Racing cũng sử dụng những loại xe sản xuất thương mại để thi đấu nhưng công suất chỉ từ 400cc -750cc
Supersport Racing
Giải đua xe mô tô thế giới Supersport Racing cũng là một thể thức đua dành cho những loại xe sản xuất thương mại được tinh chỉnh động cơ. Để được phép tham dự giải đua này, các xe phải được trang bị động cơ 4 thì có dung tích từ 400 đến 600cc với loại động cơ 4 xy lanh và dung tích từ 600 đến 750cc đối với động cơ 2 xy lanh.
Quy định của Supersport có phần chặt chẽ hơn so với giải đua Superbike, gồm động cơ xe tham dự phải có kích thước tương đương như động cơ tiêu chuẩn, có thể tinh chỉnh công suất động cơ những cũng được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Các cuộc thi Supersport nổi tiếng có thể kể đến gồm AMA Supersport Championship, British Supersport Championship và Supersport World Championship.
Giải đua Motocross sẽ sử dụng những chiếc xe cào cào và thi đấu trên những cung đường off-road
Motocross
Giải đua xe mô tô thế giới Motocross (hoặc có tên gọi khác là MX) cũng tương tự như các giải đua xe khác, nhưng điểm khác biệt lớn nhất đó là điều kiện đường đua khác nghiệt kiểu off-road. Vòng đua khép kín được xây dựng để gây thử thách đối với tất cả tay đua gồm hỗn hợp đường từ đất, cát, bùn và mặt cỏ… thậm chí mô phỏng địa hình mấp mô.
Chính bởi điều kiện khắc nghiệt của đường đua, các xe tham dự thường tập trung vào hệ thống treo, phuộc nhún tốt để đáp ứng tốt với đường đua địa hình. Motocross còn nổi bật bởi thể thức trao giải khác biệt, đôi khi có những giải phụ đối với những tay đua vượt qua những thử thách nhất định trong chặng đua. Đương nhiên tay đua về đích đầu tiên giành giải vô địch trong quảng thời gian quy định hoặc số vòng đua tùy vào thể thức tổ chức của giải đua.
Tương tự Motocross thì Supercross cũng là giải đua xe địa hình nhưng ở trong nhà
Supercross
Supercross (hay SX) chỉ đơn giản là xe mô tô chạy trong nhà. Supercross thiên về kỹ thuật và nhịp điệu hơn là tốc độ. Thường nằm ở nhiều sân vận động và trường đua trong nhà.
Thường được tổ chức trong các sân vận động với điều kiện đường đua khác biệt hơn tập trung vào kỹ thuật của tay lái. Ở Bắc Mỹ, Supercross rất phát triển. Tuy nhiên tại Châu Âu, Motocross vẫn thống trị và người ta phân biệt 2 giải đua này qua cách thức tổ chức và tạm gọi Supercross là tổ chức trong nhà và Motocross là ngoài trời.
Giải đua Supermoto sử dụng kết hợp cả đường nhựa và địa hình
Supermoto
Giải đua xe mô tô thế giới Supermoto là giải đua hỗn hợp kết hợp đường nhựa và đường địa hình. Loại xe mô tô tham dự chủ yếu thuộc loại xe địa hình tham dự giải Motocross.
Do sử dụng loại xe địa hình đặc biệt, cho nên kỹ thuật vào cua cũng rất khác biệt, so với các giải đua khác như MotoGP hay Superbike, kỹ thuật vào cua thường sử dụng là kỹ thuật cua hạ gối, nhưng ở Supermoto các tay đua sẽ ôm cua với 1 chân duỗi thẳng và sử dụng quán tính của xe để vào cua.
Enduro thử thách độ bền của cả chiếc xe và người điều khiển
Enduro
Enduro là một thể loại của đua xe địa hình tập trung vào thử thách độ bền của xe và cả người điều khiển. Thông thường mỗi tay đua phải hoàn thành vòng đua hơn 10 dặm (hơn 15km) đường địa hình xuyên rừng. Vòng đua sẽ đặt ra nhiều chặng với mục tiêu hoàn thành trong một quảng thời gian nhất định, và sẽ có hình thức phạt nếu thực hiện sớm hơn hoặc trễ giờ, cho nên yếu tố “đúng giờ” là quan trọng nhất.
Một giải đua tiêu chuẩn thường diễn ra trong vòng 3 – 4 tiếng, một số giải đua khác diễn ra trong quảng thời gian dài hơn. Trong các giải quốc gia hay thế giới, giải đua có thể diễn ra nhiều ngày, việc bảo trì xe được kiểm soát rất nghiêm ngặt trong suốt chặng đua để đảm bảo yếu tố công bằng.
Có thể kể đến các giải đua Enduro nổi tiếng như World Enduro Championship (WEC) xuyên châu Âu, và giải nổi bật nhất là International Six Days Enduro tranh tải các đội đến từ nhiều quốc gia.
Giải đua xe Moto E mới được khởi tranh chính thức vào năm 2019
Moto E
Giải đua xe mô tô hoàn toàn mới này mới khởi tranh chính thức từ năm 2019. Đúng với tên gọi của nó, đây là giải đua sử dụng các mẫu xe mô tô chạy bằng động cơ điện. Mỗi cuộc đua sẽ có từ 7 – 10 vòng thi đấu, các tay đua sẽ được làm quen với mặt sân trong 2 ngày là thứ 6 và thứ 7, trước khi thi đấu chính thức vào chủ nhật.
Theo: Baogiaothong